Môi trường kinh doanh bắt đà cải cách
Môi trường kinh doanh Việt Nam qua giai đoạn khởi động, đang dần tìm được quán tính của cải cách. Nhưng sức ỳ còn rất lớn, không chỉ từ phía cơ quan quản lý nhà nước mà cả ở những doanh nghiệp.
Bắt đầu bấm nút khởi động
Ngày 15/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đặt bút ký ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, chính thức cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh, nhiều người mới tin cuộc chiến với giấy phép con có thể sang trang mới.
Tất nhiên, nghị định này chưa thể tháo gỡ hết hàng rào điều kiện hiện hữu trong ngành công thương, thậm chí nhiều điều kiện được gộp lại vào một điều thay vì để rải rác... nhưng ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - người đã gần 20 năm tham gia các cuộc chiến với các loại điều kiện kinh doanh - lại không lấy thế làm thất vọng.
Lý do không chỉ vì 8 lĩnh vực mà các điều kiện kinh doanh được cắt giảm đều là những lĩnh vực từng được coi là vô cùng nhạy cảm, cần phải thực hiện tiền kiểm chặt chẽ đều được động chạm tới. Đó là xăng dầu, thuốc lá, điện lực, nhượng quyền thương mại, thương mại điện tử, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, lĩnh vực kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành cùa Bộ Công Thương.
“Điểm tích cực là nhiều điều kiện theo kiểu can thiệp vào quyền tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp đã được bãi bỏ. Sự khởi đầu của Bộ Công Thương đang tạo tiền đề và áp lực cho các bộ khác”, ông Cung bình luận.
Theo Nghị định 08/2018/NĐ-CP, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ không bắt buộc phải sở hữu hoặc đồng sở hữu 4 cửa hàng bán lẻ xăng dầu sau 1 năm có giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu. Quyền quyết định vệ sinh thiết bị sang chiết gas thực hiện thế nào hay ai được phép vào sang chiết... cũng được trả lại cho doanh nghiệp, không được coi là điều kiện kinh doanh mà doanh nghiệp phải đáp ứng và tuân thủ.
Đây là lần đầu tiên một bộ quản lý chuyên ngành chủ động đề xuất phương án cắt giảm đi kèm với việc công khai nguyên tắc rà soát, gồm phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm; tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên...“Sự thay đổi này vô cùng lớn về tư duy quản lý nhà nước”, ông Cung ghi nhận.
Sức ỳ vẫn lớn
Gần 700 điều kiện kinh doanh của ngành công thương được gỡ bỏ, đơn giản hóa là những động thái đầu tiên, được kỳ vọng là hình mẫu cho các phương án cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành và địa phương.
Lúc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công khai đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện kinh doanh, chiếm 34,2% trong tổng số 345 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ 6 ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, bãi bỏ 89 điều kiện (41,3% trong tổng số 215 điều kiện đầu tư, kinh doanh); đơn giản hóa 94 điều kiện (43,7%). Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thực hiện rà soát điều kiện kinh doanh, đề xuất cắt giảm, sửa đổi 51 điều kiện kinh doanh (đạt 16%)…
Phải nói rõ, những quy định can thiệp thô bạo vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không hề ít, nếu không muốn nói là phổ biến. Chỉ 6 tháng trước khi Nghị định 08/2018/NĐ-CP được ký ban hành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi tiến hành rà soát 14 ngành nghề với 402 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương, giao thông - vận tải, khoa học và công nghệ đã phát hiện những nhóm quy định có đặc tính sai khác với bản chất của điều kiện kinh doanh. Nhiều điều kiện kinh doanh có tính chất áp đặt quy mô doanh nghiệp, cách thức kinh doanh, thậm chí can thiệp cả quyền tự quyết của doanh nghiệp.
Ví dụ, đơn vị vận tải taxi phải có tối thiểu 50 xe nếu trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc trung ương; thương nhân xuất nhập khẩu khí hóa lỏng phải có tổng dung tích bồn chứa tối thiểu 3.000 m3; thương nhân bán buôn rượu phải có số vốn tối thiểu 300 triệu đồng… Có cả quy định phương án kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải bằng ô tô phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hay yêu cầu về chất lượng dịch vụ của các đơn vị vận tải hành khách bằng ô tô, trong khi đây là phần việc doanh nghiệp phải lựa chọn tùy theo phân khúc khách hàng và tình hình thị trường...
Khi đó, ông Cung đã lên tiếng lo ngại về chất lượng các của các yêu cầu rà soát điều kiện kinh doanh của Chính phủ với các bộ/ngành, vì những quy định kiểu như trên gắn chặt với những lợi ích của các cơ quan cấp phép - cũng chính là cơ quan đề xuất các điều kiện kinh doanh. Hơn thế, sau một thời gian dài áp đặt các điều kiện kinh doanh, thị trường dần biến thành sân chơi riêng của những doanh nghiệp có tiềm lực, có quan hệ. Cơ hội gia nhập thị trường của những doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hẹp.
Về mặt logic, sẽ không có bộ nào muốn tự tay cắt bỏ lợi ích của mình. Thực tế, gần 20 năm thực hiện cắt bỏ giấy phép con của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cũng cho thấy điều này. Nhưng, đáng nói là chính các doanh nghiệp đang có lợi thế cũng không muốn gỡ bỏ điều kiện kinh doanh. Trong nhiều lần lấy ý kiến doanh nghiệp về các đề xuất bãi bỏ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp lớn thường không đồng ý.
Mới đây nhất, ông Cung đã buộc phải lên tiếng khi Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam lại có ý kiến không đồng tình, họ muốn giữ lại điều kiện về số lượng xe mà Dự thảo Nghị định mới nhất thay thế Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô vừa được Bộ Giao thông - Vận tải trình Chính phủ đã bãi bỏ.
Quán tính cải cách
Cho đến thời điểm này, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Namvẫn cho rằng, động cơ và cả động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm 2018 vẫn nằm ở chất lượng khu vực kinh tế tư nhân, như những gì mà khu vực này đã đóng góp trong năm 2017. Vấn đề là khu vực này đang cần động cơ để thực sự lớn mạnh.
“Khu vực kinh tế tư nhân tự mình khẳng định được mình, chứ không cần phải tuyên ngôn có tính chất văn kiện nào. Nhưng khu vực này vẫn còn quá nhỏ bé, thiếu liên kết, hay nói một cách hình ảnh là có lượng nhưng thiếu lực”, ông Thiên chia sẻ quan điểm.
Lý do, theo ông Thiên, gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất lớn. Mức lương tối thiểu tăng nhanh trong nhiều năm qua, tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động, kéo theo đó là gánh nặng đóng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn… Các khoản đóng quỹ này còn tăng nhanh từ năm 2018 này, vì mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được tính theo tiền lương thực tế.
Việt Nam là quốc gia xuất nhập khẩu lớn, nhưng chi phí logistics của Việt Nam cao và kém cạnh tranh so với nhiều nước. Điều này do hạ tầng chưa đáp ứng tốt, phí vận tải đường bộ (nhất là phí qua trạm BOT) tăng mạnh những năm gần đây, luôn có thêm các khoản phí phát sinh như phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng ban hành từ đầu năm 2017.
Ngay cả các phương án đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng chưa thuyết phục được ông Thiên, khi mà phương pháp, cách làm mới chưa được các cơ quan quản lý nhà nước cùng nhắc tới.
Trong khi đó, nhìn vào sự phát triển của các nước Đông Á khi ở cùng giai đoạn phát triển, có thể thấy hình ảnh của mô hình phát triển công nghiệp nhiều tầng. Ở đó, các tập đoàn kinh tế tư nhân là trụ cột, tham gia vào xây dựng và phản biện chính sách, kéo theo sự phát triển của mạng lưới các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Đã đến lúc Việt Nam phải quan tâm tới các doanh nghiệp mang tính trụ cột, dẫn dắt này. Tôi cho rằng, nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp lớn lên, có thể định hướng vào những doanh nghiệp trẻ, có tầm nhìn, có khát vọng. Họ chính là những nhân vật sẽ dựng nên chân dung kinh tế Việt Nam những năm tới”, ông Thiên nói.
Điều quan trọng là phải thay đổi động cơ khuyến khích, để các doanh nghiệp lớn lên đúng xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chứ không phải níu kéo mô hình tăng trưởng cũ.
Bài toán tái cơ cấu nền kinh tế vẫn phải được giải trên quán tính cải cách đang vào đà mạnh mẽ.
Minh Anh
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|