Lãnh đạo đăng ký giao dịch cổ phiếu: Để đây và… không mua được!
Trong năm Đinh Dậu vừa qua, không ít người có vai trò cầm trịch tại nhiều doanh nghiệp niêm yết đã mạnh miệng tuyên bố mua vào cổ phiếu nhưng kết quả lại là những giao dịch bất thành bởi cùng một lý do chung là giá chưa phù hợp. Nhưng câu chuyện phía sau đó liệu có phải chỉ là do giá?
Câu chuyện về niềm tin của nhà đầu tư được nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại ĐHĐCĐ trong năm 2017 của CTCP Phân phối Top One (UPCoM: TOP). Sau kết quả bê bết của năm 2016, Chủ tịch Đinh Văn Tạo đã có những cam kết sẽ cải thiện kết quả kinh doanh năm 2017, rằng: “Nếu như Công ty không đạt được những con số kế hoạch đưa ra của năm 2017, và nếu vẫn còn đương nhiệm, khi đó tôi sẽ từ chức Chủ tịch HĐQT”. Và có lẽ nhiều cổ đông cũng được trấn an phần nào khi trước thềm ĐHĐCĐ này, ông Đinh Văn Tạo đã công bố muốn mua 21% vốn, tương đương 5.3 triệu cp TOP.
Đó là câu chuyện trước và ngay tại thời điểm ĐHĐCĐ thường niên 2017 diễn ra. Tuy nhiên, khi hết thời gian đăng ký, TOP lại công bố giao dịch của vị lãnh đạo này đã bất thành vì lý do diễn biến thị trường chưa phù hợp. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu TOP trong khoảng thời gian đăng ký mua vào (22/02-22/03/2017) cũng như cả năm 2017 đều chỉ bình yên nhịp bước quanh quẩn vùng 1,500 - 2,500 đồng/cp. Song song đó là một diễn biến trái chiều đầy bất ngờ. Trong khi giao dịch mua của Chủ tịch bất thành thì hai cá nhân liên quan là vợ và mẹ của vị Chủ tịch lại nhanh tay thoái hết 3.21% vốn rất thành công (tương đương 814,000 cp).
Diễn biến cổ phiếu TOP trong năm 2017
|
Tương tự tại KSA và KSK, trong khi chiều mua bất thành thì chiều bán của lãnh đạo hoặc tổ chức liên quan lại trót lọt thành công.
Cụ thể, ông Phạm Xuân Ái – Chủ tịch HĐQT của CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (HOSE: KSA) đăng ký gom vào 2 triệu cp trong khoảng 1 tháng, từ 08/06-07/07/2017, nhưng kết quả lại là không thể mua được bất kỳ cổ phiếu nào vì diễn biến thị trường không thuận lợi. Đáng nói là, ngay sau đó cổ phiếu KSA liên tục bị bán ra bởi CTCP Chứng khoán VSM suốt từ tháng 7 đến tháng 12/2017 với tổng cộng 4 lần giao dịch và khối lượng bán ra được gần 3.5 triệu cp. Được biết, Chứng khoán VSM là công ty do bà Phạm Thị Hinh nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, bà Hinh cũng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tại KSA.
Mới đây, ông Ái lần nữa lại đăng ký mua đúng số lượng bất thành khi xưa là 2 triệu cp trong khoảng thời gian từ 15/01-13/02/2018.
Tương tự với CTCP Khoáng sản Luyện kim màu (HNX: KSK), trong khi Chủ tịch Trần Mạnh Hùng kiên trì đăng ký gom hàng với số lượng 2.2 triệu cp (từ ngày 18/01-16/02/2017) và 2 triệu cp (từ ngày 22/02-22/03/2017) nhưng đều bất thành cũng vì lý do quen thuộc là diễn biến thị trường không thuận lợi, thì thành viên Ban kiểm soát Trần Thị Hạnh lại dễ dàng tháo chạy được toàn bộ hơn 2 triệu trong khoảng thời gian 22/02-22/03/2017.
Cổ phiếu PVR trong 12 tháng qua
|
Không chỉ giao dịch lần này, trước đó hồi đầu năm 2017, Quản lý Quỹ PVI cũng từng muốn thoát hàng số cổ phần trên nhưng không thành.
Với kết quả kinh doanh trong tình trạng bết bát đã kéo dài suốt từ 2012 đến nay, PVR báo lỗ nhiều năm liền (trừ 2014 lãi nhẹ) và tính đến 30/09/2017 thì lỗ lũy kế đã hơn 61 tỷ đồng. Thanh khoản cổ phiếu PVR theo đó cũng vắng bóng dần.
|
Tại đơn vị khác là CTCP Kinh doanh DV Cao cấp Dầu Khí Việt Nam (UPCoM: PVR), Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng Khúc Thị Thanh Huyền đã 2 lần đăng ký mua vào 4.35 triệu cp (tương đương 8.4% vốn), nhưng cũng đều thông báo thất bại. Cụ thể, lần đầu dự kiến giao dịch trong khoảng thời gian 20/06 đến 30/06/2017 và giao dịch lần hai nhanh chóng được công bố ngay sau đó với thời gian giao dịch 10-31/07/2017. Lý do được phân trần ở cả hai lần thực hiện đều là không có số lượng kỳ vọng chào bán.
Đáng nói là, song song với 2 lần đăng ký gom hàng của bà Huyền có sự xuất hiện của Quản lý Quỹ PVI muốn bán ra cũng đúng bằng số lượng trên (4.35 triệu cp PVR) từ 23/06 đến 21/07/2017. Trong khi đó, phía Quản lý Quỹ PVI công bố giao dịch bất thành vì giá chưa đạt kỳ vọng. Xét mặt bằng suốt 1 năm qua của PVR thì mức giá cao nhất vẫn chưa đạt nổi con số 3,000 đồng/cp và chỉ xập xình trong khoảng 1,500-2,900 đồng/cp.
Tại, vì, do…
Tại CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HNX: HKB), trùng hợp là nhiều vị lãnh đạo cấp cao đều đăng ký mua cổ phiếu nhưng giao dịch lại bất thành. Trong tháng 6/2017, hai Ủy viên HĐQT là Đỗ Thái Anh và Trương Danh Hùng đăng ký mua vào lần lượt 2 triệu cp và 4 triệu cp nhưng kết cục đều cho biết không thể thực hiện với lý do cá nhân.
Lúc này, cổ phiếu HKB đang lao dốc mạnh từ mức đỉnh 7,800 đồng/cp hồi tháng 4 về còn 4,000-5,000 đồng/cp. Và ngay sau đó chưa tới 1 tháng, HKB công bố kết quả kinh doanh quý 2 đón nhận những con số âm đầu tiên của năm 2017 với mức lỗ hơn 24 tỷ đồng vì những khoản chi phí đột biến, giá tiêu giảm và giảm trừ giá trị lợi thế thương mại.
Đến cuối tháng 8, cổ phiếu HKB vẫn chưa thể vực dậy khi dần tiến về 3,000 đồng/cp, lúc này cổ đông lớn nhất cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, ông Dương Quang Lư (sở hữu hơn 9.5 triệu cp, tương đương 18.5% vốn), ra tay muốn mua thêm 3 triệu cp. Song, vẫn là điệp khúc cũ – bất thành – nhưng lý do đã khác hơn là “ưu tiên nguồn vốn cá nhân hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty”.
Đến hiện tại, HKB vẫn chưa sáng sủa hơn khi cổ phiếu đang giao dịch tại 2,900 đồng/cp còn kết quả kinh doanh thì quý 3 báo lỗ ròng 40 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 tăng lên là 58 tỷ đồng.
Cổ phiếu HKB trong năm 2017
|
Không chỉ chiều mua, ở chiều bán cũng không mấy thuận lợi. Điển hình tại CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (HOSE: NVT), bên cạnh câu chuyện tái cơ cấu, tăng lập dự phòng, gánh lỗ ròng hơn trăm tỷ đồng, nhà đầu tư còn chứng kiến cảnh lãnh đạo kiên trì qua nhiều tháng chỉ để thoát hàng suốt nửa cuối năm 2017.
Cụ thể, ông Hoàng Anh Dũng – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của NVT bắt đầu đăng ký bán bớt 1.9 triệu cp từ 09/06/2017 nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Tính đến nay, ông Dũng đã đăng ký giao dịch tổng cộng 5 lần nhưng chỉ có 1 lần duy nhất là thoái được là 894,750 cp. Nguyên nhân được công bố là vì diễn biến thị trường điều chỉnh không phù hợp so với dự kiến.
Các giao dịch đăng ký bán cổ phiếu NVT của ông Hoàng Anh Dũng
|
Thực chất tại thời điểm ông Dũng lần đầu đăng ký bán, cổ phiếu NVT vừa leo dốc tăng sốc để đạt đỉnh 5,000 đồng/cp vào ngày 26/05/2017 và bắt đầu có xu hướng rớt giá sau đó. Không chỉ ông Dũng mà trước đó nhanh tay hơn là Chủ tịch Lê Xuân Hải đã tháo chạy được gần 2.6 triệu cp trên tổng số 3 triệu cp đăng ký. Thậm chí ông Hải còn thực hiện giao dịch khá nhanh chóng chỉ trong ngày 29/05, trước cả thời gian đăng ký 02/06-01/07/2017 và chấp nhận chịu phạt 22.5 triệu đồng.
Mới đây, một lần nữa ông Dũng lại đăng ký bán gần như toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ là 1 triệu cp trong khoảng thời gian dự kiến 13/12/2017-11/01/2018.
Đăng ký mua vào gần 4.6 triệu cp (hơn 15% cổ phần) từ 21/07 đến 18/08/2017 nhưng ông Vũ Đình Độ - Chủ tịch HĐQT của CTCP Nhựa Đồng Nai (HNX: DNP) lại không mua được bất kỳ cổ phiếu nào cũng vẫn là lý do không đạt mức giá kỳ vọng. Với sở hữu khi đó gần 9.8% (tương đương 2.9 triệu cp), nếu giao dịch trên diễn ra thành công, ông Độ đã trở thành cổ đông lớn nhất nắm giữ đến 25%.
Được biết, khoảng thời gian trước thời điểm đăng ký mua vào của ông Độ, cổ phiếu DNP đã có bước leo dốc tích cực suốt nửa đầu năm từ 14,000 đồng lên mức đỉnh 27,000 đồng/cp tại ngày 26/07, song sau đó thì DNP lại rơi dần đều hiện tạm ở mức 22,000 đồng/cp.
Song song với động thái đăng ký mua vào ở thời điểm này, DNP còn được cổ đông chú ý bởi đợt phát hành 19.5 triệu cp huy động hơn 120 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng.
Trí Nhiên
FILI
|