Kỳ vọng TPP-11
Ngày 24-1-2018, tại Nhật Bản, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay còn gọi là TPP-11 đã đạt được kết quả bất ngờ khi 11 nước thành viên hoàn tất đàm phán để tiến tới ký kết chính thức vào ngày 8-3 tới tại Chile.
Ðiểm mới và tích cực nhất của CPTPP chính là sự thống nhất tuyệt đối của các thành viên về nhu cầu duy trì một hiệp định chất lượng cao và toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, chứ không chỉ là vấn đề mở cửa thị trường, thương mại và kinh tế. Ảnh: Internet
|
CPTPP được các bên tham gia khẳng định không đơn thuần chỉ là sự thay đổi tên gọi, hay sự khác biệt về con số thành viên so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ðiểm mới và tích cực nhất của CPTPP chính là sự thống nhất tuyệt đối của các thành viên về nhu cầu duy trì một hiệp định chất lượng cao và toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, chứ không chỉ là vấn đề mở cửa thị trường, thương mại và kinh tế.
Khẳng định toàn cầu hóa và tự do thương mại vẫn là xu hướng chủ đạo của thế kỷ
Theo thống kê của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với TPP, GDP có thể tăng thêm 6,7%, góp thêm 15-17% tăng trưởng về xuất khẩu. Còn khi TPP không có Mỹ, tức thành CPTPP, thì GDP chỉ tăng thêm 1,32%, tăng trưởng về xuất khẩu chỉ thêm 4%. CPTPP giúp tăng nhập khẩu 3,8% còn TPP tăng nhập khẩu 10,5%. Nhưng không vì những con số đó mà mất đi những giá trị cốt lõi của CPTPP.
Với diện mạo mới là “toàn diện” và “tiến bộ”, CPTPP là minh chứng cho sự nỗ lực, quyết tâm hồi sinh TPP của 11 nước thành viên. Được kế thừa các nội dung tiến bộ của phiên bản gốc, CPTPP cơ bản giữ nguyên các tiêu chuẩn cao, tính cân bằng và chặt chẽ của TPP, đồng thời nhấn mạnh tính toàn diện và tiến bộ của phiên bản mới khi bảo đảm các lợi ích, không chỉ thương mại, của tất cả các bên tham gia, bảo toàn các quyền kiểm soát, tính linh hoạt khi đặt ra các ưu tiên về mặt pháp lý và quản lý, cũng như bảo đảm quyền bảo vệ, phát triển và thực thi các chính sách văn hóa riêng của từng thành viên. Điều đó thể hiện sự gắn kết của mối quan hệ đa quốc gia như thế này không có bất kỳ trở ngại địa lý nào.
Việc CPTPP đình chỉ 20 điều khoản và bổ sung các phụ lục danh mục những vấn đề cần đàm phán thêm được xem là giải pháp thỏa hiệp, giúp khai thông bế tắc đàm phán và bảo đảm hiệp định sớm đi vào cuộc sống. CPTPP cũng được quy định có hiệu lực ngay sau khi có sáu quốc gia thành viên đầu tiên phê chuẩn. Ðây là thay đổi tích cực so với quy định về hiệu lực của TPP, khi đòi hỏi giá trị GDP của các quốc gia phê chuẩn phải đạt mức 85% tổng GDP của 12 thành viên.
Bên cạnh đó, sau khi tuyên bố chung về CPTPP được đưa ra thì ngày 25-1-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ cân nhắc tham gia hiệp định hiện nay mang tên mới là CPTPP, nếu các điều khoản được cải thiện.
Ngoài ra, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Philippines thể hiện mong muốn tham gia CPTPP. Bloomberg dự báo việc mở rộng từ 11 lên 16 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ gia tăng đáng kể lợi ích kinh tế cho tất cả các thành viên. Theo Viện Kinh tế quốc tế Peterson, chuyển từ 11 lên 16 nền kinh tế sẽ tăng lợi ích gấp ba lần cho các thành viên, đến mức khoảng 500 tỉ đôla Mỹ/năm. Số tiền này nhiều hơn số tiền mà hiệp định ban đầu mang lại. Động lực đến từ tập hợp ba nền kinh tế tiến bộ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, giữa các nền kinh tế này hiện chưa có hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, chuỗi cung ứng khắp châu Á cũng hưởng những tác động tích cực.
Điều này thể hiện rõ toàn cầu hóa hay tự do thương mại vẫn là một xu hướng không thể chối bỏ của thế kỷ này và việc Mỹ không tham gia TPP không phải là chống lại xu hướng này mà chỉ muốn tìm kiếm các điều khoản thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ.
Nước Anh đã tổ chức nhiều cuộc bàn thảo không chính thức về việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhằm kích thích xuất khẩu hậu Brexit. Đề xuất tham gia TPP được phát triển bởi Bộ Thương mại quốc tế Anh.
Nếu thành công, Anh sẽ là quốc gia đầu tiên trong TPP không giáp biển Đông hoặc Thái Bình Dương. Việc này cũng sẽ giúp hồi sinh TPP, sau khi Mỹ rút ra hồi tháng 1 năm ngoái. 11 nước còn lại trong TPP cũng đã thống nhất đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 11-2017.
Nước Anh đã tổ chức nhiều cuộc bàn thảo không chính thức về việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhằm kích thích xuất khẩu hậu Brexit. Đề xuất tham gia TPP được phát triển bởi Bộ Thương mại quốc tế Anh.
Nếu thành công, Anh sẽ là quốc gia đầu tiên trong TPP không giáp biển Đông hoặc Thái Bình Dương. Việc này cũng sẽ giúp hồi sinh TPP, sau khi Mỹ rút ra hồi tháng 1 năm ngoái. 11 nước còn lại trong TPP cũng đã thống nhất đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 11-2017.
|
CPTPP tạo động lực cho Việt Nam thúc đẩy hợp tác thương mại và cải cách kinh tế
CPTPP sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại thế giới, giúp Việt Nam phát triển hoạt động thương mại với các nước như Canada, Mexico hay Peru - các nước chưa ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Việc số lượng thành viên của hiệp định này có khả năng không chỉ dừng lại ở con số 11 cũng sẽ mở ra một thị trường ngày càng rộng khắp.
Đà tăng trưởng kinh tế hiện nay ở Việt Nam có được một phần là nhờ kết quả từ việc tiếp cận thị trường toàn cầu, vì thế bất kỳ điều gì giúp giảm hàng rào thương mại đều quan trọng. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng hưởng được nhiều lợi ích khi không chỉ đặt kỳ vọng vào thị trường chung trong khối mà còn hy vọng sự thay đổi thể chế, chính sách sẽ tạo môi trường, điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hơn.
Ngoài ra, các điều khoản trong CPTPP đòi hỏi thực hiện nhiều cải cách, trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong quan điểm, cũng như vấn đề pháp lý, hành chính. Chính những đòi hỏi này tạo động lực phát triển, cả kinh tế và xã hội. Thực tế, các tiêu chuẩn cao liên quan vấn đề thể chế sẽ giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, khuôn khổ pháp luật, tính cạnh tranh, môi trường đầu tư, kinh doanh... CPTPP là một hiệp định tương đối toàn diện, bao trùm các nguyên tắc trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác. Chính vì vậy, hiệp định mới vừa tạo cơ hội vừa buộc Việt Nam cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh nói riêng và cải cách thể chế nói chung.
Nguyễn Lê Đình Quý
TBKTSG
|