Giá cà phê chao đảo thất thường mấy ngày Tết
Sau chuỗi ngày tăng từ đầu tháng 2-2018, giá kỳ hạn cà phê robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm giá tham chiếu, chạm được đỉnh 1.792 đô la mỗi tấn vào ngày 15-2 tức ngày giao thừa giữa năm Đinh Dậu và Tết Mậu Tuất.
Tuy nhiên, lập tức giá sàn kỳ hạn sàn này đã giảm mạnh đúng vào ngày 16-2, đúng mùng 1Tết để có lúc chạm đáy trong ngày là 1.747 đô la, trượt mất 45 đô la chỉ trong hai ngày giao dịch liền kề nhanh như trở bàn tay. Giá kỳ hạn vẫn tiếp tục cuộc phiêu lưu của nó và có khi xuống đến mức sâu nhất từ Tết Nguyên đán đến nay là 1.733 đô la mỗi tấn.
Tưởng sẽ bị dìm sâu hơn, nhưng rất bất ngờ: giá từ mức 1.733 đô la ấy bung lên lại vào ngày 21-2, lên tới 1.784 đô la để đóng cửa phiên gần nhất vào ngày 22-2 tại 1.766 đô la/tấn.
Nhìn vào đồ thị, cứ tưởng giá trong giai đoạn tăng, nhưng không, đấy chỉ là phân đoạn thấp nhất nếu như tính từ đầu niên vụ 2017-2018 đến nay. Thật vậy, giá kỳ hạn robusta London vào đầu tháng 10-2017, mở màn năm kinh doanh hiện nay có lúc đã đạt đỉnh cao nhất là 1.990 đô la so với mức đáy là 1.672 đô la/tấn lập đầu tháng 1-2018. Nói vậy để thấy rằng mức đóng cửa ngày 22-2 chỉ là phân khúc phục hồi của chuỗi phiêu lưu của giá cà phê kỳ hạn robusta.
Giá cà phê nội địa chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sàn nên dao động không kém phần dữ dội dù đang ở mức thấp. Nếu như trước đây khi sàn kỳ hạn chạm đáy kéo giá cà phê nguyên liệu tại vùng sản xuất trọng điểm của cả nước là các tỉnh Tây Nguyên xuống chỉ còn 36 triệu đồng mỗi tấn thì có người đã chớp được thời cơ bán ngay ngày mùng 1 Tết khi thị trường kỳ hạn chưa mở cửa với mức 38,1 triệu đồng mỗi tấn giao hàng về kho quanh các cảng Sài Gòn/Bình Dương.
Nhiều nhà vườn đang lo lắng vì giá cà phê thế giới và nội địa đang tạo thêm khó khăn cho họ. Nếu như giá năm 2017 có lúc ở mức 43 triệu đồng mỗi tấn, thì nay họ mất ngót 5-6 triệu đồng mỗi tấn. Không chỉ ở Việt Nam, nông dân cà phê nhiều nước trên thế giới cũng đang than khó khi giá cà phê bán ra giảm quá nhanh và mạnh.
Gần đây, trên một bài báo của Ấn độ nói rằng nông dân cà phê nước này đang than thở khi giá cà phê nguyên liệu bán ra trên thị trường nội địa giảm 19% so với năm 2017. Cụ thể là giá cà phê robusta tươi năm ngoái họ bán được 3.700 Rupee Ấn độ (INR) mỗi bao 50 kg thì nay chỉ còn 3.000 INR, còn arabica còn nguyên trong vỏ thóc sau khi chế biến ướt xong năm 2017 có giá nội địa là 9.900 INR thì nay chỉ 7.300 INR.
Giá kỳ hạn robusta yếu, giá sàn arabica New York càng tệ hơn. Nếu như đầu niên vụ hiện thời, có người bán được cà phê arabica với mức 150 xu/cân Anh (cts/lb) thì nay giá trên sàn này chỉ còn dưới 120 cts/lb, tức chừng 3.300 đô la so với hiện nay 2.650 đô la mỗi tấn.
Giải thích lý do vì sao giá cà phê xuống, một chuyên gia phân tích thị trường mặt hàng này cho rằng tin đồn Brazil được mùa lớn vụ tới cộng với thông tin các nước Nam Mỹ có dự định phát triển diện tích cà phê robusta bên cạnh mặt hàng chủ lực của họ là arabica, đã làm bức tranh cung-cầu chao đảo dù cụ thể chưa rõ điều gì. “Nhưng yếu tố lớn nhất vẫn là các quỹ đầu tư tài chính đang muốn bán khống các hợp đồng kỳ hạn cà phê trên cả hai sàn arabica và robusta,” vị chuyên gia nhấn mạnh.
Hiện tượng giới đầu tư thiên về vị thế bán khống làm giá xuống chưa hẳn do tin đồn cung-cầu, mà chính do họ đoán sẽ có nhiều biến động trên thị trường tiền tệ với tâm điểm là Mỹ tăng lãi suất đồng đô la ít nhất là 3 đợt trong năm 2018.
Đồng đô la Mỹ mạnh thường đẩy giá các sàn kỳ hạn hàng hóa nông sản xuống, nhất là các mặt hàng chọn đồng đô la làm đồng tiền giao dịch, vì chi phí tài chính và nguồn tín dụng dành cho kinh doanh hàng hóa eo hẹp hơn.
Chính vì vậy, đợt dao động hiện nay có thể là một báo hiệu cho nhiều lần chao đảo thất thường nữa trong thời gian trước mắt.
NGUYỄN QUANG BÌNH
TBKTSG
|