Đổi nợ xấu DNNN thành vốn góp(Kỳ I): Ai hưởng lợi?
Việc cho phép tổ chức tín dụng được chuyển nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước thành vốn góp, rất nhiều ý kiến cho rằng, đây là bước đi táo bạo trong việc xử lý nợ xấu, giúp doanh nghiệp không rơi vào vòng xoáy phá sản. Tuy nhiên, vẫn nhiều lo ngại cho rằng sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính…
Chuyển nợ thành vốn góp nhìn từ Công ty Thuỷ sản Bình an
|
Hiệu quả từ việc chuyển nợ xấu thành vốn góp
Trong quá trình xây dựng Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020", Chính phủ đã chỉ đạo NHNN đánh giá toàn diện thực trạng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối mặc dù đã được xử lý quyết liệt nhưng vẫn còn khá lớn - khoảng 10 nghìn tỷ đồng đến thời điểm 31/12/2015 và 9,3 nghìn tỷ đồng đến thời điểm 30/09/2017.
Cụ thể, đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm xác định định hướng hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp xử lý phù hợp, trong đó: Xử lý dứt điểm tài sản bảo đảm của khoản nợ; Trường hợp tiếp tục duy trì hoạt động thì cho phép các tổ chức tín dụng chuyển nợ thành vốn góp hoặc bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp để có nguồn trả nợ các tổ chức tín dụng; Cho phá sản doanh nghiệp để các tổ chức tín dụng thu hồi khoản nợ liên quan.
Thời gian qua một số trường hợp đã triển khai nợ xấu thành vốn góp như VietinBank tham gia làm cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa các cảng thành viên thuộc Vinalines. VietinBank được chuyển số nợ vay 5.000 tỉ đồng của Vinalines và các đơn vị thành viên thành vốn cổ phần tại các cảng thành viên khi tiến hành cổ phần hóa. Chủ trương này áp dụng với Công ty cảng Hải Phòng và Công ty cảng Đà Nẵng...
Tiếp đó, ACB cũng đã phải mua lại 12,6 triệu cổ phần của Công ty CP vận tải biển VN (mã VOS) đơn vị thành viên của Vinalines.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã thực hiện phương án chuyển nợ thành vốn góp. Vào giai đoạn 2011 - 2012 Công ty CP thủy sản Bình An (Bianfishco) gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định, chi phí tài chính tăng cao, ngân hàng đã ngừng cung cấp tín dụng, quản trị điều hành doanh nghiệp yếu kém khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Công ty bị thua lỗ, số dư nợ đọng ngân hàng và người dân bán cá lên tới cả nghìn tỉ đồng.
Được sự đồng ý của Chính phủ, SHB chính thức “kết hôn” với Bianfishco và trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 25 triệu cổ phần bằng 50% vốn điều lệ Bianfishco (Bianfishco có vốn điều lệ 500 tỉ đồng) và tham gia vào hoạt động tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của Bianfishco. Hiện tại theo lãnh đạo SHB, Bianfishco đã ổn định hoạt động và bắt đầu có lãi, đời sống người lao động được duy trì.
Cân nhắc khi chuyển nợ xấu thành vốn góp
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, “biện pháp chuyển nợ thành vốn góp sẽ giảm được nợ xấu, đồng thời giúp doanh nghiệp không rơi vào phá sản, người lao động mất việc làm". Chủ trương thì đúng nhưng phải làm tương đối chặt chẽ. Phải kiểm tra chất lượng nợ, thực trạng tài sản thế chấp ở mức nào. Trước đây, các ngân hàng và doanh nghiệp thương lượng làm có những rủi ro. Khi xảy ra rủi ro thì không được bảo vệ. Nay cơ quan quản lý hợp pháp hóa bằng quy định và thực hiện có điều kiện tốt hơn, khả năng thực thi sẽ có hiệu quả hơn...
Tuy nhiên, việc chuyển hóa nợ thành vốn góp nếu không thận trọng sẽ để lại nhiều hệ lụy. Nhìn vào thực tế hiện nay, rất nhiều ngân hàng đổ vốn cho vay hạ tầng, giao thông, bất động sản, xi măng... nếu việc chuyển nợ thành vốn góp diễn ra ồ ạt, khi đó ngân hàng sẽ trở thành những nhà đầu tư giao thông, bất động sản, trong khi lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi chức năng nhiệm vụ của ngân hàng là kinh doanh tiền tệ, chứ không phải kinh doanh sản xuất hàng hóa hay quản lý doanh nghiệp.
Nhìn từ Bianfishco, VietinBank, có thể thấy, đổi nợ thành vốn góp có nhiều điểm tích cực. Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy, giải pháp nuôi nợ này giúp ngân hàng có thêm thời gian để thu hồi nợ, trước mắt là làm sạch bảng cân đối tài sản, giúp nợ xấu giảm đi nhanh chóng. Bên cạnh đó, khoản tín dụng được biến thành khoản đầu tư tài chính, giúp “room” tín dụng của ngân hàng được mở rộng thêm.
Theo một chuyên gia tài chính, đã có rất nhiều ngân hàng trở thành cổ đông gián tiếp của doanh nghiệp vay nợ của mình thông qua công ty trung gian. Cách thức thực hiện thường là ngân hàng bán phần nợ xấu của mình cho một doanh nghiệp có liên quan. Công ty liên quan này sẽ dùng quyền chủ nợ để đàm phán với doanh nghiệp để biến nợ thành vốn góp. Mức giá mua cổ phần hay tỷ lệ chuyển đổi nợ tùy thuộc vào thỏa thuận giữa 2 bên và tiềm năng của doanh nghiệp. Sau khi thành cổ đông, ngân hàng gián tiếp tham gia vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp để vực dậy doanh nghiệp qua cơn khó khăn. Phương án này giúp ngân hàng tạm thoát khỏi nợ xấu, còn doanh nghiệp tạm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, nhưng về dài hạn hiệu quả thực sự của phương án này thường không cao.
Tuy nhiên, các ngân hàng phải cân nhắc thận trọng, vì nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn. Những doanh nghiệp có nợ nhóm này thường quản trị kém, kinh doanh không hiệu quả. Hơn nữa, để “nuôi” được những con nợ này đến lúc khỏe để trả nợ, ngân hàng sẽ phải bơm thêm tiền, đầu tư nhiều thời gian, công sức để vực dậy doanh nghiệp...
(Đón đọc Đổi nợ xấu DNNN thành vốn góp - Kỳ II: Các chuyên gia nói gì?)
Hà Phương
Diễn đàn doanh nghiệp
|