Doanh nghiệp dệt may cần làm gì để hoá giải thách thức trong năm 2018?
Để vượt qua được thách thức trên, Bộ Công thương cho rằng đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành cần phải có chiến lược cụ thể nhằm tận dùng tối đa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Bộ Công thương, tháng 1/2018 có số thời gian làm việc nhiều hơn so với năm 2017 (hơn 5 ngày do tháng 1/2017 trùng với dịp lễ Tết Nguyên đán) nên ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 23%; chỉ số sản xuất trang phục tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng như: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 36,1 triệu m2, tăng 3,4% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 67,7 triệu m2, tăng 33,8% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 402,4 triệu cái, tăng 17,7%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 01 ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Tại cuộc họp báo cuối năm 2017, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2017 là năm có nhiều thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam với áp lực của Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị dừng lại cùng với tình hình xuất nhập khẩu dệt may cuối năm 2016, đầu năm 2017 gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngành dệt may phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, phát triển đa dạng các mặt hàng xuất khẩu để đạt được những kết quả khả quan trong năm.
Liên quan đến mục tiêu năm 2018, ông Trương Văn Cẩm cho hay, ngành dệt may dự kiến sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu từ 33,5-34 tỷ trong năm tới.
Các chuyên gia ngành dệt may dự báo, bước sang năm 2018, ngành dệt may sẽ khởi sắc hơn năm 2017. Tuy vậy, toàn ngành vẫn tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, dẫn đến tổng cầu thế giới về dệt may chỉ tăng 1-2%, thậm chí là không thay đổi.
Dự báo ngành dệt may năm 2018 sẽ gặp nhiều thách thức lớn, tính cạnh tranh cao. Để vượt qua được thách thức trên, Bộ Công thương cho rằng đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành cần phải có chiến lược cụ thể nhằm tận dùng tối đa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao tính cạnh tranh, tạo sự đột phá, khác biệt so với những năm trước.
Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần chủ động thực hiện các giải pháp như: kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các khâu đang là nguồn cung thiếu hụt của ngành dệt may nhằm hạn chế tối đa việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu, góp phần tăng thặng dư thương mại; Áp dụng rộng rãi mô hình quản lý Lean trong ngành may; Xây dựng doanh nghiệp theo hướng xanh, sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa áp lực về thời gian làm việc, tạo động lực làm việc cho người lao động; Phát triển ngành thời trang gồm thiết kế thời trang và kinh doanh thời trang, tăng tỷ trọng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo phương thức ODM và OBM; Xây dựng chuỗi cung ứng, liên kết hợp tác trong ngành dệt may cũng như Hiệp hội Dệt May nhằm giảm thiểu chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may...
Đối với ngành da giầy, tháng 1/2018, sản xuất và xuất khẩu của ngành tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng giầy, dép da tháng 1 năm 2018 ước đạt 20,5 triệu đôi, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại tháng 01 ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ.
Tương tự như ngành dệt may, các doanh nghiệp ngành da giày cũng cần chủ động nắm bắt tình hình và tận dùng tối đa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao tính cạnh tranh, tạo sự đột phá trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Diệp Anh
DĐDN
|