Thứ Tư, 07/02/2018 09:35

Đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê còn rất nhiều vấn đề, HĐXX trả lại hồ sơ điều tra bổ sung

Sáng ngày 07/02/2018, sau gần một tháng xét xử nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận thấy vụ án còn rất nhiều vấn đề cần xem xét làm rõ. Bên cạnh đó, nhiều chứng cứ còn thiếu mà không thể bổ sung tại phiên tòa nên HĐXX quyết định hoàn trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao điều tra bổ sung.

Nhiều vấn đề chưa được làm rõ, nhiều chứng cứ còn thiếu không thể bổ sung tại phiên tòa nên HĐXX đã tuyên bố hoàn lại hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, năm 2013 và 2014, bị cáo Phạm Công Danh cần có tiền để sử dụng: trả cho các khoản vay đã đến hạn, bảo đảm thanh khoản, tăng vốn điều lệ,… nhưng không thể vay được trực tiếp tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CB) nên đã chỉ đạo các lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do ông thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV. Đồng thời, dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay, sau đó bị 3 ngân hàng trên thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB, với tổng số tiền hơn 6,100 tỷ đồng (Sacombank là hơn 1,800 tỷ đồng, TPBank hơn 1,700 tỷ đồng và BIDV hơn 2,500 tỷ đồng).

Toàn bộ số tiền các công ty vay từ 3 ngân hàng được bị cáo Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng cho các mục đích của ông. Do các công ty này làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ; ngân hàng VNCB thực hiện việc bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó dẫn đến ngân hàng VNCB bị thiệt hại hơn 6,100 tỷ đồng.

Với các hành vi nêu trên, bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm đã bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy có một số vấn đề của vụ án cần được điều tra làm rõ để giải quyết toàn diện vụ án:

Thứ nhất, các bị cáo thuộc nhóm ngân hàng BIDV và TPBank cũng như luật sư bào chữa cho rằng các bị cáo không quen biết Phạm Công Danh. Khi cho vay không biết các công ty vay vốn là do Phạm Công Danh thành lập hay có liên quan đến bị cáo Danh, cũng không biết mục đích của Phạm Công Danh đằng sau các khoản vay. Các bị cáo trần tình đây chỉ là lỗi sai sót trong quá trình nghiệp vụ, không cố ý giúp sức cho Phạm Công Danh. HĐXX đề nghị xem xét làm rõ vấn đề này.

Thứ hai, theo bị cáo Trầm Bê, hành vi cho vay xảy ra như nhau tại cả ba ngân hàng nhưng chỉ có mình bị cáo bị truy tố. Việc bàn bạc giữa Trầm Bê và Phạm Công Danh là đúng quy trình cho vay của ngân hàng, sai sót là nghiệp vụ của cấp dưới. Bị cáo Trầm Bê chỉ phê duyệt chủ trương, không biết mục đích thực sự của Phạm Công Danh. Bị cáo Trầm Bê cho biết HĐXX không chỉ thể hiện vào đó mà kết tội và ông không phục quyết định của VKS. HĐXX cũng đề nghị xem lại vấn đề này, cùng với vấn đề thứ nhất đã nêu nhằm đưa ra bản án “đúng người đúng tội”, không oan sai.

Thứ ba, xem xét lại trường hợp của các bị cáo là cán bộ BIDV Gia Định để có căn cứ truy tố phù hợp. Các bị cáo này trước đó bị cáo buộc vi phạm khoản 3, Điều 126 Luật các TCTD năm 2010. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, VKS xác định lại các bị cáo vi phạm điểm d khoản 1 điều 127 Luật TCTD.

Thứ tư, trong quá trình truy hồi, thẩm vấn có nhiều vấn đề phát sinh xác định bị cáo Phạm Công Danh có hành vi chiếm đoạt tài sản. Vì vậy cần làm rõ việc bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm có thực hiện chiếm đoạt tài sản hay không? Nếu có thì thời điểm chiếm đoạt và số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu?

Thứ năm, trước đó, VKS có đề nghị yêu cầu thu hồi hơn 6,100 tỷ đồng được cho là thiệt hại của vụ án từ 3 ngân hàng (Sacombank, TPBank, BIDV) trả cho Ngân hàng Xây dựng. Tuy nhiên, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng nếu HĐXX chấp thuận đề nghị này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính và hoạt động của các ngân hàng. HĐXX yêu cầu xem xét lại vấn đề này, cần xác định rõ vật chứng trong vụ án hình sự, từ đó giải quyết vụ án có căn cứ.

Thứ sáu, bị cáo Phạm Công Danh và luật sư bào chữa đề nghị xem xét số tiền 4,500 tăng vốn điều lệ VNCB nhưng chưa được NHNN chấp thuận tăng vốn. HĐXX xét thấy số tiền này đã được chuyển về VNCB và VNCB đã sử dụng, tuy bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại cho VNCB 6,100 tỷ đồng nhưng Phạm Công Danh đã chuyển trở lại 4,500 tỷ đồng. Vì vậy, cần xác định trong trường hợp này, VNCB thiệt hại 6,100 tỷ hay cụ thể là bao nhiêu?

Thu Phong

FiLi

Các tin tức khác

>   Cung dồi dào, USD tự do ngang giá USD ngân hàng (07/02/2018)

>   Giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển cho Ngân hàng Chính sách xã hội (06/02/2018)

>   Giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 là một nhiệm vụ trọng tâm (06/02/2018)

>   ACB: Phát hành hơn 98.5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (07/02/2018)

>   Truy tố cựu cán bộ ngân hàng VIB chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng (06/02/2018)

>   Ngân hàng đầu tiên đạt tiêu chuẩn ISO 20000 về công nghệ thông tin (06/02/2018)

>   SeAbank mua lại Công ty Tài chính Bưu Điện (06/02/2018)

>   TPBank chốt room ngoại là 24.9% (05/02/2018)

>   Tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng bất động sản (05/02/2018)

>   Ngân hàng Nhà nước bị 'tuýt còi' vì ra văn bản quy định trái luật (05/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật