Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Garmex Sài Gòn:
Áp lực giảm giá từ khách hàng là rất lớn
Câu chuyện của nhiều DN dệt may xuất khẩu, trong đó có Garmex Sài Gòn, thời điểm này không phải là tìm kiếm đơn hàng mà làm sao giữ được lợi nhuận. Bởi đơn hàng dồi dào nhưng áp lực giảm giá từ khách hàng là rất lớn, cạnh tranh gay gắt. Muốn duy trì lợi nhuận, DN phải tăng năng suất lao động, chuyển đổi sang công đoạn phức tạp hơn như từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm). Thực tế, trong khoảng gần 30 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước năm 2017, có đến khoảng 70% từ khu vực DN FDI và chỉ 30% kim ngạch thuộc về DN trong nước.
Với khu vực DN trong nước, lại có đến 80% số DN dệt may xuất khẩu làm gia công nên doanh thu thực tế rất thấp. Muốn tăng doanh thu, lợi nhuận, DN phải chuyển sang làm FOB, ai cũng biết điều này nhưng việc chuyển đổi là không dễ từ nguồn nhân lực tốt, giỏi ngoại ngữ, chủ động về nguyên phụ liệu và nhiều yếu tố khác. Ngược lại, các DN FDI lại chủ yếu làm theo chuỗi từ phát triển nguyên liệu, thiết kế, bán sản phẩm… Do đó, quan trọng nhất với các DN là làm sao đột phá, cải tiến để nâng cao năng suất, giảm giá thành để cạnh tranh.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam:
Sản xuất những mặt hàng phức tạp hơn
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu giày thứ 2 thế giới và ít nhất trong 10 năm tới, các nước xếp ở vị trí tiếp theo sẽ khó cạnh tranh lại. Đây là lợi thế của ngành sản xuất giày dép xuất khẩu. Theo khảo sát, tỉ lệ nội địa hóa của ngành da giày khoảng 50% và con số này đã hơn nhiều ngành. Đây là tiến bộ rất lớn và xu hướng này sẽ giúp cho các DN chuyển từ phương thức gia công sang mua bán tốt hơn. Bình quân giá xuất khẩu toàn thế giới khoảng 8,8 USD/đôi giày, trong khi Việt Nam giá bình quân xuất khẩu khoảng 15,4 USD/đôi giày, cao gần bằng khu vực Bắc Mỹ. Đó là nhờ chúng ta sản xuất được những mặt hàng có nhiều công lao động, mặt hàng phức tạp hơn hoặc sử dụng nguyên liệu tốt hơn.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit:
Nên chú trọng đầu tư vào thị trường
Chính phủ cần xem lại các xúc tiến thương mại và hành trang cho DN bước ra thị trường quốc tế. Hoạt động xúc tiến xuất khẩu chưa hợp lý, từ con người đến cách thức hỗ trợ. Có thể thấy các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia làm xúc tiến rất khác Việt Nam. Chính phủ họ cấp ngân sách cho DN (chẳng hạn Thái cấp cho DN 30.000 USD/năm) để làm thị trường xuất khẩu, DN tự liên kết với nhau tổ chức các chương trình xúc tiến rất hiệu quả chứ không phải cơ quan của Bộ Công Thương đứng ra tổ chức chương trình và kêu gọi, lựa chọn DN tham gia như chúng ta. Cạnh tranh xuất khẩu ngày càng khó với nhiều rào cản mới được dựng lên nhằm bảo hộ sản xuất nội địa, chúng ta phải cho DN ra đấu trường quốc tế cọ xát để được nuôi dưỡng bằng các giải pháp thị trường quốc tế.
Ngoài ra, lâu nay Việt Nam làm xuất khẩu là đầu tư phần gốc mà quên phần ngọn. Các nước đầu tư thị trường rồi mới tổ chức canh tác. Việt Nam đi ngược lại là đổ tiền vào khuyến nông, canh tác rồi mới tìm thị trường tiêu thụ. DN Việt muốn bán hàng vào thị trường quốc tế thì không có đủ hệ thống dữ liệu về yêu cầu, quy tắc của DN, thị trường nhập khẩu phân phối. Trong khi Chính phủ chưa chuẩn bị tốt hệ thống dữ liệu này để cung cấp cho DN thì những DN có thông tin lại âm thầm làm chứ ít khi chia sẻ.
Rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được dựng lên ngày càng nhiều trong tương lai vì Việt Nam trong con mắt của thế giới vẫn là nơi có nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào. Việt Nam vẫn là cánh đồng cung cấp lương thực cho thế giới. Vì vậy, nhiều DN nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc..., đang đầu tư canh tác, sản xuất, chế biến nông sản ở Việt Nam để xuất khẩu. DN trong nước muốn cạnh tranh được phải làm sao tự nâng giá trị gia tăng. Tôi tin rằng DN nào càng đầu tư nhiều vào thị trường thì càng dễ phát triển và những DN làm ăn đàng hoàng thì không khó để tạo dựng hoặc huy động vốn để thực hiện các dự án đầu tư.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật:
Cần thêm nhân sự và kinh phí
Hiện nay, các thị trường có yêu cầu về kiểm dịch thực vật khắt khe nhất thế giới (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand) đều đã mở cửa cho quả tươi của Việt Nam góp nâng cao uy tín, giá trị cho xuất khẩu rau quả. Tuy nhiên, công tác mở cửa thị trường thời gian qua thực hiện chưa đạt hiệu quả cao do thiếu sự chủ động, chuyên nghiệp. Nguyên nhân là chưa có nguồn kinh phí phục vụ cho việc nghiên cứu, khẳng định năng lực kỹ thuật trong việc đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, đặc biệt trong việc thực hiện các biện pháp xử lý mới với công nghệ hiện đại. Chưa có kinh phí bố trí cho đón tiếp đoàn chuyên gia các nước nhập khẩu vào kiểm tra thực tế cơ sở trồng trọt, sơ chế, đóng gói và xử lý kiểm dịch thực vật.
Vì vậy, để thực hiện tốt công tác mở cửa thị trường thời gian tới, cần đầu tư bổ sung nhân lực và bố trí nguồn kinh phí tương xứng. Với tiềm năng ngành nông sản, nội dung mở cửa thị trường cần được đưa vào các cuộc hội đàm cấp cao với các nước.
Th.Phương - Th.Nhân - Ng.Ánh
|