Công ty quản lý quỹ đổi chủ: Thấp thoáng bóng dáng tập đoàn lớn
Năm 2017, nhiều công ty quản lý quỹ đã tìm được chủ mới cho mình và thấp thoáng đâu đó phía sau là bóng dáng của những tập đoàn lớn, đa phần hoạt động trong mảng bất động sản.
Nhà phân phối Piaggio mua lại công ty quản lý quỹ của BIDV và đối tác
Cuối tháng 11/2017, cả hai cổ đông tại liên doanh BIDV-Vietnam Partners (BVIM) cùng bán đến 75% vốn tại đây cho CTCP Đầu tư Xuân Cầu. Theo đó, Ngân hàng BIDV (HOSE: BID) thoái sạch vốn, còn Công ty TNHH Quản lý đầu tư Vietnam Partners (Vietnam Partners là ngân hàng đầu tư của Mỹ) giữ lại 25% vốn.
Logo BVIM (trái) và Tập đoàn Xuân Cầu (phải)
|
Ông chủ mới - CTCP Đầu tư Xuân Cầu được thành lập năm 2006, hoạt động chính về đầu tư xây dựng, phát triển và kinh doanh bất động sản; xây dựng các công trình dân dụng, kỹ thuật hạ tầng. Công ty có vốn điều lệ 391 tỷ đồng, ông Tô Dũng làm Chủ tịch HĐQT.
Công ty cổ phần này thuộc sở hữu của Công ty TNHH Xuân Cầu (theo thông tin từ website của công ty) – hoạt động đa ngành, thành lập năm 2000, có vốn điều lệ 145 tỷ đồng (tính đến gần cuối 2015) và cũng do ông Tô Dũng làm Chủ tịch HĐTV.
Về bất động sản, nhóm công ty này là chủ đầu tư của các dự án tại Hà Nội và 1 số tỉnh như Hoà Bình, Quảng Nam, Hưng Yên, Thái Nguyên. Trong đó có dự án Biệt thự cao cấp Xanh Villas, Trung tâm thương mại Trương Định (Hà Nội), Biệt thự Sinh thái Yên Bình (Xanh Villas II), … Ở những lĩnh vực khác, họ còn là nhà phân phối của Piaggio tại Việt Nam; có một số mỏ khai thác khoáng sản tại Hòa Bình và một số địa phương khác; đang xây dựng phân mảng thị trường riêng trên thị trường viễn thông, gồm cả viễn thông không dây.
Các dự án bất động sản của Xuân Cầu
|
Nhân sự có liên quan đến Tập đoàn MIK mua lại Saigon Capital
Vào đầu năm 2017, ba cổ đông trong HĐQT của CTCP Quản lý quỹ Sài Gòn (Saigon Capital) đã chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn cho ông Hoàng Thế Cường (72% vốn), ông Lương Văn Lắm (23%) và ông Nguyễn Đình Quyết (5%). Trong đó ông Hoàng Thế Cường làm Chủ tịch HĐQT.
Ông Cường và ông Lắm gắn liền với thương hiệu HTC. Cả hai ông lần lượt là Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc của Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế HTC. Theo lời giới thiệu trên website, Công ty từng tham gia dự án Nhà hàng NAI bên sông – quận Thủ Đức, Nhà hàng Container – quận 2, tư vấn pháp lý The WaterFront Sài Gòn – quận 1 (TPHCM), tư vấn các dự án hạ tầng giao thông tuyến Metro 2 (Bến Thành - Tham Lương), mua bán dự án Royal Bay (Phú Quốc ), là đối tác liên kết với Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng ( FE CREDIT), Saigon Capital, các dự án bất động sản của Tập đoàn MIK.
Ông Hoàng Thế Cường còn là Tổng giám đốc của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản An Thịnh Lộc – đơn vị góp vốn hàng trăm tỷ đồng vào Tập đoàn MIK (MIK Group). Được biết, Tập đoàn MIK hoạt động tại Việt Nam về thiết kế, giám sát, thi công và quản lý bất động sản để xây dựng và phát triển các dự án bất động sản cao cấp như Imperia Garden, Imperia Sky Garden tại Hà Nội; Imperia An Phú, The Ascott Waterfront Saigon, The Park Residence, Villa Park, Park Riverside, River Park tại TPHCM; Mövenpick Resort Phú Quốc, Crowne Plaza Phú Quốc Starbay…
Tuy nhiên, mới đây vào giữa tháng 1/2018, cả hai ông lại chuyển nhượng tổng cộng 95% vốn Saigon Capital cho hai cá nhân khác chưa rõ lai lịch.
Ông chủ Tân Hoàng Minh chuyển nhượng Minh Việt Capital cho “con công” PAVO Capital
Giữa tháng 5/2017, ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và một cổ đông khác đã chuyển nhượng tổng cộng 95% vốn CTCP Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Minh Việt (Minh Việt Capital) cho 5 cá nhân (trước đó một đơn vị khác là Công ty TNHH Bất động sản Tân Hoàng Việt đã chuyển nhượng 5% vốn còn lại cho nhóm này).
Gần hai tháng sau, Minh Việt Capital công bố thay toàn bộ HĐQT - bà Nguyễn Trúc Linh (Chủ tịch HĐQT), ông Phạm Trường Sơn và bà Nguyễn Thị Minh Giang.
Đến đầu tháng 11/2017, Công ty đổi tên thành CTCP Quản lý quỹ PAVO Capital (PCAM) và chuyển trụ sở chính sang Lầu 17 Tòa nhà Mplaza Saigon (Kumho Asian Plaza cũ tại quận 1 - TPHCM). Đây cũng là địa chỉ của Pavo Capital Group tại Việt Nam.
Theo lời giới thiệu của PAVO Capital Group, PAVO trong tiếng Latin có nghĩa là con công. Đơn vị này được thành lập tại Liechtenstein (quốc gia nhỏ thứ 6 thế giới nằm giữa Thụy Sĩ và Áo, là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất châu Âu). PAVO Capital Group cung cấp các cơ hội đầu tư ở Đông Nam Á mà chủ yếu tập trung vào Việt Nam và vùng sông Mekong mở rộng, gồm cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, phát triển bất động sản và cơ sở hạ tầng.
Tại Việt Nam, vào đầu năm 2016, PAVO Capital (thuộc PAVO Capital Group) đã ký kết hợp tác với Nhà Thủ Đức (Thuduc House, HOSE: TDH) và Fideco (HOSE: FDC), CTCP Dệt may Liên Phương để phát triển các dự án khu dân cư, chung cư cao cấp và nhà máy sản xuất vải len xuất khẩu.
CEO của PAVO Capital Group là ông Trần Bảo Toàn, từng là Thành viên HĐQT Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HOSE: VCI), Thành viên HĐQT TDH,… Hiện ông Toàn đang là Chủ tịch HĐQT tại FDC.
Các nhân sự của CTCP Quản lý quỹ PAVO Capital như bà Nguyễn Trúc Linh, bà Nguyễn Thị Minh Giang… đều đến từ PAVO Capital Group.
Quản lý quỹ Tín Phát về tay Mirae Asset
Đầu tháng 8/2017, CTCP Quản lý quỹ Tín Phát (TPF) có biến lớn, 91% vốn được chuyển nhượng cho ba cá nhân.
Hơn hai tháng sau, cổ đông lớn thật sự của Tín Phát lộ diện là Công ty Mirae Asset Global Invetsment Co., Ltd (thuộc Mirae Asset) khi nhận chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn.
Mirae Asset được thành lập từ năm 1997, gồm các khối Mirae Asset Daewoo, Mirae Asset Global Investments và Mirae Asset Life Insurance.
Riêng về Mirae Asset Global Investments (Hong Kong) được thành lập vào năm 2003, sau đó mở rộng sang India (2006), Shanghai (2007), Brazil và USA (2008). Đơn vị này hoạt động trong các mảng đầu tư thị trường vốn, tài sản có thu nhập cố định (trái phiếu…), ETF, bất động sản, đầu tư tư nhân, hạ tầng…
Trước đó, nhân sự chủ chốt tại Tín Phát là các thành viên đến từ CTCK MaritimeBank (sau đó đổi tên thành CTCK Maritime rồi đến CTCK KB Việt Nam khi về tay nhà đầu tư Hàn Quốc).
Quản lý quỹ IB lại đổi chủ, đổi tên thành Red Capital
CTCP Quản lý quỹ IB có lịch sử đổi tên đổi chủ dày đặc. Trước đây là CTCP Quản lý quỹ Dầu khí Toàn Cầu (GPFund), đổi tên vào năm 2015 sau khi được chuyển nhượng cho CTCK IB (VIX).
Đến tháng 5/2017, 95.2% vốn (5.45 triệu cp) được chuyển nhượng cho các cá nhân là Thẩm Thị Mai Hương (35.2%), Đỗ Thị Phương Lan (30%), Võ Thị Minh Ngân (10%) và Võ Long Nguyên (20%). Về tay chủ mới, tên công ty được đổi thành CTCP Quản lý quỹ đầu tư Đỏ (Red Capital). HĐQT xuất hiện bà Đỗ Thị Phương Lan (Chủ tịch), bà Võ Thị Minh Ngân, ông Võ Long Nguyên, ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Trương Thanh Tú.
Logo cũ của Quản lý quỹ IB (trái) và mới của Red Capital (phải)
|
Giữa tháng 11/2017, Công ty tăng vốn từ 57.25 tỷ lên 70 tỷ đồng thông qua việc chào bán cho ông Nguyễn Phan Minh Khôi.
Một tháng sau, HĐQT có thêm ông Nguyễn Phan Minh Khôi và bà Thẩm Thị Mai Hương (thay thế cho ông Tuấn và bà Tú). Đây không phải là những nhân vật xa lạ trong làng chứng khoán.
Trước đây, vào đầu năm 2014, sau khi bầu Thụy (Nguyễn Đức Thụy) thoái vốn và rút lui khỏi CTCK IB (tên cũ là CTCK Vincom, rồi đổi thành CTCK Xuân Thành và sau đó là CTCK IB), bà Thẩm Thị Mai Hương đã tham gia và được bầu làm Chủ tịch HĐQT (chỉ tại vị gần 1 tháng). Còn ông Nguyễn Phan Minh Khôi từng là thành viên HĐQT Nhựa Tân Tiến (UPCoM: TTP) giai đoạn 2013-2015, nắm giữ 3.87% vốn (4.65 triệu cp) VCI của CTCK Bản Việt trong đợt phát hành riêng lẻ vào giữa tháng 7/2017 và đang là Tổng giám đốc CTCP Vận tải Xăng dầu Phương Nam.
Unicap về cùng gia đình FLC
Logo cũ SynCap và mới của UniCap
|
UniCap (CTCP Quản lý quỹ Hợp lực) chỉ vừa được đổi tên từ SynCap (CTCP Quản lý quỹ Hợp lực Việt Nam) vào cuối tháng 8/2017. Không chỉ đổi tên, UniCap cũng được rót tiền để tăng vốn điều lệ từ 40 tỷ lên 100 tỷ đồng. Đồng thời, cơ cấu cổ đông đã thay đổi toàn bộ, HĐQT cũ ra đi và được thay thế là 5 gương mặt mới.
HĐQT mới của UniCap là những cái tên liên quan đến Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) như ông Nguyễn Tiến Đức – Chủ tịch AMD Group (HOSE: AMD) và ông Lưu Đức Quang – Thành viên HĐQT FLC, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Chứng khoán Artex (UPCOM: ART) (FLC có đầu tư góp vốn vào AMD và ART).
FLC hiện hoạt động đa lĩnh vực, trong đó có bất động sản, sân golf, du lịch, đầu tư tài chính… Cổ phiếu đang FLC đang niêm yết trên sàn HOSE với giá giao dịch quanh ngưỡng 5,400 đồng/cp. Chủ tịch HĐQT công ty là ông Trịnh Văn Quyết.
Minh Hằng
FiLi
|