Thứ Tư, 21/02/2018 10:57

Cho vay tiêu dùng: thận trọng không thừa

Hoạt động cho vay tiêu dùng đang được một số ngân hàng đẩy mạnh với mục tiêu giành lấy thị phần và tăng trưởng lợi nhuận mà buông lỏng quản lý.

Gần đây các ngân hàng đã đưa các khoản cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà ở vào cho vay tiêu dùng, nhằm lách quy định hạn chế cho vay bất động sản. Ảnh: THÀNH HOA

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có Công văn số 563 yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng; cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản. Đáng lưu ý là công văn cũng yêu cầu kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng.

Trước đó, trong Chỉ thị số 01/CT-NHNN ban hành hồi đầu năm nay, bên cạnh những nội dung chỉ đạo quen thuộc như tập trung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và năm lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông... NHNN đã yêu cầu các TCTD thận trọng trong tăng trưởng tín dụng tiêu dùng.

Tăng quá nóng

Với các công văn, chỉ đạo liên tiếp về hoạt động cho vay tiêu dùng gần đây, có vẻ như nhà điều hành đang bắt đầu lo ngại về chất lượng tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng, sau tốc độ tăng trưởng quá nóng của nó trong thời gian qua. Cụ thể, sau khi tăng đến 50,2% trong năm 2016, tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh đến 65% trong năm 2017. Theo đó, tỷ trọng trong tổng dư nợ cũng tăng từ 12,3% lên 18%, tương đương với việc dư nợ cho vay tiêu dùng đang xấp xỉ mức 1,17 triệu tỉ đồng.

Thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng ổn định trong thời gian qua đã giúp đời sống người dân cải thiện đáng kể, số lượng người giàu nói chung và tầng lớp trung lưu nói riêng đang tăng nhanh. Xu hướng này tạo điều kiện để người tiêu dùng mạnh dạn chi tiêu nhiều hơn, từ đó làm động lực cho các khoản vay tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ.

Với việc biên độ lãi suất cho vay tiêu dùng rất cao, đóng góp lợi nhuận rất lớn, nhiều ngân hàng đã tập trung đẩy mạnh mảng cho vay ở phân khúc này trong giai đoạn gần đây, kể cả những ngân hàng bán buôn. Hàng loạt công ty cho vay tiêu dùng mới trực thuộc ngân hàng đã được thành lập. Bên cạnh đó, nhiều thương vụ thâu tóm, mua lại các công ty cho vay tiêu dùng đã diễn ra.

Hiện nay, lãi suất cho vay đang giảm dần. Đặc biệt, lãi suất cho vay doanh nghiệp nói chung và các lĩnh vực ưu tiên nói riêng giảm nhanh theo định hướng của Chính phủ và NHNN. Để duy trì suất sinh lời như kỳ vọng, các ngân hàng buộc phải tăng cho vay ở những lĩnh vực có lãi suất cho vay cao như cho vay tiêu dùng, xem đây là một giải pháp để bù đắp, cân đối lại phần nào.

Sau một thời kỳ hạn chế mở rộng mạng lưới, gần đây NHNN đã cho phép các ngân hàng mở rộng mạng lưới nhanh hơn, đặc biệt là gia tăng sự hiện diện tại các vùng nông thôn để đảm bảo mục tiêu phát triển tài chính bao trùm đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Người dân tại các vùng nông thôn, vì vậy, có cơ hội tiếp cận các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng nhiều hơn.

Rủi ro cao

Một số ngân hàng chỉ cho vay theo thu nhập của khách hàng, dù khoản thu nhập này có khi không đủ để trả lãi cho nhiều khoản vay tại các ngân hàng khác nhau.

Sự thận trọng của nhà điều hành đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng không chỉ đến từ yếu tố tăng trưởng quá nóng, mà còn từ thực tế phát sinh là gần đây các ngân hàng đã đưa các khoản cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà ở vào cho vay tiêu dùng, nhằm lách quy định hạn chế cho vay bất động sản. Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở chiếm đến 52,9% trong cho vay tiêu dùng, tăng so với tỷ lệ 49,5% vào cuối năm 2016.

Chính vì vậy, công văn mới ban hành của NHNN cũng yêu cầu các TCTD không những phải nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ mà còn phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng (nhằm đề phòng trường hợp thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản và chứng khoán). Việc thị trường bất động sản, chứng khoán tăng trưởng nóng, có tốc độ sinh lợi cao trong thời gian qua có thể thu hút mọi nguồn vốn tập trung vào các kênh tài sản này, từ đó bong bóng tài sản được bơm dần lên. Đây là điều rất nguy hiểm, gây hại cho nền kinh tế nói chung và mục tiêu ổn định vĩ mô nói riêng.

Ngoài ra, có một thực tế cần nhìn nhận: hoạt động cho vay tiêu dùng ở các nước như Mỹ phát triển mạnh là do các tổ chức tài chính tại đây quản lý được rủi ro, hồ sơ thông tin cá nhân được hệ thống hóa rất tốt. Trong khi đó, một thống kê gần đây cho thấy chỉ có 51% dân số Việt Nam có hồ sơ thông tin tín dụng, do đó dữ liệu về khách hàng thiếu trầm trọng, đặc biệt là các thông tin phi tài chính vốn cũng rất quan trọng để chấm điểm, xếp hạng tín dụng khách hàng.

Hiện tại, khi cho vay, các ngân hàng thường tra cứu lịch sử tín dụng của khách hàng từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Thống kê đến hết năm 2017, kho dữ liệu của CIC đã cập nhật trên 34,3 triệu khách hàng, trong đó có 700.000 khách hàng doanh nghiệp và 33,6 triệu khách hàng cá nhân. Dù vậy, trước áp lực cạnh tranh, các ngân hàng tại Việt Nam vẫn sẵn sàng lôi kéo khách hàng, cho vay vượt hạn mức mà không quan tâm gì nhiều đến các khoản vay của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng khác. Các ngân hàng này chỉ cho vay theo thu nhập của khách hàng, dù khoản thu nhập này có khi không đủ để trả lãi cho nhiều khoản vay tại các ngân hàng khác nhau.

Do đó, hoạt động cho vay tiêu dùng đang được nhìn nhận là có mức độ rủi ro cao, nhất là khi các khoản vay chủ yếu là tín chấp, trong khi người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của lịch sử tín dụng của chính bản thân, đặc biệt là khi thị trường cho vay phi chính thức vẫn còn đất sống mạnh mẽ. Thậm chí, có không ít trường hợp gian lận và đánh cắp thông tin cá nhân để làm các hồ sơ vay tiêu dùng. 

THỤY LÊ

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thương vụ ngàn tỷ thót tim của ông chủ nhà băng (20/02/2018)

>   Có nên hồi tố quá khứ? (20/02/2018)

>   Thị trường vốn 2018: Cơ hội trong cơ hội (19/02/2018)

>   Cởi nút thắt cho xử lý nợ xấu (19/02/2018)

>   Năm 2018, thách thức lớn nhất là tỷ giá, lãi suất (18/02/2018)

>   Chuẩn bị nhiều kịch bản để đối phó (18/02/2018)

>   VPBank và một giai đoạn "có gì đó bất thường" (17/02/2018)

>   Ba ông chủ tuổi Tuất quyền lực ngành ngân hàng (17/02/2018)

>   Điểm dừng trọn vẹn của ông Nguyễn Đức Hưởng (16/02/2018)

>   Đảm bảo an ninh, an toàn ATM dịp Tết Nguyên đán (15/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật