Thứ Sáu, 26/01/2018 13:48

VNPT chuẩn bị lên sàn chứng khoán, “tấn công” thị trường nước ngoài

VNPT đã chuẩn bị cho việc cổ phần hóa từ năm 2016, và theo đúng kế hoạch, Tập đoàn này sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu lần đầu ra thị trường vào cuối năm 2019. Dự kiến, VNPT sẽ thành lập công ty đầu tư ra nước ngoài sau khi cổ phần hóa.

Mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam

Thông tin trên được ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết trong buổi chia sẻ với báo giới chiều qua (26/1).

Ông Liêm cho hay, trong phương án cơ cấu lại Tập đoàn VNPT giai đoạn 2018 – 2020, mục tiêu của VNPT là cổ phần hóa vào năm 2019, với mục tiêu để VNPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ số (Digital Services) hàng đầu Việt Nam và Trung tâm chuyển dịch số (Digital Hub) tại thị trường Đông Nam Á và Châu Á.

Một nội dung quan trọng nhất trong triển khai cơ cấu lại VNPT là sẽ thành lập công ty chuyên về phần mềm, CNTT VNPT – IT. Hiện tại VNPT đã có công ty VNPT Soft, Data ở VinaPhone. Các đơn vị này đều khá thuận lợi là ở gần khách hàng, phục vụ được khách hàng nhưng có một nhược điểm là khả năng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới bị hạn chế. Không đủ lực để làm (cả về người và của), khó có thể cho ra các sản phẩm, dự án lớn. Việc thành lập VNPT -IT nhằm khắc phục điều đó, thống nhất nguồn lực phần mềm từ các đơn vị trong Tập đoàn về một mối để CNTT thực sự trở thành một trụ cột quan trọng của VNPT trong giai đoạn tới.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT.

Công ty VNPT-IT cũng sẽ được sắp xếp lại, các nguồn lực khối kỹ thuật vệ tinh vinasat sẽ chuyển về về VNPT-Net, phần còn lại (khối kinh doanh quốc tế và dịch vụ vệ tinh) chuyển về thành 1 đơn vị trực thuộc TCT VNPT Vinaphone từ 1/4/2018.

Ông Liêm cũng chia sẻ, một vấn đề khó khăn nhất trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là cần xác định phân tách rõ về đất đai. Đến hết năm 2017, VNPT đã "chốt sổ" và đã được Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định tại QĐ số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ tại 61/63 tỉnh thành phố. Hiện chỉ còn 2 tỉnh đã lập xong phương án, đang trình các cơ quan đơn vị có thẩm quyền xem xét và chưa được phê duyệt. Với tiến độ này, VNPT tin tưởng sẽ tiến hành cổ phần hóa đúng thời hạn.

Phó Tổng VNPT cho hay, để thực hiện mục tiêu đề ra trong phương án cơ cấu lại VNPT giai đoạn 2018-2020, VNPT sẽ chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang dịch vụ viễn thông, CNTT và dịch vụ số theo chiến lược phát triển VNPT3.0.

VNPT đã xây dựng quy hoạch phát triển dịch vụ số giai đoạn 2018-2025, xác định các sản phẩm chiến lược của VNPT giai đoạn 2017-2020, tập trung vào các lĩnh vực Chính quyền điện tử, giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, thuế.

VNPT cho hay, sau khi tái cơ cấu giai đoạn 2014-2015, mô hình 3 lớp Dịch vụ - Hạ tầng - Kinh doanh của VNPT đã phát huy tác dụng. VNPT có nhiều điều kiện hơn trong việc đầu tư chăm sóc mạng lưới; hệ thống kênh bán hàng được chú trọng hơn, thống nhất và xuyên suốt trên toàn quốc; chuyên biệt hơn trong việc bán hàng/chăm sóc khách hàng... Nhờ đó, kết quả SXKD của VNPT sau tái cơ cấu 2014-2015 đạt được rất khả quan. Trong 4 năm liên tiếp từ 2014-2017, lợi nhuận của VNPT đạt mức tăng trưởng trên 20%.

VNPT đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam.

Về kế hoạch cổ phần hoá, theo lộ trình, đến cuối năm 2019, VNPT sẽ tiến hành niêm yết cổ phiếu ra thị trường lần đầu (IPO). Dự kiến, VNPT sẽ bán 35% cổ phần, và Nhà nước nắm giữ 65% cổ phần còn lại. Có thể thấy, VNPT vẫn là doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần khống chế. Tập đoàn này cũng cho biết chưa xác định sẽ chọn đối tác chiến lược là trong nước hay nước ngoài.

Thành lập công ty VNPT Global đầu tư ra nước ngoài

VNPT cho hay, dự kiến sẽ thành lập công ty đầu tư ra nước ngoài sau khi cổ phần hóa.

Thực ra trước đây VNPT đã có công ty VNPT Global. Tuy nhiên, khi Mobifone tách khỏi tập đoàn thì bộ phận này tách ra theo Mobifone. Trong giai đoạn 2016-2017, Tập đoàn đã sắp xếp ổn định 3 tổng công ty và VNPT các tỉnh/TP. Tiếp theo, VNPT cho hay sẽ tập trung cho mảng đầu tư ra quốc tế và VNPT Global sẽ là đơn vị thực hiện chiến lược này cho Tập đoàn.

Nói về việc sẽ có người đặt câu hỏi về tính khả thi khi đưa ra mục tiêu cơ cấu lại là để VNPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ số (Digital Service Provider) hàng đầu Việt Nam và Trung tâm giao dịch số (Digital Hub) tại thị trường Đông Nam Á và Châu Á, ông Liêm nhấn mạnh: “Chúng tôi đặt ra mục tiêu như vậy cũng có những điểm khả thi, phù hợp với năng lực hiện có của VNPT. Ví dụ như hiện nay khi nói tới việc VNPT đã phủ sóng cáp quang tới gần 100% số xã, nhiều quốc gia đã ngạc nhiên bởi kể cả ở một số quốc gia có nền kinh tế phát triển ở Đông Âu thì nhiều nơi họ vẫn đang dùng cáp đồng. Và việc thành lập VNPT Global chính là một bước để thực hiện mục tiêu này”.

VNPT Global sẽ phụ trách việc đầu tư nước ngoài của VNPT, trước mắt là thị trường Myanmar và Bangladesh). “Hiện thế mạnh của VNPT là băng rộng cố định, chúng tôi hoàn toàn có cơ hội để đẩy mạnh phát triển ra thị trường nước ngoài để hướng tới mục tiêu VNPT trở thành Digita Hub của khu vực châu Á”.

Khôi Linh

Dân Trí

Các tin tức khác

>   NED: Công bố thông tin thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (26/01/2018)

>   TTF: Quyết định thay đổi niêm yết (26/01/2018)

>   VSC: Quyết định thay đổi niêm yết (25/01/2018)

>   PAN: Thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (25/01/2018)

>   NVL: Quyết định thay đổi niêm yết (25/01/2018)

>   E1VFVN30: Thông báo về việc niêm yết và giao dịch chứng chỉ quỹ ETF thay đổi niêm yết (25/01/2018)

>   SHB: Công bố thông tin thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (25/01/2018)

>   SSI: Thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (24/01/2018)

>   Cổ phiếu trên đà hưng phấn, Novaland công bố muốn niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài (24/01/2018)

>   SSI: Thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (24/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật