Vì sao M&A bất động sản vắng bóng nhà đầu tư Âu - Mỹ?
2017 là một năm khá thành công của M&A bất động sản tại thị trường Việt Nam. Có thể thấy rõ sự gia tăng mạnh mẽ của giới đầu tư châu Á vào sân chơi này nhưng qua đó cũng cho thấy sự hạn chế của nhà đầu tư từ châu Mỹ, châu Âu.
Nhà đầu tư châu Âu, Mỹ chưa mặn mà với M&A bất động sản tại Việt Nam
|
Có thể điểm qua các thương vụ lớn trị giá hàng trăm triệu USD trong năm qua như: Công ty CP địa ốc Phú Long thâu tóm thành công 50% vốn của Posco (Hàn Quốc) tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh, chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Splendora. Hay VinaLand Limited, quỹ đầu tư bất động sản thuộc VinaCapital (Singapore), bán toàn bộ cổ phần tại Vina Square cho Công ty Địa ốc Trí Đức. Hongkong Land cũng vừa hoàn tất ký kết với Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM đồng phát triển dự án Thủ Thiêm River Park.
Nhà đầu tư Châu Á làm chủ cuộc chơi
Ngoài ra, hàng loạt thương vụ hợp tác lớn khác như Quỹ đầu tư Creed Group Nhật Bản mua lại dự án Lacasa của Công ty bất động sản Vạn Hưng Phát; Nhà đầu tư Nhật Bản Hankyu Realty và Nishi Nippon góp vốn cùng phát triển dự án KĐT Mizuki Park với Nam Long; Tập đoàn China Fortune Land nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án Đại Phước Lotus từ Vina Capital…
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2017, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (cả vốn trực tiếp - FDI và góp vốn mua cổ phần), với 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký.
Còn theo số liệu của UBND Tp.HCM, bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trên địa bàn TP trong năm qua, đạt 1,01 tỷ USD, chiếm 43,4% tổng vốn đăng ký. Trong đó, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, tiếp theo là Hàn Quốc.
Như vậy, trong các năm vừa qua, Việt Nam liên tục ghi nhận sự tăng trưởng của các nhóm nhà đầu tư đến từ những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục. Sự tham gia của nhà đầu tư đến từ phương Tây rất mờ nhạt và gần như không đáng kể.
Nhiều tiềm năng cho giới đầu tư phương Tây
Về lý do các nhà đầu tư Âu Mỹ ít có hoạt động M&A bất động sản tại Việt Nam, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - GĐ Đầu tư Savills Việt Nam phân tích: “Có nhiều yếu tố, như sự khác biệt văn hóa dẫn đến khác biệt thị trường, hay dễ thấy nhất là vấn đề địa lý. Hơn nữa, bản chất đầu tư bất động sản liên quan rất nhiều đến luật lệ địa phương, nhất là vấn đề pháp lý sở tại. Đây có thể là những nguyên nhân làm chùn bước các nhà đầu tư Âu Mỹ.”
Ông Neil MacGregor - Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhìn nhận, đối với các nhà đầu tư phương Tây chưa có kinh nghiệm hoạt động ở châu Á, họ cần thời gian nghiên cứu nhiều hơn. Tính minh bạch của thị trường cũng là điều các nhà đầu tư Âu Mỹ hướng đến, bởi từ nền tảng đó, họ có thể dễ dàng so sánh thị trường Việt Nam với các quốc gia Đông Nam Á, và cả khu vực Châu Á.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giới đầu tư phương Tây bỏ qua thị trường Việt Nam. Bằng chứng là họ vẫn tham gia rất mạnh tại kênh đầu tư tài chính chứng khoán, với việc niêm yết trên sàn giao dịch ở danh mục bất động sản. Tính thanh khoản là điều các nhà đầu tư Âu Mỹ quan tâm và họ không tham gia với cấp độ dự án hay công ty mà chọn lựa công ty niêm yết với tư cách nhà đầu tư tài chính. Vì thế, không khó để nhận ra, số lượng các công ty Âu Mỹ tham gia chứng khoán bất động sản thông qua các quỹ đầu tư, tổ chức định chế tài chính không ít hơn các nhà đầu tư Châu Á.
Ngoài ra, dù không tham gia đầu tư vào xây dựng dự án, nhưng các nhà đầu tư Châu Âu, Mỹ lại tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến bất động sản. Những thương hiệu quản lý vận hành văn phòng, resort, khách sạn, căn hộ dịch vụ, trung tâm thương mại… đều là những đơn vị nổi bật đến từ Châu Âu, Châu Mỹ.
Ông Khương cho rằng, Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để thu hút nhà đầu tư phương Tây. Nếu 3 năm trước, các nhà đầu từ đến từ Singapore, Hồng Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc… chủ yếu chỉ thăm dò, tìm kiếm một cơ hội phát triển tại Việt Nam thì hiện nay họ đã chính thức tham gia khá mạnh mẽ vào thị trường. Thay vì chỉ tham gia ở nhóm bất động sản thương mại thì hiện tại, hoạt động của họ đang diễn ra rất sôi nổi tại phân khúc nhà ở, thông qua việc kết hợp với các nhà phát triển trong nước. “Điều này cũng đang diễn ra tương tự với giới đầu tư phương Tây”, ông Khương nhận định.
Phương Uyên
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|