Thu phí sân bay: Sai sao chưa dừng?
Gần 3 tháng sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận (việc thu phí ôtô vào sân bay là vi phạm pháp luật), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn tiếp tục thu phí!
Thu phí ôtô sử dụng sân, đường khi ra vào cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cho thấy việc thu phí ôtô khi ra sân bay đến nay vẫn diễn ra bình thường.
Nhiều tài xế cho biết rất khó hiểu vì sao vào sân bay với đoạn đường ngắn, thời gian dừng ôtô chỉ tính vài phút rồi phải ra khỏi sân bay ngay nhưng phải trả tiền phí 10.000 - 40.000 đồng/xe/lượt.
Không hiểu phí gì?
Anh Nguyễn Quang Linh - tài xế xe Uber - cho biết vào sân bay đón khách, gặp phải người nước ngoài đặt đi từ sân bay đến nhà thờ Đức Bà (Q.1) với phí 60.000 đồng. Tuy nhiên, khi ra sân bay phải trả phí 10.000 đồng mà không thể nào giải thích cho người nước ngoài hiểu trả thêm tiền phí này là gì.
"Tôi không hiểu vì sao phải thu phí như vậy vì quãng đường quá ngắn, nhiều khi chúng tôi bị mất tiền vì gặp phải nhiều khách không hiểu nên không trả tiền phí này" - anh Linh nói.
Một tài xế khác đón khách đi từ sân bay về đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) đoạn đường rất ngắn cũng phải trả phí, khách phản ứng nhưng không biết giải thích ra sao.
Ông T.M.T., giám đốc công ty vận tải xe đưa khách từ sân bay Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu, cho biết cũng mệt mỏi vì phí ra vào sân bay được tính theo giờ khiến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Ông T. cho biết ngoài tiền thuê chỗ đậu xe tại sân bay với 15 triệu đồng/tháng, mỗi ngày công ty ông có 10 lượt xe ra vào đón khách với xe du lịch 16 chỗ ngồi bị thu phí mỗi lượt 40.000 đồng, sau hai giờ tính thêm 20.000 đồng/xe.
Ông T. tính ra mỗi tháng tốn hơn 13 triệu tiền phí sân bay khiến doanh nghiệp phải gánh thêm khoản phí không rõ ràng này và không biết thu đến bao giờ mới ngưng. Còn tại sân bay Phú Quốc, xe 4 chỗ là 15.000 đồng/lượt và xe 7 chỗ là 20.000 đồng/lượt.
Hai trạm thu phí ôtô ngay lối ra ga quốc nội và ga quốc tế (góc phải) tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: HỮU KHOA
|
Vi phạm nghiêm trọng
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về hoạt động của ACV trong hai năm 2014 và 2015 cho thấy ACV đã ký 803 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích 120.221m2, tổng số tiền thu về 701 tỉ đồng.
Tất cả trường hợp này đều được thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu, không qua đấu thầu, đấu giá công khai.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện nhiều vi phạm của ACV trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất cũng như thu dịch vụ phi hàng không. Ngoài ra ACV còn sai phạm trong việc lạm thu, thu không đúng quy định đối với một số giá dịch vụ phi hàng không.
Đáng chú ý, hiện có tới 21 trong tổng số 22 sân bay do ACV quản lý đang thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào sân bay với các ôtô đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 3 - 5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt 7.000 - 30.000 đồng và vé tháng 600.000 - 1.650.000 đồng.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 1-1-2012 đến 31-12-2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào 19 sân bay là 551 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ khẳng định việc thu này mang lại lợi ích cho ACV, cho Nhà nước (khi ACV chưa cổ phần hóa, ACV cổ phần hóa năm 2016), nhưng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách và hiện chưa có hướng khắc phục triệt để.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
|
Vẫn tiếp tục thu phí
Ông Lê Mạnh Hùng - tổng giám đốc ACV - cho biết đơn vị này đã làm báo cáo giải trình gửi Bộ GTVT và Chính phủ về các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ. Vừa qua, Chính phủ giao cho Bộ GTVT chủ trì phối hợp Bộ Tài chính xem xét và có những nhìn nhận cụ thể về việc này.
Ông Hùng cho biết Nhà nước giao thì tất cả hạ tầng ACV phải có trách nhiệm đầu tư, sửa chữa và đảm bảo công trình để phục vụ cho khách đi vào.
Vì sao Thanh tra Chính phủ đã nêu thu sai mức phí ra vào sân bay nhưng ACV vẫn tiếp tục thu? Ông Hùng cho rằng việc thu phí đối với ôtô dừng 3 - 5 phút tại sân bay nhằm bù đắp chi phí duy tu bảo dưỡng và duy trì hoạt động tại đường nối.
Đường hay cầu vượt nối đường giao thông công cộng với khu vực hàng không hiện nay do doanh nghiệp đầu tư. Kể cả trước đây do Nhà nước đầu tư, sau quá trình sử dụng cũng cần chi phí để duy tu bảo dưỡng, chưa kể hệ thống biển báo hướng dẫn, điện, nước và nhân lực duy trì an ninh trật tự trên đường nối đó cũng cần chi phí.
Theo ông Hùng, khoản thu chỉ bù đắp phần nào, trên thực tế chi phí duy tu các đoạn đường nối rất lớn. Đồng thời, khoản thu này như là một cách để đảm bảo an ninh, điều tiết xe cộ chạy vào trong sân bay. Khi đưa vào hoạt động cần chi phí để duy tu, sửa chữa bảo dưỡng, duy trì hệ thống trang thiết bị kỹ thuật rồi con người để đảm bảo an ninh trật tự...
Ông Hùng nói nếu không thu phí, xe cộ sẽ đi vào rất nhiều có thể gây ùn tắc giao thông quanh khu vực nhà ga và đây không phải là kinh doanh, đây chỉ là thu phí nhằm bù đắp các chi phí duy trì hoạt động (?!).
Với nhiều ý kiến cho rằng ACV tự đưa ra khung giá rồi thực hiện thu phí không rõ mục đích đầu tư và thời gian thu, ông Hùng cho biết đơn vị sẽ tiếp tục thu phí ôtô ra vào sân bay, nhưng mức giá thu này sẽ điều chỉnh cho phù hợp với biến động thị trường.
Trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT và ACV
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, trong đó có Bộ GTVT, xử lý đối với việc thu phí sai quy định của ACV. Thanh tra Chính phủ khẳng định 21 sân bay đang thu tiền sử dụng đường dẫn vào sân bay đối với ôtô đưa, đón trả khách là không đúng quy định của pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất.
Từ 1-1-2012 đến 31-12-2015, 19/21 sân bay đã thu số tiền dịch vụ sân đường là 551 tỉ đồng. Trách nhiệm thuộc về ACV và 21 sân bay.
Trách nhiệm của Bộ GTVT là chưa ban hành các quy định về thu phí nhượng quyền khai thác dịch vụ phi hàng không mà để ACV tự tổ chức thu, dẫn đến việc triển khai thực hiện thiếu thống nhất, có nơi thu, có nơi không thu, tỉ lệ thu khác nhau.
Quang Thế
|
Bộ GTVT thừa nhận thiếu hành lang pháp lý
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết bộ đang chỉ đạo ACV thực hiện kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm những người liên quan.
Về việc thu phí sân, đường ở sân bay, vị này cho biết ACV không kinh doanh đỗ xe mà chỉ thu phí để hoàn vốn đầu tư hạ tầng sân bay. Trong đó có chi phí đầu tư hệ thống sân, đường của cảng, chi phí điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trong khu vực sân, đường.
Bên cạnh đó, việc thu phí nhằm hạn chế các loại xe kinh doanh vận tải vào nằm chờ đón khách, xe cá nhân của hành khách đi máy bay đậu dài ngày chiếm dụng bãi đậu xe ở sân bay.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận hành lang pháp lý cho việc thu phí sử dụng sân, đường trong sân bay còn thiếu nên dẫn đến những cách hiểu khác nhau.
Thời gian qua, giá sử dụng dịch vụ sân, đường nội cảng và dịch vụ sân đỗ ôtô là giá dịch vụ phi hàng không nên không thuộc danh mục dịch vụ do Nhà nước định giá. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ là sân bay không chủ động quyết định và ban hành mức giá dịch vụ.
Với câu hỏi Bộ GTVT có chỉ đạo ACV tạm dừng thu phí trong thời gian chờ làm phương án xử lý báo cáo Chính phủ trong tháng 3-2018 hay không, vị này cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý. Nhưng nếu tạm dừng thu phí sử dụng sân, đường đỗ xe trong sân bay sẽ dễ dẫn đến việc ùn tắc khu vực trước sân bay, nhất là trong dịp tết.
Tuấn Phùng
|
Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư Hà Nội: Cần tạm dừng thu phí
Rõ ràng cho đến nay chưa rõ cơ sở thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không ACV căn cứ vào đâu để thu. Trong khi theo quy định, các khoản thu (không chỉ riêng với ACV) đều phải tuân thủ quy định pháp luật, quy định liên quan do Bộ Tài chính ban hành.
Bên cạnh đó, đúng ra ACV phải có đề án về kế hoạch thu, thời gian thu, mức thu... và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chứ không thể tùy tiện thu được.
Như vậy trong bối cảnh các vi phạm chưa được xử lý, việc tiếp tục thu tiền là thiếu cơ sở và có khả năng tiếp tục vi phạm pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền cần dừng việc thu phí của ACV đến khi giải quyết các tồn tại trên.
TS Nguyễn Hữu Thế Trạch - giám đốc Công ty luật TNHH một thành viên An Pha Na: Làm rõ tại sao thu sai
Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp thu sai của cá nhân hay tập thể nào đó phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho người đó. Tuy nhiên trong trường hợp này, sự việc xảy ra từ lâu và rất đông người bị ảnh hưởng nên rất khó xác định, do vậy nộp ngân sách nhà nước là hợp lý nhất.
Cơ quan thanh tra cần làm rõ tại sao thu sai để xác định trách nhiệm của người đứng đầu, người có liên quan ở thời điểm đó.
Ái Nhân - Quang Thế ghi
|
CÔNG TRUNG
Tuổi Trẻ
|