Thị trường nhà ở TPHCM đang đi trước Hà Nội
Những điểm khác biệt trên thị trường bất động sản tại hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM xuất phát từ những nét đặc trưng về kinh tế, văn hóa, xã hội. Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội, đã so sánh và tìm ra những điểm khác biệt này.
Dự án Cityland ở TPHCM.
|
Thị trường Địa ốc: Thưa ông, khi nhìn vào thị trường nhà ở Hà Nội và TPHCM, chúng ta có thể thấy sự khác biệt rõ nhất ở khía cạnh nào?
- Ông Dương Đức Hiển: Trước hết cần phải nói đến khác biệt trong thói quen tiêu dùng của người miền Bắc và người miền Nam. Trong khi người miền Bắc thường có xu hướng mua nhà để làm tài sản lâu dài thì các doanh nghiệp và nhà đầu tư miền Nam thường có thói quen kinh doanh và tiêu dùng thoáng hơn.
Lấy ví dụ, nếu như 10 năm trước đây người Sài Gòn đã quen với việc vay vốn ngân hàng mua nhà thì ở Hà Nội không mấy khách hàng mua nhà có nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính.
Người Hà Nội thường mua nhà trong khả năng tài chính sẵn có thay vì lựa chọn những bất động sản vượt quá khả năng chi trả. Thói quen này thể hiện tư tưởng an toàn của người Hà Nội và tư tưởng này cũng mới chỉ thay đổi trong vài năm gần đây khi người dân đã hiểu hơn về đòn bẩy tài chính cũng như cách sử dụng vốn vay một cách hiệu quả.
Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội.
|
Một ví dụ khác là tâm lý không mặn mà với nhà chung cư của người Hà Nội trong những năm trước. Cách đây 5-10 năm, khách hàng miền Bắc chỉ biết đến hai khái niệm sản phẩm trên thị trường là “nhà liền thổ” (bất động sản có tài sản gắn liền với đất) và nhà tập thể. Và đương nhiên, họ thường ưu ái nhà liền thổ hơn bởi qua thời gian, dù tài sản trên đất có khấu hao thì mảnh đất vẫn còn giá trị về lâu dài.
Phải mất một thời gian dài để khách hàng thủ đô làm quen và hiểu giá trị của mô hình chung cư, đặc biệt là chung cư cao cấp. Đó là lý do trong suốt một thời gian dài, thị trường Hà Nội chỉ tập trung phát triển các dự án thấp tầng và phân khúc căn hộ chỉ thực sự nở rộ trong bốn năm trở lại đây.
Trái lại, thị trường nhà ở tại TPHCM lâu nay vẫn phát triển song song phân khúc thấp tầng và cao tầng. Thực tế này một phần là do tư tưởng cởi mở hơn của người dân, đồng thời, ngày càng có nhiều các thương hiệu quốc tế lựa chọn TPHCM là điểm đến đầu tiên thay vì Hà Nội.
Thị trường nhà ở TPHCM luôn được cho là đi trước Hà Nội. Điều này có đúng không, thưa ông?
- Điều này có cái đúng và cũng có cái sai. TPHCM là thành phố lớn, thu hút nhiều vốn đầu tư của nước ngoài và có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước. Đây chính là lợi thế để thị trường nhà ở đi đầu trong một số xu hướng như mở rộng đầu tư đến những khu vực mới trên địa bàn, đổi mới, cải tiến sản phẩm kết hợp với các tiện ích để đáp ứng nhu cầu của người ở, phát triển nhà mẫu và trung tâm bán hàng để thu hút khách hàng. Đây đều là những điều mà thị trường nhà ở Hà Nội đã và đang học hỏi và ứng dụng.
Tuy vậy, cũng phải ghi nhận rằng thủ đô Hà Nội có những nét đặc thù riêng. Điển hình là khu vực bốn quận nội thành bị giới hạn chiều cao do yếu tố văn hóa và bảo tồn. Yếu tố này buộc thị trường nhà ở Hà Nội đi theo một hướng riêng, khác với TPHCM. Vì vậy, nếu đánh giá thị trường Hà Nội đi sau thì không hoàn toàn chính xác.
Trong năm 2017, xu hướng của thị trường nhà ở tại Hà Nội và TPHCM có điểm nào tương đồng và khác biệt? Điều gì làm nên sự khác biệt này?
- Năm 2017 nhìn chung là một năm ổn định của thị trường nhà ở tại Hà Nội và TPHCM. Phân khúc căn hộ hạng B và C hiện vẫn có nguồn cầu lớn, trong khi đó số lượng giao dịch căn hộ hạng A có sự cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hấp thụ của phân khúc biệt thự và nhà liền kề cũng có sự cải thiện ấn tượng so với năm 2016.
Một điểm tương đồng nữa cần phải kể đến là cả hai thành phố đều đang có bước đi mở rộng rất lớn, tốc độ đô thị hóa tăng lên rất nhanh. Chính quyền địa phương đều đang cố gắng tập trung phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của số lượng cư dân ngày càng đông. Điều này là một trong những bước đệm để thu hút các nhà đầu tư bất động sản và hiển nhiên sẽ đem đến lợi ích cho các dự án nhà ở trên địa bàn.
Mặt khác, cần ghi nhận một số nét phát triển khác biệt của hai thị trường. Trong năm qua, thị trường nhà ở TPHCM đã có những bước đi trước Hà Nội trong phân khúc nhà giá rẻ, phân khúc luôn được quan tâm do đáp ứng nhu cầu của phần lớn người dân. Số lượng dự án nhà ở thương mại giá rẻ lớn hơn với sự tham gia sôi động hơn của các chủ đầu tư, sản phẩm cũng đã được cải tiến về chất lượng để thu hút khách hàng, gạt bỏ quan niệm giá rẻ đi đôi với chất lượng thấp trước đây.
Hà Nội dường như đang đi sau TPHCM một bước khi thị trường nhà giá rẻ chỉ thực sự sôi động hơn trong năm vừa qua với một số thông tin về sự tham gia của các chủ đầu tư lớn vào phân khúc này.
Ngoài ra, trong năm vừa qua, phân khúc đất nền tại TPHCM cũng ghi nhận hoạt động tốt trong khi phân khúc này chưa thực sự được chú ý ở Hà Nội. Thị trường Hà Nội hiện đang tập trung vào các sản phẩm khác như căn hộ, biệt thự và nhà liền kề tại khu vực nội thành với nguồn cung còn khá dồi dào.
Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM. Ảnh: Hà Nam
|
Ông có dự báo nào cho thị trường nhà ở tại hai thành phố này trong năm 2018 và trong tương lai xa hơn? Sẽ có thêm khác biệt hay dần đồng hóa?
- Mỗi thị trường đều có một đặc thù riêng, vì vậy, khó có thể kỳ vọng một hướng đi chung cho cả Hà Nội và TPHCM. Sự khác biệt của hai thành phố, theo tôi, không nên nhìn nhận theo hướng tách biệt. Đây chính là những nét hấp dẫn và thu hút của hai thị trường đối với cả chủ đầu tư và khách hàng.
Tuy vậy, không thể phủ nhận thị trường nhà ở TPHCM có những lợi thế và thường dẫn đầu xu hướng. Đây là điểm mà khách hàng và chủ đầu tư ở thị trường Hà Nội nên lưu ý. Các nhà đầu tư miền Bắc có thể lựa chọn đầu tư vào các dự án tại TPHCM nếu dự án có yếu tố ưu việt hơn và phù hợp hơn với mục đích đầu tư của mình.
Các chủ đầu tư mặt khác có thể học hỏi các xu hướng của thị trường TPHCM để áp dụng cho các dự án ở Hà Nội: phát triển một cách bài bản, đảm bảo chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ để được thị trường chào đón tốt hơn.
Hà Nam
TBKTSG
|