Sinh viên Việt phạm tội khi du học Nhật Bản vì áp lực trả nợ
Nhiều bạn trẻ Việt Nam phải vay số tiền lớn trả cho các công ty môi giới để được sang Nhật học tập. Tuy nhiên, một số người gặp khó khăn, thậm chí phạm tội vì áp lực trả nợ.
Một lượng lớn bạn trẻ Việt Nam sang Nhật học tập bởi có rất nhiều công ty Nhật Bản mở văn phòng ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số sinh viên rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi chi trả khoản vay để du học, dẫn tới hành vi phạm tội, NHK World của Nhật đưa tin.
Một trường tiếng Nhật thành lập cách đây 6 năm hiện có số sinh viên tăng hơn 20 lần so với trước đây. Hầu hết bạn trẻ đều nghĩ rằng các trường này giúp họ tìm được công việc có thu nhập cao tại các công ty Nhật Bản và nhiều nơi khác.
“Tôi muốn làm việc tại Nhật. Đó là lý do tôi muốn học phong cách kinh doanh của Nhật Bản”, một sinh viên nói.
Nhiều bạn trẻ phải chi nhiều tiền cho các công ty môi giới để du học Nhật Bản. Ảnh minh họa
|
Chính phủ Nhật Bản muốn tăng số sinh viên nước ngoài tại quốc gia này lên 300.000 vào năm 2020 để tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của đất nước. Du học sinh tại đây được phép làm thêm 28 giờ mỗi tuần.
Các công ty môi giới giúp đưa người trẻ Việt Nam tới Nhật Bản học tập. Một số công ty bảo đảm với sinh viên rằng dù số tiền mượn để du học khá lớn nhưng họ có thể hoàn trả rất nhanh sau khi đi làm ở Nhật.
Một người từng làm nghề môi giới sinh viên sang Nhật, hiện sống ở Hà Nội, tiết lộ: “Các công ty môi giới sẽ làm bất cứ điều gì để thu hút sinh viên sang Nhật du học. Họ nói chuyện vui vẻ, họ hỏi các bạn trẻ rằng có muốn kiếm tiền ở Nhật Bản hay không?”.
Mệt mỏi, lo lắng về nợ nần, một số sinh viên sa vào con đường phạm tội. Một cựu sinh viên khoảng 20 tuổi đang thi hành án tù ở Nhật thừa nhận: “Tôi đã trả cho nhà môi giới 14.000 USD (khoảng 310 triệu đồng). Để có được số tiền đó, tôi phải vay ngân hàng và bạn bè, người thân trong gia đình”.
Cô gái này cho biết được hứa hẹn rằng làm việc tại Nhật Bản sẽ giúp cô kiếm được 2.700 USD mỗi tháng.
Nhưng khi sang xứ sở hoa anh đào, cô phát hiện thực tế khắc nghiệt. “Tôi làm việc từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Sau đó, tôi bắt đầu giờ học ở trường lúc 9 giờ. Khi nhà máy nhiều việc, sếp không cho tôi về nhà ngay cả khi tôi đã nói với ông ấy”.
Lúc này, cô nghĩ rằng cách duy nhất để có tiền trả nợ là ăn trộm vặt. “Tôi đã mù quáng và thực sự hối hận về những gì mình làm. Nhưng giờ đây mọi thứ không thể quay trở lại được nữa", cô nói.
Tống Hoa
zing.vn
|