Thứ Năm, 25/01/2018 11:17

Quyền của PVN, sau “sự cố” ở PVC

Chính phủ mới ban hành Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của tập đoàn Dầu khí (PVN) thay cho văn bản cũ cách đây năm năm. Với nghị định mới, việc chỉ định thầu gây hậu quả nghiêm trọng như vụ án ở PVN vừa kết thúc xét xử sơ thẩm, sẽ không có cơ hội lặp lại.

Không còn chỉ định thầu nội bộ

Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của tập đoàn Dầu khí (PVN) khẳng định việc không cho phép tập đoàn - công ty mẹ được chỉ định thầu hoặc yêu cầu công ty con chỉ định thầu nội bộ theo văn bản hay quy chế riêng nào cả mà phải thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu. Ảnh: TRIỆU TRÙNG ĐIỆP

Tại Nghị định số 07/CP được ký hôm 10-1-2018 và có hiệu lực ngay từ ngày ký, Chính phủ ghi rõ các quyền của PVN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó ngoài quyền về tài chính, quyền tham gia hoạt động công ích, có phần “quyền khác của PVN” ghi rõ “Việc tham gia đấu thầu của PVN, các công ty con của PVN thực hiện theo quy định tại khoản 5, điều 2, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có)”.

Đây là quy định mới so với điều lệ và tổ chức hoạt động của PVN ban hành năm 2013. Tuy có tính đến một số quy định riêng áp dụng cho tập đoàn kinh tế nhà nước, tránh những “lằn ranh” không rõ ràng mà Hội đồng thành viên PVN (giai đoạn 2008-2011) đã mắc phải dẫn đến vòng lao lý.

Cụ thể, Nghị định 63 hướng dẫn một số điều của Luật Đấu thầu có quy định: để đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, “trường hợp đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước, nếu sản phẩm dịch vụ thuộc gói thầu là ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn và là đầu ra của công ty này, đồng thời là đầu vào của công ty kia trong tập đoàn thì tập đoàn, các công ty con của tập đoàn được phép tham dự quá trình lựa chọn nhà thầu của nhau. Trường hợp sản phẩm dịch vụ thuộc gói thầu là đầu ra của công ty này, đồng thời là đầu vào của công ty kia trong tập đoàn và là duy nhất trên thị trường thì thực hiện theo quy định của Thủ tướng”.

Quy định nhấn mạnh rõ việc các công ty con của tập đoàn “được phép tham dự quá trình lựa chọn nhà thầu của nhau”, hay nói khác đi là không cấm các doanh nghiệp dự thầu nội bộ trong khối các doanh nghiệp thuộc PVN. Song nghị định mới này một lần nữa khẳng định việc không cho phép  tập đoàn - công ty mẹ được chỉ định thầu hoặc yêu cầu công ty con chỉ định thầu nội bộ theo văn bản hay quy chế riêng nào cả mà phải thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu.

Tại sao lại có chuyện này?

Theo Nghị định 009/2018 mới có hiệu lực từ 10-1-2018, việc tham gia đấu thầu của PVN, các công ty con của PVN thực hiện theo quy định tại khoản 5, điều 2, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Trước đây, PVN thời kỳ 2008-2010 do ông Đinh La Thăng làm chủ tịch HĐTV đã ban hành Nghị quyết số 233/2009 về “Phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của các đơn vị thành viên trong tập đoàn. Nghị quyết này được cụ thể hóa thành Quyết định số 4232/QQĐ-DKVN để hướng dẫn các đơn vị thực hiện. 

Do có những văn bản mang tính áp đặt như vậy nên ngay sau khi áp dụng, dịch vụ của PVN trong chín tháng đầu năm 2010 đã tăng tới 61% so với cùng kỳ năm 2009 (nguồn: họp báo công bố kết quả sản xuất kinh doanh của PVN) và cả năm đó doanh thu của PVN cán mốc hơn 400.000 tỉ đồng, một con số vượt bậc. Thậm chí có những công ty con tăng hơn 100% doanh thu trong năm đó như Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) nhờ được chỉ định thầu hầu hết các dự án xây lắp lớn của tập đoàn, bất chấp năng lực và tình hình tài chính.

Hay Tổng công ty Vận tải dầu khí (PVT) được ưu tiên nhận hợp đồng vận chuyển toàn bộ dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ngay tại thời điểm đó, việc “khép kín” đầu vào của doanh nghiệp này là đầu ra của doanh nghiệp khác trong nội bộ tập đoàn có gắn mác dầu khí, kể cả doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần như PVC đã bị dư luận phản ứng vì nó đi ngược lại tiêu chí công khai, minh bạch trong kinh doanh, mất đi tính cạnh tranh bình đẳng theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đấu thầu.

Đồng thời việc ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau bất chấp các quy định của pháp luật đã tước đi cơ hội của các doanh nghiệp ngoài PVN và làm cho các doanh nghiệp thuộc PVN ỷ lại, suy giảm năng lực do “miếng cơm đã có sẵn”.

Bài học về việc giao thầu hàng loạt dự án cho PVC tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án sơ xợi Đình Vũ hay dự án xây lắp Ethanol Phú Thọ đến nay đều không quyết toán, chưa đi vào hoạt động được đã nói lên hậu quả của việc chỉ định thầu mang tính nội bộ nói trên.

Nhưng vấn đề chỉ định thầu, thỏa thuận mua bán hàng hóa nội bộ lẫn nhau không chỉ dừng ở PVN thời điểm đó. Bằng chứng là năm 2012, Bộ Công Thương cũng ra Chỉ thị số 13 (10-2012) yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty ký các thỏa thuận mua bán hàng hóa lẫn nhau để gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, giảm bớt tồn kho và lưu thông hàng Việt.

Sau hơn một năm thực hiện chỉ thị này, các tập đoàn (PVN, TKV, EVN) đã có buổi sơ kết một năm thực hiện thỏa thuận hợp tác chiến lược (4-2014). Thông báo phát đi từ Bộ Công Thương ngày 19-8-2014 cho thấy, tổng giá trị hàng hóa mà các tập đoàn, tổng công ty mua “nội bộ” cho nhau theo tinh thần của Chỉ thị 13 khoảng 71.000 tỉ đồng (không bao gồm các hợp đồng mua bán điện, xăng dầu). Trong đó, giá trị tiêu thụ “qua lại” giữa các bên về máy móc thiết bị điện khoảng 4.164 tỉ đồng, 5.200 tỉ đồng thép xây dựng…

Tuy không phải tổng giá trị ký kết “nội bộ” giữa 11 tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương trị giá 71.000 tỉ đồng được giải ngân hết nhưng bất cứ một hợp đồng nào được giải ngân cũng đồng thời tước đi cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp bên ngoài ở thời điểm tất cả cộng đồng doanh nghiệp đều gặp khó, vi phạm Luật Cạnh tranh và Luật Đấu thầu.

Tuy nhiên, không phải tất cả các hợp đồng mang tính nội bộ, khép kín, phi thị trường nói trên đều dẫn đến đổ vỡ như Hợp đồng xây lắp Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình mà PVN ký với PVC. Song nếu rà soát một cách sòng phẳng, đến nơi đến chốn, thì chắc chắn các hình thức ký kết kiểu này vẫn còn có thể có nhiều chỗ “vỡ”.

Như vậy, không chỉ riêng điều lệ về tổ chức và hoạt động của PVN mà với các điều lệ hoạt động của TKV, EVN… cũng cần được cụ thể hóa những quy định tương tự để tránh việc tự đặt ra “lệ” riêng, vi phạm pháp luật trong sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngoài thực thi Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cũng không được “rẽ ngang” bằng những chỉ thị này, khác làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Lan Nhi

TBKTSG

Các tin tức khác

>   HBH: Báo cáo tài chính quý 4/2017 (25/01/2018)

>   BDT: Công văn giải trình chênh lệch lợi nhuận Quý 4-2017 so với Quý 4-2016 (25/01/2018)

>   BDG: Báo cáo tài chính quý 4/2017 (25/01/2018)

>   Không thể hợp thức hóa việc thu phí vào sân bay (25/01/2018)

>   HDO: Báo cáo quản trị công ty năm 2017 (25/01/2018)

>   BAB: Ngày đăng ký cuối cùng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (25/01/2018)

>   MIG: Báo cáo kết quả giao dịch - QUỸ ĐẦU TƯ JAPAN ASIA MB CAPITAL (25/01/2018)

>   SMN: Báo cáo tài chính quý 4/2017 (25/01/2018)

>   VCI: Năm 2017 lãi trước thuế bứt phá tăng 100% lên hơn 800 tỷ đồng (25/01/2018)

>   PPE: Báo cáo tài chính quý 4/2017 (25/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật