Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank: “Nỗ lực xử lý cơ bản nợ xấu trong vòng 3-5 năm”
“Về vụ án Ngân hàng Xây dựng giai đoạn hai sắp được xét xử có liên quan đến ông Trầm Bê, chúng tôi tái khẳng định: Sacombank không có thiệt hại về tài sản trong vụ án này do các khoản cho vay đều có tài sản đảm bảo. Sacombank đã tất toán khoản vay, thu hồi đủ gốc và lãi. Điều này đã được các cấp có thẩm quyền xác nhận. Chúng tôi cũng đã thông tin công khai, minh bạch nên cổ đông và khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm” - ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB), mở đầu cuộc trả lời phỏng vấn của TBKTSG.
Ông cho biết sáu tháng cuối năm 2017 bộ máy lãnh đạo mới của Sacombank đã giải quyết một “núi” công việc mà quan trọng là xử lý được hơn 19.000 tỉ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong năm.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank.
|
TBKTSG: Ông và hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc Sacombank cam kết sẽ xử lý được 15.000 - 20.000 tỉ đồng nợ xấu trong năm 2017. Cam kết đó đến giờ đã thực hiện đến đâu, thưa ông?
- Ông Dương Công Minh: Chúng tôi đã “gồng mình lên” để tìm và áp dụng nhiều giải pháp khác nhau nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng. Phải nói là Sacombank chạy đua với thời gian để xử lý nợ. Tính đến cuối năm 2017, chúng tôi đã thực hiện được hơn 19.000 tỉ đồng (bao gồm: thanh lý tài sản nhận cấn trừ nợ gần 2.800 tỉ đồng; bán nợ theo giá thị trường 2.600 tỉ đồng; tự xử lý, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu được hơn 14.200 tỉ đồng), trong đó, hơn 15.000 tỉ đồng là thuộc Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
TBKTSG: Giữa tháng 12-2017 Sacombank thông báo bán đấu giá công khai ba tài sản là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III Long An với giá khởi điểm hơn 9.000 tỉ đồng. Đây là những tài sản giá trị lớn và nhờ đó Sacombank đã thu hồi được một tỷ lệ không nhỏ nợ xấu?
- Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ cho việc bán đấu giá các tài sản trên nhằm đảm bảo việc thu hồi nợ tốt nhất cho Sacombank. Các tổ chức tham gia đấu giá đều nhận định đây là các bất động sản rất có tiềm năng về đầu tư và không dễ tìm được các quyền sử dụng đất diện tích lớn và tập trung như vậy trên địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, một khi được khai thác tốt, các tài sản có khả năng mang lại nguồn thu lớn.
Trên thực tế, chúng tôi không chỉ chú trọng xử lý các tài sản thế chấp có giá trị lớn, mà cả những khoản nợ nhỏ, nếu có thanh khoản là Sacombank bán ngay. Nhiều khoản nợ xấu từ vài tỉ đồng, vài chục tỉ đồng đến cả trăm tỉ đồng mà tài sản đảm bảo là cổ phần, cổ phiếu, nhà đất đã được thanh lý. Trong bộ máy tổ chức, Khối xử lý nợ hoạt động hết công suất, phải rà soát, đánh giá các khoản phải thu, các khoản có thể bán để thu nợ từng ngày, từng tuần.
TBKTSG: Sacombank được chọn là một trong sáu ngân hàng cùng với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thí điểm xử lý nợ xấu. Việc hợp tác với VAMC của Sacombank có diễn ra như mong muốn không, thưa ông?
- Sự phối hợp giữa Sacombank và VAMC từ khi ký kết hợp tác khá hiệu quả, hai bên xem xét các khoản nợ để Sacombank bán cho VAMC theo giá thị trường, nhận về “tiền tươi thóc thật” để kinh doanh sinh lời. Như đã thông tin ở trên thì trong số hơn 19.000 tỉ đồng nợ xấu chúng tôi đã xử lý được trong năm 2017 có 2.600 tỉ đồng bán cho VAMC theo giá thị trường.
Ngoài ra, trên trang web của ngân hàng, chúng tôi đăng tải công khai các tài sản cần thanh lý là bất động sản, xe cộ, máy móc ở TPHCM, Hà Nội và các tỉnh thành trong “Chuyên mục thanh lý tài sản”. Tất cả khách hàng có nhu cầu đều có thể tham gia.
TBKTSG: Ông có thể nói gì về kế hoạch xử lý nợ xấu năm tới?
- Trên nền tảng kết quả đã đạt được, chúng tôi sẽ cải tiến một số quy chế, quy trình xử lý nợ sao cho phù hợp với thực tiễn ở Sacombank. Quan trọng nhất là bắt tay thực sự vào thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Không giống các ngân hàng khác, các thách thức, khó khăn ở Sacombank sau khi nhận sáp nhập ngân hàng Phương Nam rất nặng nề, khối lượng các vấn đề tồn đọng rất lớn.
Đề án tái cơ cấu cho phép Sacombank xử lý nợ xấu trong 10 năm. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu, vừa động viên, tạo điều kiện cho chúng tôi xử lý trong vòng 5 đến 7 năm. Tuy nhiên, lãnh đạo và toàn bộ nhân viên Sacombank sẽ nỗ lực hết sức để hoàn tất cơ bản xử lý nợ xấu trong 3 đến 5 năm.
Năm 2018 mục tiêu của Sacombank là giải quyết được giá trị nợ xấu ít nhất tương đương với số nợ đã xử lý trong năm 2017. Xử lý nợ không chỉ phụ thuộc vào sự cố gắng, năng động, quyết tâm của chúng tôi, mà còn vào cả biến động thị trường bất động sản, thị trường tài chính, nhưng chúng tôi tin với các chỉ số kinh tế vĩ mô đã và đang tiếp tục được cải thiện, nền kinh tế tăng trưởng cao hơn, việc tháo gỡ nợ của Sacombank sẽ thuận lợi.
TBKTSG: Tối đa 3% là tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ mà cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng đáp ứng. Theo ông, bao giờ thì Sacombank đưa được tỷ lệ nợ xấu về mức đòi hỏi 3%?
- Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đầu năm 2017 là 6,68% tổng dư nợ, hiện đã giảm xuống còn 4,28% và sẽ giảm về 3% trong năm 2018.
TBKTSG: Có thể thấy Sacombank đã xử lý được không ít hạn chế, tồn tại, nhưng để phát triển, thì dừng lại ở đó là chưa đủ?
- Một điểm quan trọng mà Sacombank tập trung làm vừa qua và tiếp tục làm mạnh hơn nữa là mở rộng, đào sâu hoạt động ngân hàng bán lẻ. Công tác chăm sóc, tiếp thị khách hàng được chú trọng thông qua cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhờ đó số lượng khách hàng giao dịch đã tăng 20,6% so với năm trước và hiện chúng tôi có 4,3 triệu khách hàng.
Theo báo cáo riêng, hiện tổng tài sản của Sacombank đã đạt hơn 364.000 tỉ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm; tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 323.000 tỉ đồng, tăng 11,4%; dư nợ tín dụng đạt hơn 219.000 tỉ đồng, tăng 12,6%. Đặc biệt tỉ suất sinh lời của ngân hàng dần được cải thiện với tổng thu nhập năm 2017 đạt 8.200 tỉ đồng, tăng 33% so với năm trước, tạo nguồn lực tài chính để xử lý các tồn đọng. Thu dịch vụ năm 2017 đạt 2.395 tỉ đồng, trong đó thu dịch vụ truyền thống tăng 29,6% so với năm trước.
Và cho đến nay, chúng tôi vẫn là một trong những ngân hàng cổ phần có mạng lưới rộng nhất với 566 chi nhánh, phòng giao dịch.
TBKTSG: Ở góc độ doanh nhân và nhà đầu tư, vừa rồi ông đã liên tục mua vào cổ phiếu Sacombank. Có phải ông đang đặt cược vào Sacombank?
- Hiện tại cá nhân tôi đang sở hữu 3,32% cổ phần Sacombank. Tổng tỷ lệ cổ phần của tôi và những người liên quan đến tôi là 7,47%. Tới đây, tôi sẽ từ chức chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Him Lam theo quy định mới của Nhà nước, để dành thời gian nhiều hơn cho Sacombank. Tôi cũng sẽ mua thêm cổ phiếu Sacombank theo quy định cho phép.
Thật lòng tôi đặt niềm tin ở Sacombank. Tham dự và phát biểu trong lễ kỷ niệm 26 năm thành lập Sacombank mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chia sẻ: “Chúng ta không thay đổi được quá khứ, nhưng hiện tại và tương lai chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn cho bản thân từng ngân hàng, trong đó có Sacombank”. Thống đốc tin ở chúng tôi và chúng tôi phải cố gắng, phải tin ở mình.
TBKTSG: Dồn toàn tâm toàn lực cho Sacombank, điều gì khiến ông và lãnh đạo Sacombank trăn trở cho năm 2018?
- Chúng tôi hiểu xử lý nợ xấu chưa bao giờ dễ dàng, kiểm soát để nợ xấu phát sinh từ những khoản vay mới ở mức thấp nhất lại càng khó. Chính vì thế, chúng tôi đang và sẽ điều hành, quản lý ngân hàng minh bạch, từng bước áp dụng các chuẩn mực Basel II; giải quyết dứt điểm sở hữu chéo, đa dạng hóa cơ cấu cổ đông; tiết giảm chi phí hợp lý, sao cho có lợi nhất cho cổ đông. Chúng tôi thấm thía lời Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nói trong lễ kỷ niệm 26 năm vừa qua: “Nên nhớ, tiền của mình thì mình tiêu gì cũng được, nhưng mình đang giữ hàng trăm ngàn tỉ đồng của người khác thì vất vả lắm, trăn trở lắm và trách nhiệm cũng cao lắm”.
Đấy là điều mà ban lãnh đạo mới Sacombank luôn tâm niệm!
RÚT TIỀN TẠI ATM CỦA SACOMBANK KHÔNG CẦN DÙNG THẺ
Sacombank vừa bổ sung chức năng rút tiền nhanh bằng QR (Sacombank QR Cash) vào ứng dụng mCard. Theo đó, chủ thẻ Sacombank (trừ thẻ doanh nghiệp, thẻ trả trước vô danh) không cần mang theo thẻ vẫn có thể dùng thiết bị di động (điện thoại/máy tính bảng) quét mã QR hiển thị trên màn hình các máy ATM của Sacombank để thực hiện giao dịch rút tiền một cách nhanh chóng, thuận tiện và an toàn. Dịch vụ này được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam và áp dụng cho toàn bộ mạng lưới ATM Sacombank trên toàn quốc.
|
Hải Lý thực hiện
tbktsg
|