Nước Mỹ trong 'Lửa và cuồng nộ' - Kỳ 1: Steve Bannon: họa từ miệng mà ra
Đã một năm qua kể từ khi tỉ phú Donald Trump làm tổng thống, dư luận Mỹ vẫn chia rẽ trong đánh giá về ông và chính sách của ông. Sự chia rẽ ấy lại đang thổi bùng trở lại sau khi cuốn sách Fire and Fury: Inside the Trump White House phát hành.
Nhà báo Michael Wolff - Ảnh: Reuters
|
Tuổi Trẻ giới thiệu thêm thông tin để bạn đọc có cái nhìn sâu hơn và khách quan về cuốn sách đang "gây bão" này của nhà báo Michael Wolff, Fire and Fury: Inside the Trump White House ("Lửa và cuồng nộ: Nội tình Nhà Trắng của ông Trump").
Cựu trưởng chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon đã "kết thúc" lộ trình "từ đỉnh cao đến vực sâu" chỉ vỏn vẹn trong 16 tháng, đưa ông từ vị trí nhà cố vấn thân cận nhất của tổng thống thành người thất nghiệp.
Nguyên nhân của sự thoái trào chóng vánh này có thể tóm tắt trong mấy chữ: "cái miệng làm khổ cái thân".
Ông Bannon có "cái tội" lớn nhất là biết quá nhiều và đã không thể kiểm soát sự biết ấy một cách chừng mực, mà đỉnh điểm là các thông tin ông cung cấp cho nhà báo Michael Wolff đưa vào sách Lửa và cuồng nộ: Nội tình Nhà Trắng của ông Trump.
Trả giá
Số phận chính trị của ông Bannon được quyết định chưa đầy một tuần sau khi sách Lửa và cuồng nộ phát hành.
Trong sách, ngoài việc được nhà báo Wolff trích dẫn lời mô tả ông Trump như một người "thần kinh không ổn định", "thiếu các tố chất thích hợp để trở thành một tổng thống của nước Mỹ", ông Bannon còn phê phán gay gắt Donald Trump Jr., con trai cả ông Trump, là "phản quốc" và tham vọng chính trị của con rể ông Trump là Jared Kushner và "tiểu thư" Ivanka...
Bất kể lời xin lỗi "yếu ớt" và "muộn màng" được đưa ra năm ngày sau khi thông tin cuốn sách được công bố, ông Bannon lập tức phải trả giá. Những người chủ sở hữu trang web tin tức Breitbart News đã công bố quyết định mời ông Bannon "ngồi chơi xơi nước", rời cương vị chủ tịch điều hành trang Breitbart News, vị trí mà ông nắm giữ sau khi rời Nhà Trắng.
Họa phúc không phải một ngày, có thể thấy ngay kết cục xảy đến với ông Bannon chỉ là giọt nước tràn ly. Bởi kể từ sau khi rời Nhà Trắng tháng 8 năm ngoái, ông Bannon đã xuất hiện trong nhiều cuộc trả lời phỏng vấn với các thông tin phản biện khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump "nóng mặt".
Thậm chí một bài báo của Vanity Fair từng đưa tin nói ông Bannon có khả năng ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 vì ông tin rằng ông Trump chỉ có 30% tỉ lệ thành công ở nhiệm kỳ đầu tiên nắm quyền.
Vì sao ông Bannon lại quyết định cung cấp những "thông tin chấn động" của mình cho nhà báo Wolff để đưa vào cuốn sách? Lý do của hành động này là gì và liệu ông Bannon được "lại quả" gì từ chuyện đó? Những điều ấy tới nay vẫn chưa rõ ràng, nhưng chắc chắn không phải vì ông Bannon "đã mất trí" như lời của Tổng thống Trump.
Rõ ràng người đầu tiên phải trả giá cho cuốn sách Lửa và cuồng nộ không phải là nhân vật chính của nó mà là ông Bannon.
Ông là người đầu tiên bị mất việc tại Nhà Trắng, và giờ cũng mất luôn công việc tại đế chế truyền thông mà ông từng cất công gây dựng trước khi vào đội ngũ tranh cử của Trump và sau đó trở thành chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng.
Cả hai lần mất việc, nguyên nhân đều bắt nguồn từ những thông tin được cho là rò rỉ từ ông Bannon và một số phát ngôn mang họa của ông.
Sách Fire and Fury: Inside the Trump White House - Ảnh: Reuters
|
Steve Bannon là ai?
Năm 2012, khi ông Andrew Breitbart, nhà sáng lập trang tin tức theo đường lối cánh hữu Breitbart News, đột ngột qua đời vì đau tim ở tuổi 43, một khoảng trống quyền lực tại đây xuất hiện.
Và ông Steve Bannon, một cựu thành viên tương đối mờ nhạt của phong trào Tea Party (phong trào Tiệc trà vốn ủng hộ chính trị phân quyền và chủ trương cổ súy chính sách giảm chi tiêu công, cắt giảm thuế má), được đôn lên vị trí chủ tịch điều hành Breitbart News.
Breitbart News là trang tin theo khuynh hướng bảo thủ và dưới thời cầm quân của Bannon, Breitbart trở thành công cụ truyền thông đắc lực, góp phần đáng kể cho việc đắc cử của ông Trump.
Chính ông Bannon cùng trang Breitbart News đã "đỡ đạn" hiệu quả cho ông Trump khi đoạn băng rò rỉ tiết lộ chuyện ông Trump từng "nổ" về chuyện sàm sỡ với phụ nữ. Ông Bannon sau đó trở thành lãnh đạo chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Ông Bannon đã gây ấn tượng đặc biệt với ông Trump vì đã chèo lái thành công, đưa chiến dịch tranh cử của ông Trump vượt qua giai đoạn khủng hoảng, đi đến thắng lợi rồi tiếp đó trở thành trưởng chiến lược gia Nhà Trắng của ông Trump.
Ngay cả sau này khi ông Bannon đã rời cương vị, mối quan hệ giữa hai người vẫn không quá xa cách (dĩ nhiên trước khi có chuyện cuốn sách).
Không thể phủ nhận những đóng góp đáng kể của ông Bannon trong việc tạo nên vị thế của Breitbart News, song nếu không có Breitbart News, không ai biết Bannon là ai. Thế nên điều giới quan sát chính trị tại Washington quan tâm là: Bannon sẽ làm gì sau khi mất việc ở trang này?
Donald Trump - Steve Bannon: Mối quan hệ ngắn ngủi
Tổng thống Donald Trump (trái) chúc mừng trưởng chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon ở thủ đô Washington tại lễ bổ nhiệm ngày 22-1-2017 - Ảnh: AFP
|
* 17-8-2016: Ông Trump chọn ông Bannon làm CEO cho chiến dịch tranh cử tổng thống.
* 28-1-2017: Ông Trump công bố sắc lệnh cấm nhập cảnh với công dân một số quốc gia Hồi giáo. Ý tưởng phía sau chính sách này thường được cho là của ông Bannon, người luôn công khai cho rằng đạo Hồi là một trong những nguy cơ lớn nhất của thế giới.
* 5-4-2017: Ông Bannon bị loại khỏi Hội đồng An ninh quốc gia trong lúc mâu thuẫn gay gắt với con rể ông Trump là Jared Kushner.
* 1-6-2017: Ông Trump rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris theo thuyết phục của ông Bannon.
* 26-7-2017: Ông Trump thông báo ý định cấm người chuyển giới tham gia quân đội. Ông Bannon là một trong những cố vấn cho ông Trump chính sách này.
* 7-8-2017: Ông Bannon nộp đơn từ chức và rời Nhà Trắng ngày 18-8-2017.
|
D.KIM THOA
Tuổi Trẻ
|