Thứ Hai, 22/01/2018 14:53

NÓI THẲNG: Ai đã "đánh cắp" cảng Quy Nhơn?

Làm sao lấy lại được cảng Quy Nhơn (QuyNhonPort) sau khi được cổ phần hóa chớp nhoáng, bán cho tư nhân giá rẻ mạt - là câu hỏi đau đáu của người dân.

Tiến hành cổ phần hóa và thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn đã diễn ra nhanh đến bất thường. Kết quả cuối cùng là toàn bộ tài sản của cảng biển chiến lược ở miền Trung rơi vào tay một doanh nghiệp với giá chỉ vài trăm tỉ đồng.

Việc cổ phần hóa diễn ra rất bất thường, đến nỗi người dân Quy Nhơn - Bình Định cho rằng cảng Quy Nhơn đã bị "đánh cắp" bởi một nhóm lợi ích mà nhiều người ở thành phố biển này biết rất rõ họ là những ai.

Cảng Quy Nhơn trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) - Bộ GTVT nhưng vì sao tháng 7-2015, khi đang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Nguyễn Văn Thiện lại có văn bản đề nghị Bộ GTVT khẩn trương bán phần vốn còn lại cho "nhà đầu tư chiến lược" để tạo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng cảng (?).

Cũng vì văn bản này mà ngày 25-5-2017, Ban Bí thư đã có quyết định kỷ luật ông Nguyễn Văn Thiện với hình thức Cảnh cáo vì đã ký văn bản không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Vì sao việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn không thuộc trách nhiệm của tỉnh Bình Định nhưng bí thư Thiện lại sốt sắng đến vậy? Đó cũng là lý do vì sao Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc. Đó cũng là lý do vì sao cuối tháng 7-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai trong việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.

Câu hỏi này sẽ được làm sáng tỏ trong nay mai.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra đã cho thấy có dấu hiệu lợi ích nhóm trong việc bán cảng Quy Nhơn, khi mà "ai đó" đã ép cán bộ - công nhân cảng Quy Nhơn phải ký một lá đơn gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung khẳng định việc cổ phần hóa, thoái vốn ở cảng biển này là đúng pháp luật và rõ ràng!

Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại 1, có cơ sở hạ tầng rất quy mô. Theo nhiều chuyên gia, riêng cầu tàu tiếp nhận được tàu 50.000 tấn vốn xây dựng phải hơn 1.000 tỉ đồng. Cảng còn có 165 phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỉ đồng. Nếu tính riêng cần cẩu bờ di động sức nâng 100 tấn có giá trên 150 tỉ đồng. Đó là chưa kể kho bãi, đất đai thuộc cảng rất lớn. Với khối tài sản đồ sộ như vậy nhưng trước khi cổ phần hóa, cảng Quy Nhơn chỉ được định giá hơn 404 tỉ đồng.

Tháng 9-2013, cảng Quy Nhơn tổ chức bán đấu giá thành công, bán ra 10% vốn điều lệ cho cổ đông tự do, tương đương 4,04 triệu cổ phần. Ngoài ra, còn bán 4,04 triệu cổ phần khác cho "nhà đầu tư chiến lược" là Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Hà Nội). Sau nhiều lần Vinalines chuyển nhượng, Hợp Thành nắm giữ đến 86,23% cổ phần với tổng trị giá chỉ 440 tỉ đồng.

Điều đáng nói là trước khi chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Hợp Thành trong đợt 2 và đợt 3, giữa năm 2015, lãnh đạo cảng Quy Nhơn có văn bản gửi Vinalines và Bộ GTVT đề nghị giữ lại 51% phần vốn nhà nước nhưng không được xem xét. Và tất nhiên, cảng Quy Nhơn ngay lập tức bị nuốt trọn!

Vì sao một cảng lớn như vậy, thoắt một cái đã trở thành cảng của tư nhân với giá bèo đến thế? Vì sao và ai phải chịu trách nhiệm cổ phần hóa cảng này khuất tất, để tài sản của nhà nước chạy vào tay tư nhân với giá như cho? Và còn rất nhiều câu hỏi khác…

Làm sao lấy lại được cảng Quy Nhơn sau khi đã cổ phần hóa là một câu hỏi đau đáu không chỉ với dân Bình Định mà là của cả nước. "Cái gì của Caesar phải trả về cho Caesar", tài sản của nhà nước phải trả lại cho dân cho nước.

Nhưng trước hết phải vạch mặt cho được nhóm lợi ích đã tìm mọi cách "đánh cắp" cảng Quy Nhơn, lôi ra ánh sáng...

LƯU NHI DŨ

Người lao động

Các tin tức khác

>   BST: Nghị quyết HĐQT (22/01/2018)

>   MCF: Báo cáo tài chính quý 4/2017 (22/01/2018)

>   AMD đẩy mạnh sản xuất đá tự nhiên, lãi ròng quý 4 tăng 87% (22/01/2018)

>   DSN: Lãi sau thuế gần 12 tỷ đồng, EPS đạt 6,264 đồng (22/01/2018)

>   FCS: Báo cáo tài chính quý 4/2017 (22/01/2018)

>   PMB: Báo cáo tài chính quý 4/2017 (22/01/2018)

>   KSD: Báo cáo quản trị công ty năm 2017 (22/01/2018)

>   DHG: BCTC quý 4 năm 2017 (22/01/2018)

>   CTW: Báo cáo tài chính quý 4/2017 (công ty mẹ) (22/01/2018)

>   KHL: Báo cáo tài chính quý 4/2017 (22/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật