Năm 2018: Doanh nghiệp xây dựng lại có thêm một năm “ngọt ngào”?
Nhận được hàng loạt yếu tố hỗ trợ tích cực, doanh nghiệp ngành xây dựng tiếp tục được kỳ vọng sẽ có một năm “ngọt ngào” nữa trong năm 2018.
Nhiều dự báo tích cực
Thị trường bất động sản hồi phục từ năm 2014 đã giúp cho nhiều ngành có liên quan tăng trưởng theo, trong đó có ngành xây dựng. Và trong năm 2018, nhiều ý kiến cho rằng ngành xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản phát biểu tại hội thảo “Nhận diện cơ hội và rủi ro thị trường bất động sản năm 2018”, tính đến ngày 20/11 tồn kho bất động sản (BĐS) giảm còn hơn 25,700 tỷ, so con số 102,800 tỷ trong quý 1/2013, tồn kho đã giảm gần 80%. Cũng trong tháng 11 vừa qua, TP.HCM có 1,600 giao dịch, tăng 3.2%. Hà nội có 1,400 giao dịch, bằng so với tháng 10. Và sang năm 2018, ông Khởi khẳng định thị trường BĐS sẽ tiếp tục tăng trưởng với những tín hiệu tích cực từ chính sách tín dụng, chính sách vĩ mô...
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì dự báo năm 2018 thị trường bất động sản sẽ có nhiều yếu tố tốt hơn năm 2017 nhờ nhiều chính sách hỗ trợ. Cụ thể, năm 2018 các chính sách của các cơ chế đã ban hành như chính sách tín dụng đối với thị trường bất động sản sẽ nới lỏng hơn tín dụng cho nền kinh tế. Nghị định liên quan đến vấn đề quy hoạch, dự án mới và đặc biệt là phân khúc từng thị trường bất động sản sẽ hợp lý hơn.
Với việc mở cửa hội nhập thì dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ đổ về Việt Nam, không chỉ gói gọn ở các tỉnh thành như trước đây mà có nhiều khả năng sẽ mở rộng hơn. Mặt khác, năng lực của các doanh nghiệp đầu tư bất động sản cũng sẽ được cải thiện nhiều trong năm 2018 khi mà họ tận dụng các kết quả kinh doanh trước đó. Một điểm đáng chú ý nữa là việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty trong đó có một phần không nhỏ dành cho bất động sản. Đây là môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư phát triển trong năm 2018.
Theo Công ty chứng khoán Sen Vàng, tốc độ đô thị hóa gia tăng là nền tảng tăng trưởng cho ngành xây dựng. Tốc độ tăng dân số bình quân của Việt Nam là 1.2 - 1.5%/năm và tốc độ tăng trưởng đô thị trung bình là 3.4%/năm nhưng mức tăng vẫn thấp hơn nhiều cho với các nước khu vực Asean và các nước khác trên thế giới. Do vậy, tiềm năng tăng trưởng phân khúc nhà ở trong nước còn rất lớn. Đồng thời, nhu cầu văn phòng tăng mạnh mẽ và phân khúc công nghiệp - kho vận tiếp tục hoạt động tốt nhờ dòng vốn FDI mạnh.
Mặt khác, ngành xây dựng cũng đang được sự hỗ trợ từ Chính phủ như Luật Nhà ở (2014) cho phép cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, thông tư 06 thúc đẩy thị trường bất động sản với những điều kiện thắt chặn hơn vì yếu tố rủi ro cho các khoản phải thu từ cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%.
Theo BMI Research, ngành công nghiệp xây dựng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 9.6% về giá trị thực trong năm 2017 và 9.7% vào năm 2018 và trung bình hàng năm là 8.2% trong giai đoạn 5 năm giữa năm 2017 và năm 2021. Khi ngành xây dựng mở rộng, tỷ trọng GDP sẽ tăng từ 5.7% lên 6.0% vào năm 2021. Tăng trưởng trong hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng đang được thúc đẩy bởi các dự án giao thông và tiện ích do chính phủ đầu tư vào hai đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, đầu tư vào xây dựng nhà ở và thương mại sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư nước ngoài cao. Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn nhờ chi phí thấp hơn và mức độ phát triển cao hơn so với nước láng giềng Đông Nam Á.
Tựu trung lại, thị trường ngành xây dựng năm 2018 có thể tiếp tục rất khả quan, qua đó tạo điều kiện cho những doanh nghiệp trong ngành có cơ hội mở rộng kinh doanh và củng cố thêm nguồn lực vững chắc.
Doanh nghiệp xây dựng có thêm một năm “ngọt ngào”?
Không phải chờ năm 2017 khép lại mới đánh giá tính hiệu quả của doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Theo thống kê dữ liệu Vietstock, xét trong những doanh nghiệp xây dựng đang niêm yết hiện nay, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 86,870 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng toàn ngành đạt hơn 7,151 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với 9 tháng đầu năm 2016.
Thông thường, quý cuối năm luôn là giai đoạn mà các doanh nghiệp xây dựng luôn có kết quả kinh doanh cao nhất khi mà chạy nước rút bàn giao, nghiệm thu công trình. Do đó, hoàn toàn có thể tin rằng kết quả cả năm 2017 của nhóm ngành xây dựng sẽ tăng trưởng tích cực. Song, câu hỏi quan trọng hơn là năm 2018 thì sẽ như thế nào?
Dễ nhận thấy rằng những dự báo của các chuyên gia về ngành xây dựng năm 2018 nói trên là hoàn toàn có cơ sở. Các dữ liệu về vốn FDI, tỷ lệ đô thị hóa, giao dịch bất động sản cho đến chính sách đều mang những hàm ý hỗ trợ cho thị trường nói chung. Không những thế, một điểm mới nữa đó chính là chiếc bánh xây dựng cho nhà thầu trong nước và nhà thầu nước ngoài cũng đang được chia đều.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Quốc Duy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Bình (HOSE: HBC) cho biết, nếu quay lại 5 năm trước, gần như các công trình trọng điểm, công trình lớn trong nước đều do nhà thầu nước ngoài thực hiện. Nhà thầu trong nước khi đó may mắn cũng chỉ được tham gia với vai trò thầu phụ. Tuy nhiên trong hai năm gần đây, cây chuyện này đã có sự thay đổi, nhà thầu xây dựng trong nước đã có đủ điều kiện tham gia với vai trò tổng thầu ở các dự án lớn. Chẳng hạn việc Coteccons (HOSE: CTD) vượt qua nhiều công ty xây dựng nước ngoài để thi công dự án siêu cao tầng The Landmark 81 có chiều cao 461 m với vai trò tổng thầu là một minh chứng.
Năm 2018, ông Duy cho biết, triển vọng ngành bất động sản là cơ hội lớn cho các nhà thầu, đặc biệt là ở mảng resort và khách sạn. Các công ty bất động sản hàng đầu trong nước có kế hoạch đầu tư lớn ở mảng này, tạo ra sản lượng đều và thu tiền nhanh. Riêng mảng nhà xưởng FDI bỏ vốn vào rất cao, tăng hơn nhiều so với 2016. Với HBC, chiến lược 2018 là tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và nhà xưởng. HBC đặt kế hoạch dự kiến năm 2018 doanh thu đạt khoảng 21,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1,100 tỷ đồng.
Song, cũng theo ông Duy, có một số rủi ro có thể tác động đến hoạt động ngành xây dựng. Một là, chính sách thay đổi về kiểm soát minh bạch ngân hàng và hạn chế tín dụng bất động sản (nhà ở cao cấp). Hai là, tỷ giá đô la tăng, giá sắt thép tăng sẽ ảnh hưởng biên lợi nhuận. Ba là, nguồn nhân lực tay nghề cao không đủ đáp ứng yêu cầu tăng quá nhanh của các các dự án cao cấp và quy mô lớn. Tuy nhiên, có 2 điểm cộng rất lớn là TPHCM được cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh hơn về hạ tầng đô thị và từ đó có thêm niềm tin của FDI cho thành phố nói riêng, thúc đẩy kinh tế nói chung và đặc biệt là bất động sản.
Về phía CTD, mới đây CTCK ACB (ACBS) mới đây dự báo, do phân khúc nhà ở hạng B và C sẽ chiếm lĩnh thị trường trong giai đoạn 2017-2018 nên dự kiến CTD sẽ ký được nhiều hợp đồng từ các nhà phát triển bất động sản (BĐS) tầm trung và thấp như Sacomreal và Nam Long. Sang năm 2018, dự phóng doanh thu của CTD sẽ đạt 32,000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên tới gần 2,000 tỷ đồng.
Một đơn vị khác là CTCP Xây dựng 47 (HOSE: C47) cũng khá tự tin rằng năm 2018 sẽ là một năm tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Kế hoạch phát triển của Công ty là thi công ở mảng hạ tầng giao thông và thủy lợi. Cụ thể, dự án thủy điện Trung Sơn theo kế hoạch cũng sẽ hoàn thành quyết toán trong năm 2018, tổng doanh thu dự kiến thu về 3,000 tỷ đồng.
Các dự án mà C47 sẽ tham gia 2018 là dự án san lấp mặt bằng nhà máy lọc dầu Long Sơn (doanh thu dự kiến 1,800 tỷ đồng), đập thủy lợi Đồng Mít (doanh thu dự kiến đạt 2,000 tỷ đồng), đường hầm Quy Hòa (doanh thu dự kiến 1,000 tỷ đồng), thủy điện Ialy mở rộng, dự án thủy lợi Tân Mỹ với doanh thu ước đạt 2,500 tỷ đồng, thời gian tái khởi công theo kế hoạch vào quý 1/2018 sắp đến.
Hay Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) cũng đã đưa ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2018 là 1,200 tỷ đồng, đến năm 2020 dự đạt 1,800 tỷ đồng.
Ở nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng, CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (HOSE: KSB) đã lên kế hoạch năm 2018 từ khá lâu với dự kiến phát triển nhiều sản phẩm mới như cát nhân tạo và đá lý tâm. Khi sản xuất cát nhân tạo, KSB dự kiến quy mô ban đầu 50,000 m3/năm được bán từ năm 2018, giá cát nhân tạo 150,000 đồng/m3, lợi nhuận dự kiến khoảng 10 - 15%.
Ông Nguyễn Thế Minh - Phó Giám đốc kiêm Trưởng nhóm phân tích thị trường vốn Khối khách hàng cá nhân CTCK Sài Gòn (SSI) chia sẻ, thị trường xây dựng phụ thuộc rất lớn vào bất động sản bởi đây là mảng đóng góp lớn nhất vào doanh thu của ngành. Năm 2018, ngành xây dựng sẽ tiếp tục tăng tăng trưởng như năm 2017 chứ không có đột biến. Các phân khúc sẽ có sự phân hóa, nếu năm 2017 tập trung ở xây dựng nhà, căn hộ thì năm 2018, mảng hạ tầng, cao ốc lớn (cho thuê) sẽ phát triển tốt hơn.
Trên cơ sở ngành chung còn dư đại tăng trưởng thì nhóm doanh nghiệp xây dựng cũng sẽ tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Ông Minh lưu ý nhà đầu tư rằng việc lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư cần phải nhìn vào danh sách kho dự án mà doanh nghiệp đang thực hiện xây dựng, danh mục này càng lớn thì tình hình hoạt động càng tốt.
Sanh Tín
FiLi
|