Thứ Sáu, 19/01/2018 15:54

Mua bán chậm, nỗi lo không của riêng ai

Thị trường cà phê nội địa giao dịch khá chậm do nhu cầu mua hàng và giá trên sàn kỳ hạn đang hoạt động ở mức thấp và trong biên độ rất hẹp.

 

“Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước xuất khẩu trên thế giới thời gian qua tình hình mua bán cũng rất chậm,” một chuyên gia ngành hàng cho biết. Giá trên hai sàn kỳ hạn xuống liên tục, chỉ tính từ một năm nay đến đầu tuần này, giá kỳ hạn robusta London mất 24% và arabica New York giảm 29%, ông cho biết.

Do còn thói quen mua bán dựa trên giá kỳ hạn, cả hai nước lớn Brazil và Việt Nam đều phụ thuộc vào giá của nhà nhập khẩu đưa ra. Điều đáng nói là khi giá thấp, người mua đòi theo giá thị trường nhưng bên bán không thể vì giá nội địa chưa chịu giá mới. Chính vì vậy, hai bên mua và bán không gặp nhau, làm cho thị trường không sôi động, không chỉ trên giá mà hàng hóa ít di chuyển từ tay người bán sang người mua.

“Hiện tượng ứ hàng, ế hàng cần được cảnh báo cho bà con nhà vườn một cách nghiêm túc để giúp họ có chọn lựa và hướng đi đúng. Không nên để như năm 2017, khối lượng xuất khẩu giảm nhưng không nhiều bà con được giải thích rõ ràng, nên họ thực sự bị động trong việc giải phóng hàng”, anh Bảo, chủ một doanh nghiệp thu mua đóng tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng nêu ý kiến.

Ngay như tại Ấn độ, một nước có truyền thống mua bán cà phê cũng đang tính đến chuyện đổi “cách chơi”. Để khắc phục tình hình khó khăn về thị trường và cạnh tranh gắt gao, mới đây, Ấn độ đang tìm một lối ra mới cho hột cà phê của họ.

Tại một lễ hội cà phê quốc tế được tổ chức tại Bangalore, vùng trọng điểm cà phê của Ấn độ bắt đầu từ ngày 16-1 và dự kiến kết thúc hôm nay 19-1-2018, một quan chức ngành cà phê nước này, ông Anil Kumar Bhandari, lo lắng trước sản lượng cà phê thế giới ngày càng tăng. Ông cho rằng “bốn nước sản xuất hàng đầu như Brazil, Colombia, Việt Nam và Indonesia được mùa đã làm giá thị trường cà phê giảm một mạch 30%”.

Theo ông, Ấn độ chỉ còn một hướng duy nhất là chọn con đường riêng cho ngành cà phê của mình bằng cách kêu gọi mọi thành phần trong ngành tìm cho hột cà phê nước họ có hướng đi đặc thù, tạo nên một thương hiệu độc đáo, đồng thời tăng cường quảng bá cà phê nước nhà tại thị trường nội địa và nước ngoài. Ông này cũng đề nghị chính phủ Ấn độ cần lập ra một nguồn quỹ chuyên tập trung vào nâng cao và quảng bá thương hiệu cà phê.

Thật ra, từ lâu, Ấn độ đã rất nghiêm túc xây dựng thương hiệu cà phê của mình bằng cách quản lý chặt chẽ chất lượng cà phê xuất khẩu. Nhưng trước tình hình mới, vị quan chức cho rằng cần nâng cao chất lượng hơn nữa, không nên bằng lòng với cái hiện có. “Đã đến lúc phải nghiêm túc đặt hết tâm sức, thì giờ vào xây dựng cà phê thật ngon của Ấn độ để bán ra thế giới, giảm bán loại trung bình, trung tính”, ông nói.

Giá kỳ hạn cà phê robusta London đóng cửa phiên giao dịch ngày 16-1 chốt tại 1.732 đô la Mỹ mỗi tấn, so với mức thấp nhất là 1.672 đô la lập ngày 9-1-2018 và cao nhất 2.269 đô la lập ngàn 1-2-2017. Giá cà phê nội địa nhiều nơi ở Tây nguyên được chào bán mức 37 triệu đồng mỗi tấn, giảm 9 triệu đồng so với đỉnh trong vòng một năm nay.

Nguyễn Quang Bình

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Giá nông sản hôm nay 19/1: Giá cà phê tiếp tục tăng nhẹ, giá tiêu áp lực giảm giá từ mùa vụ mới của Ấn Độ (19/01/2018)

>   Giá heo hôm nay 19/1: Vùng biên giới bán giá cao nhất 38.000 đ/kg (19/01/2018)

>   "Cần dừng tạm nhập tái xuất đường" (18/01/2018)

>   Giá heo hôm nay 18/1: Giá đang chững, tăng lên 40.000 đồng/kg là "không tưởng"? (18/01/2018)

>   Giá heo hơi hôm nay 17/1: Có thật giá heo lên 40.000 đồng/kg do Trung Quốc lạnh kỷ lục? (17/01/2018)

>   Giá heo (lợn) hôm nay 16/1: Đồng Nai, lợn đẹp "không tì vết" mới được 33.000 đồng/kg (16/01/2018)

>   Giá heo hôm nay 15/1: Mới nhất 38.000đ/kg tại nơi giáp biên, dự báo giá heo Tết sẽ tăng? (15/01/2018)

>   Đường nhập khẩu trong ASEAN vẫn chịu thuế 5% (12/01/2018)

>   Giá heo hôm nay 12/1: Giá heo đi biên 40.000-43.000 đ/kg, heo giống cao nhất đạt 700.000 đ/con (12/01/2018)

>   Giá heo hơi hôm nay 11/1: Miền Trung tăng giá, nông dân lo sốt vó vụ tết, giá gà ngày càng đắt (11/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật