Kinh nghiệm đầu tư năm 2017: Tích lũy để bứt phá (Kỳ 2)
Năm 2017 chứng kiến nhiều cổ phiếu tăng trưởng hết sức ấn tượng. Vậy điểm chung của các cổ phiếu này là gì?
* Kinh nghiệm đầu tư năm 2017: Chú ý biến động của hàng hóa có tính dẫn dắt (Kỳ 1)
Hiện tượng tích lũy và phân phối
Khái niệm cơ bản. Tích lũy (accumulation) trong phân tích kỹ thuật là sự dồn nén của giá trong một giai đoạn nhất định để sau đó dẫn đến một sự bùng nổ của giá chứng khoán.
Ngược lại, phân phối (distribution) là hiện tượng tháo hàng từ từ và giá bắt đầu đi xuống mạnh sau đó. Thông thường thì hiện tượng tích lũy sẽ diễn ra lâu hơn phân phối một chút.
Cùng với cặp khái niệm kháng cự/hỗ trợ thì tích lũy/phân phối có thể coi là những khái niệm cơ bản nhất của phân tích kỹ thuật.
Hình minh họa cho hiện tượng tích lũy (accumulation) và phân phối (distribution)
Các định luật chi phối. Có 3 định luật chính chi phối và ảnh hưởng đến Tích lũy-Phân phối:
Thứ nhất là Định luật Cung Cầu (The Law of Supply and Demand). Khi lực cầu chiếm ưu thế so với bên cung thì giá sẽ dễ tăng hơn và ngược lại.
Thứ hai là Định luật Nguyên nhân và Kết quả (The Law of Cause and Effect). Định luật này nói rằng chúng ta có thể dựa trên một biến cố để đưa ra một kết luận nào đó về một biến cố khác. Nguyên nhân sinh ra kết quả rất phức tạp bởi vì nó còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra. Mặt khác, một nguyên nhân trong những điều kiện khác nhau cũng có thể sinh ra những kết quả khác nhau.
Cuối cùng là Định luật Nỗ lực và Kết quả (The Law of Effort and Results).
Làm sao để biết cổ phiếu sắp tăng mạnh?
Có rất nhiều cổ phiếu tích lũy nhưng chờ mãi chẳng thấy tăng trưởng và thậm chí còn sụt giảm tiếp.
Cần thời gian tích lũy đủ lâu. Yếu tố thời gian là cực kỳ quan trọng đối với các cổ phiếu. Thực tế là khi quá trình tích lũy quá ngắn thì khó mà tăng trưởng được đủ mạnh và lâu dài.
Yếu tố khối lượng. Bên cạnh vấn đề thời gian thì khối lượng giao dịch của thời kỳ tích lũy ở những cổ phiếu bứt phá thành công cũng cần đặc biệt chú ý. Đó là khối lượng thường xuống khá thấp so với giai đoạn trước đó và gần như rơi vào trạng thái giao dịch cầm chừng.
Theo lý thuyết của Charles Dow thì đây là thời kỳ “bán bắt buộc”. Khi đó, những nhà đầu tư thông minh sẽ gom vào dần dần cổ phiếu để đón đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
Nếu giao dịch quá sôi động trong giai đoạn đi ngang thì cổ phiếu dễ đi xuống tiếp hoặc chỉ đi lên một đoạn ngắn rồi giảm trở lại.
Trong ví dụ dưới đây, giá QCG đã có một thời kỳ tích lũy kéo dài gần 6 tháng (đánh dấu bằng mũi tên) trong đoạn cuối năm 2016 trước khi bứt phá mạnh mẽ trong năm 2017. Suốt thời kỳ này khối lượng liên tục giảm đều và duy trì mức rất thấp (trung bình chỉ bằng 1/3 giai đoạn trước đó).
Nguồn: Vietstock Updater
Quan sát chỉ số ADX. ADX là chỉ số thể hiện sức mạnh xu hướng. Nếu nhà đầu tư nhận thấy giá dịch chuyển ngang đã lâu mà ADX lại tăng liên tục vượt xa mức 25 thì giai đoạn tích lũy có thể sắp kết thúc để chuyển sang tăng trưởng bùng nổ. Việc mua vào trong tình huống này dễ thành công hơn.
Giá HAI trong hình bên dưới hầu như chỉ giằng co và tăng giảm nhẹ trong những tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, đến khoảng cuối tháng 05/2017 thì ADX đột ngột tăng mạnh từ mức gần 25 lên gần 40 trong khi giá vẫn dịch chuyển ngang. Dấu hiệu này đã báo trước cho đợt tăng trưởng phi mã của giá sau đó.
Nguồn: Vietstock Updater
Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|