Hùng Vương: Lỗ tới 713 tỷ đồng, nợ vẫn ngất ngưởng
Với khoản lỗ niên độ 2016-2017 gần 713 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 424 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh về sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HVG.
Dự phòng nợ phải thu khó đòi tăng vọt kéo lỗ ròng gần 713 tỷ đồng
Doanh thu thuần của CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) ghi nhận 15,514 tỷ đồng, giảm 13% so niên độ trước. Giá vốn của Công ty chiếm 14,435 tỷ đồng nên lãi gộp ở mức 1,079 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên giảm xuống 6.95%.
Hoạt động tài chính của HVG tiếp tục âm 525 tỷ đồng. Liên doanh liên kết kỳ này giảm lỗ khá mạnh từ 32 tỷ đồng xuống còn 7.6 tỷ đồng. Trong khi chi phí bán hàng giảm nhẹ thì chi phí quản lý tăng vọt gấp 2.8 lần, lên mức 756 tỷ đồng chủ yếu do dự phòng nợ phải thu khó đòi chiếm tới 566 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ hơn 70.5 tỷ đồng.
Theo đó, HVG lỗ thuần 688 tỷ đồng, trong khi niên độ trước vẫn có lãi hơn 47 tỷ đồng. Cuối cùng, HVG lỗ ròng gần 713 tỷ đồng, trong khi niên độ trước chỉ lỗ 49 tỷ đồng.
Nợ và hàng tồn kho vẫn ngất ngưởng
Theo báo cáo tài chính kiểm toán niên độ 2016-2017 của HVG, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, HVG đã phát sinh khoản lỗ sau thuế trong năm tài chính là gần 713 tỷ đồng. Ngoài ra, lỗ lũy kế gần 424 tỷ đồng và tổng nợ ngắn hạn cũng đã vượt quá tài sản ngắn hạn gần 819 tỷ đồng. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HVG.
Tại thời điểm 30/09/2017, tổng tài sản của HVG giảm mạnh từ 16,603 tỷ đồng của đầu kỳ xuống còn 13,876 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng giảm từ 4,621 tỷ đồng xuống mức 3,695 tỷ đồng, trong đó dự phòng giảm giá tăng mạnh hơn gấp đôi lên mức 51.5 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương giảm mạnh từ 618 tỷ đồng xuống còn 206 tỷ đồng.
Điều đáng ghi nhận là nợ phải trả có dấu hiệu giảm từ 13,336 tỷ đồng của đầu kỳ xuống 11,378 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 10,687 tỷ đồng, còn dài hạn chiếm 690 tỷ đồng. Tuy nhiên, vay ngắn hạn giảm 580 tỷ đồng nhưng vẫn ở mức cao tới 7,069 tỷ đồng. Trong đó gồm khoản vay 3,283 tỷ đồng và gần 21 triệu USD từ BIDV; hơn 1,290 tỷ đồng và 7.95 triệu USD từ Vietcombank; 227 tỷ đồng và 12.63 triệu USD từ VietinBank; hơn 125 tỷ đồng và hơn 1 triệu USD từ PGBank; gần 100 tỷ đồng và 4.58 triệu USD từ OCB; hơn 86 tỷ đồng và 160,230 USD từ Agribank; 2 triệu USD từ Indovina; 25 tỷ đồng từ United Overseas; hơn 34 tỷ đồng từ SGB; hơn 1.3 triệu USD từ NVB; và 878,500 USD từ HDBank.
Vay dài hạn của HVG giảm xuống 671 tỷ đồng. Và với mức lỗ lũy kế gần 424 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu của HVG giảm xuống mức 2,499 tỷ đồng.
HVG có lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 1,386 tỷ đồng, trong khi từ hoạt động đầu tư âm 756 tỷ đồng. Còn lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 1,040 tỷ đồng chủ yếu do tiền chi trả nợ gốc vay tới 15,350 tỷ đồng.
Theo HVG, tại báo cáo tài chính này, Ban giám đốc đã lập lợi nhuận và dòng tiền kế hoạch trong 12 tháng tiếp theo mà dự kiến sẽ được tạo ra từ hoạt động kinh doanh và bao gồm việc thanh lý một phần giá trị các khoản đầu tư, cơ cấu lại Công ty. Theo đó, HVG cho biết có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong năm tài chính tiếp theo. Các bên liên quan của HVG cũng cam kết sẽ không yêu cầu Công ty thanh toán cho các khoản nợ đã đề cập cho đến khi trách nhiệm pháp lý cho các bên thứ ba được giải quyết.
Báo cáo tài chính của HVG cũng cho biết đã hoàn tất nghiệp vụ và thu tiền liên quan đến việc thanh lý CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC). Đồng thời, HVG cũng đang trong quá trình thống nhất các điều khoản trong hợp đồng chuyển nhượng với đối tác để hoàn tất việc chuyển nhượng hơn 50% vốn tại CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF).
Thái Hương
Fili
|