Hà Nội: Nhiều người ngại đi ô tô vì phí gửi xe
Với mức thu phí gửi xe mới được áp dụng tại Hà Nội từ tháng 1-2018, gửi xe ô tô (dưới 9 chỗ) tại trung tâm Hà Nội trong vòng 5 tiếng mất 210.000 đồng đã làm cho nhiều người đi ô tô ngại đi xe mà chuyển sang đi taxi hoặc đi xe máy.
Bảng giá trông giữ xe ô tô tại Hà Nội. Ảnh: TL
|
Có cả cho phép tăng và tự ý tăng
Anh Hùng làm việc tại một công ty có trụ sở trên phố Lý Thường Kiệt cho biết, mọi khi anh dùng xe ô tô đi làm và gửi ngoài vì công ty không có đủ chỗ để xe cho mọi người. Tuy nhiên với mức phí trông xe mới mà Hà Nội quy định và áp dụng từ tháng 1-2018 này làm anh không dám đi xe ô tô nữa mà chuyển sang đi xe máy hoặc taxi. Bởi nếu đi xe ô tô mỗi ngày gửi 8 tiếng anh phải trả tới 345.000 đồng. Vì hiện mức trông xe ô tô dưới 9 chỗ đang được áp dụng là 25.000 đồng mỗi tiếng cho người gửi 2 tiếng đầu. Hai tiếng sau mỗi tiếng áp dụng phí 35.000 đồng. Từ tiếng thứ 5 trở đi thì mức phí sẽ là 45.000 đồng mỗi tiếng.
Còn chị Ánh, một người hay phải hẹn hò làm việc với các đối tác ở các quán ăn, cà phê ở khu vực trung tâm Hà Nội (gần khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm) thì cho biết, phần lớn các hàng quán khu vực này đều không có chỗ để ô tô. Khách đi xe ô tô phải tự gửi ngoài. Với mức giá gửi xe mới này thì chị chọn phương án đi taxi bởi mức phí gửi xe tương đương tiền chị đi taxi.
Việc tăng phí gửi xe không chỉ với xe ô tô mà còn tăng cả với xe máy. Chị Linh, một người hay đến dự các sự kiện tại khách sạn Metropole Hà Nội kể do vài năm nay khách sạn này không tổ chức trông xe cho khách nên mỗi lần đến họp ở đây chị phát ngán vì phí gửi xe. Thông thường ngay trước cửa khách sạn mặt phố Lý Thái Tổ có bãi trông xe vỉa hè hoặc ở phố Nguyễn Xí, cách đó 200 mét cũng có bãi trông xe vỉa hè. Song cả hai địa điểm này đều thường thu phí 10.000 đồng/lượt xe máy trong khi mức giá quy định chỉ một nửa. Chị Linh cũng cho biết mức phí này cũng được nhiều bãi giữ xe vỉa hè bên ngoài các bệnh viện tại khu vực trung tâm như bệnh viện C, bệnh viện K… thu. Mặc dù biết họ thu sai, vì mức phí quy định đã in trên vé nhưng chị Linh vẫn phải gửi vì không thì không biết để xe ở đâu?
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết thời gian từ ngày 1-1-2018 đến 17-1-2018, lực lượng thanh tra giao thông đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 76 trường hợp vi phạm trong hoạt động trông giữ phương tiện, phạt tiền 342 triệu đồng. Còn Sở Tài chính đã phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Cục Thuế Hà Nội kiểm tra các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố, với mức phạt cho các đơn vị vi phạm về quản lý nhà nước về giá trông giữ xe gần 445 triệu đồng.
Vì sao Hà Nội tăng giá trông xe?
Tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng Nhân dân Hà Nội khóa 15 diễn ra vào cuối năm 2017, các đại biểu đã thông qua nghị quyết về sửa đổi, bổ sung quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Minh Hải, từ ngày 1-1-2018, mức thu phí sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ tạm thời phương tiện giao thông sẽ được điều chỉnh cả về mức thu và hình thức thu. Theo đó, mức thu phí sử dụng diện tích trông giữ ô tô tăng thấp nhất là 50% và tăng cao nhất là 300% so với mức cũ, với giá trị tuyệt đối tăng tương ứng từ 20.000 đồng/mét vuông/tháng đến 160.000 đồng/mét vuông/tháng.
Mức thu phí sử dụng diện tích trông giữ xe đạp, xe máy tăng thấp nhất là 5.000 đồng/mét vuông/tháng và cao nhất là 90.000 đồng/mét vuông/tháng, tùy theo khu vực, tuyến phố theo nguyên tắc mức phí cao nhất thuộc 12 tuyến phố khu bảo tồn đô thị cấp 1, vùng lõi quận Hoàn Kiếm và giảm dần khi xa trung tâm.
Mức phí tăng không áp dụng với địa bàn thị xã Sơn Tây, các huyện ngoại thành và một số tuyến đường, phố các quận từ vành đai 3 trở ra.
Phí sử dụng hè, đường sẽ được thu theo diện tích sử dụng thực tế với các điểm trông giữ tạm trên hè, đường; thu theo phần trăm doanh thu đối với mô hình trông giữ ứng dụng công nghệ thông tin – iParking (30% doanh thu).
Theo ông Vũ Văn Viện, việc tăng giá trông giữ xe chỉ áp dụng tại khu vực lòng đường, vỉa hè. Còn mức giá trông xe tại các trung tâm thương mại, tòa nhà vẫn giữ nguyên. Đây là đợt tăng giá lần thứ nhất, nhằm tiệm cận giá trông giữ xe đang được thị trường chấp nhận.
“Việc tăng giá trông giữ phương tiện giao thông để người dân cân nhắc khi sử dụng phương tiện, từ đó đạt mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân. Việc này còn khuyến khích đầu tư các bãi đỗ xe tĩnh, để giảm đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè", ông Viện nói.
Vẫn theo ông Viện, các doanh nghiệp trông giữ xe không được hưởng lợi từ phần tăng phí mà phần này sẽ được điều tiết về ngân sách nhà nước. Với mức thu cũ, tổng số tiền Hà Nội thu được từ trông giữ xe trong năm 2017 là 38,4 tỉ đồng. Với mức phí mới thì số tiền thu dự kiến sẽ đạt 113 tỉ đồng.
Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, để giảm ùn tắc giao thông (vì hiện có nhiều bãi đỗ xe trên phố) và giải quyết chỗ đỗ xe cho người dân trong nội đô, chính quyền Hà Nội đang chỉ đạo triển khai nhanh các thủ tục đầu tư đối với các dự án về hạ tầng giao thông và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư các bãi đỗ xe ngầm.
Trong đó Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư 5 bãi đỗ xe ngầm trong nội đô, gồm bãi đỗ xe ở phần không gian ngầm tại số 295 Lê Duẩn; bãi đỗ xe ngầm trước cổng và trong Công viên Thống Nhất, giáp phố Trần Nhân Tông; bãi đỗ xe ngầm Công viên Tuổi trẻ; bãi đỗ xe Quảng trường 19-8; bãi đỗ xe ngầm Sân vận động Quần Ngựa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Hà Nội tăng phí giữ xe gây phản ứng của người dân nhưng chính nhờ việc tăng giá này sẽ hấp dẫn các đơn vị đầu tư các bãi đỗ xe ngầm.
Vân Ly
TBKTSG
|