Thứ Năm, 18/01/2018 14:53

Gần 30 năm “chậm mà chắc”, Saigonbank đang trải qua những chuyển biến rất mới

Saigonbank được ví như một bản nhạc trầm. Dù trải qua thời kỳ tăng trưởng nóng hay tái cơ cấu ngân hàng, Saigonbank vẫn “như nó vốn thế từ trước đến nay”: duy trì mức vốn điều lệ nhỏ, mạng lưới giao dịch xoay quanh 90 đơn vị, quy mô huy động và cho vay vừa phải,… Nhưng nhiều chuyển biến gần đây đã tạo nên những nốt thăng cho ngân hàng này.

Hội sở Sài Gòn Công Thương Ngân hàng (Saigonbank) tại số 2C đường Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Thu Phong.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, SGB) vốn là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên của TP.HCM và cả nước, thành lập năm 1987 trước khi có Luật Công ty và Pháp lệnh Ngân hàng, vốn điều lệ ban đầu 650 triệu đồng.

Cuối năm 2011, Ngân hàng phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ từ 2,460 tỷ đồng lên 2,960 tỷ đồng, đợt tăng vốn tiếp theo vào tháng 9/2012 lên 3,080 tỷ đồng và duy trì cho tới thời điểm hiện tại. Từ năm 2014, Saigonbank đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3,080 tỷ đồng lên mức 4,000 tỷ đồng và tiếp tục lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng lên 4,080 tỷ đồng song đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Quá trình tăng vốn của Saigonbank từ khi thành lập đến nay (Đvt: Tỷ đồng)

Vốn điều lệ có thể coi là một “nốt trầm” với Saigonbank. Trong khi ngành ngân hàng đang bước vào thời kỳ tăng vốn nóng, hàng loạt nhà băng những năm qua liên tục đặt kế hoạch tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động và đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN thì vấn đề tăng vốn trong 3 năm qua của Saigonbank vẫn bỏ ngỏ cho đến nay.

Xét về vốn điều lệ, Saigonbank luôn nằm ở “chiếu dưới” trong hệ thống ngân hàng. Tính đến cuối năm 2016, Saigonbank xếp cùng nhóm với các nhà băng có vốn điều lệ dưới 5,000 tỷ đồng như OCB, VietABank, NamABank, NCB, VietBank… Hầu hết các ngân hàng này đều từng thất bại với kế hoạch tăng vốn vì nhiều lý do, nhưng hòa với làn sóng tăng vốn mạnh mẽ thì việc tăng vốn vẫn tiếp tục được lên kế hoạch trong năm 2017. Như OCB có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5,000 tỷ đồng từ thưởng cổ phiếu cho cổ đông và phát hành riêng lẻ. NCB dự kiến tăng vốn thêm 3,000 tỷ đồng lên mức 6,010 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu chuyển đổi. Còn NamABank đặt mục tiêu nâng vốn lên 5,000 đồng sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành mới.

Riêng với Saigonbank, các năm trước đặt ra kế hoạch đều không thành công nên nội dung tăng vốn tại ĐHĐCĐ thường niên năm diễn ra trong 2017 đã bị bỏ qua và hiện vẫn chưa có thêm thông tin mới.

Suốt 30 năm hoạt động của mình, phương châm “chậm mà chắc” vẫn được Ban lãnh đạo Saigonbank nhắc đến mỗi dịp tổng kết hoạt động. 5 năm gần đây nhất, cả tổng tài sản, dư nợ cho vay và huy động vốn của ngân hàng chỉ lớn lên lặng lẽ từng chút, tăng trưởng trung bình trong khoảng 4-6%/năm.

Tổng tài sản, dư nợ, huy động và tỷ lệ nợ xấu giai đoạn 2008-2017 (Đvt: Tỷ đồng, %)

Tuy nhiên, Saigonbank đang dần trải qua những chuyển biến mới, rõ nét nhất là sự lớn lên trong kết quả kinh doanh. Sau một chuỗi sụt giảm đến 94% lợi nhuận từ năm 2010 đến năm 2015 do trích lập dự phòng nợ xấu hàng trăm tỷ đồng, giai đoạn 2016-2017 đã chứng kiến những bước phục hồi đáng kể trong lợi nhuận của Ngân hàng.

9 tháng đầu năm 2017, mặc dù chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cùng tăng nhưng lãi từ các hoạt động đều tăng trưởng mạnh dẫn đến kết quả kinh doanh được cải thiện trong kỳ. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận 231 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 184 tỷ đồng; cùng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Mức lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm của Saigonbank đã thực hiện hơn 85% kế hoạch cả năm.

Và chuyển biến đáng chú ý  tiếp theo là cổ phiếu…

Bước ra khỏi quỹ đạo thoái vốn chật vật và ế ẩm trong năm 2015 khi cổ phiếu Saigonbank được chuyển nhượng thông qua đấu giá chỉ ở mức 10,000 đồng/cp, thậm chí có khi chào bán dưới mệnh giá nhưng nhà đầu tư vẫn ngó lơ. Hai năm gần đây, hành trình bán vốn tại Saigonbank đã “thuận buồm xuôi gió”, thậm chí cháy hàng, vì khối lượng đặt mua gấp nhiều lần khối lượng chào bán. Điều gì đã tạo nên sức hút của cổ phiếu Saigonbank như vậy?

Điểm lại hành trình “thoát ế” trong những đợt đấu giá cổ phiếu Saigonbank, liên tục trong tháng 7 và tháng 8/2016, toàn bộ gần 28 triệu cổ phiếu Saigonbank (tương đương 9% vốn) do Saigontourist và VietinBank (HOSE: CTG) sở hữu đã được đấu giá thành công. Đến tháng 12, ba nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng đã gom hơn 3.26 triệu cp (tương đương 1.06% vốn điều lệ) của Saigonbank do Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) chào bán.

Giá đấu thành công bình quân lần lượt là 14,797 đồng/cp, 12,500 đồng/cp và 10,000 đồng/cp. Thậm chí, hai đợt đấu giá đầu đều có khối lượng đăng ký đặt mua gấp tới 4 lần khối lượng chào bán.

Gần đây nhất, đến lượt Vietcombank (HOSE: VCB) đấu giá thành công hơn 13.2 triệu cp (4.3% vốn) tại Saigonbank. Điều giới đầu tư quan tâm khi đó không chỉ là khoản lợi nhuận vài ngàn tỷ Vietcombank dự kiến thu về sau thoái vốn khỏi Saigonbank và 4 tổ chức tài chính khác mà còn bởi chính sự hấp dẫn của cổ phiếu Saigonbank.

Đợt đấu giá trên có tới 54 triệu cp Saigonbank được đăng ký mua, gấp 4 lần khối lượng chào bán và giá đấu thành công được đẩy lên tới 20,100 đồng/cp - nhảy vọt so với giá đấu khởi điểm 12,550 đồng/cp. Gần đây, trên thị trường OTC, giá cổ phiếu cũng chỉ giao dịch trong khoảng 12,500-16,000 đồng/cp.

Đặc biệt, song song với đó cũng xuất hiện động thái môi giới chứng khoán gom mua cổ phiếu bằng cách liên hệ trực tiếp đến cổ đông của Saigonbank.

Theo BCTC kiểm toán năm 2016 thì giá trị sổ sách của khoản đầu tư vào Saigonbank là 123.45 tỷ đồng. Tuy nhiên khoản tiền mà Vietcombank thu về sau đấu giá là hơn 266 tỷ đồng.

Sau các đợt thoái vốn trên, Saigontourist, IPC và Vietcombank đã rút lui hoàn toàn; VietinBank giảm sở hữu xuống 4.91% cổ phần, đồng thời không còn là cổ đông lớn của Saigonbank.

Quay trở về thời điểm cuối năm 2014 đầu năm 2015, thị trường từng có nhiều đồn đoán xoay quanh “cuộc hôn nhân” giữa Saigonbank và Vietcombank. Tuy nhiên, sau những nhùng nhằng về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, đến giờ vẫn chưa có thông tin chính thức từ các bên liên quan. Việc hoàn tất thoái vốn của Vietcombank tại Saigonbank dường như đã đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân này, và liệu rằng có mở ra một cuộc hôn nhân mới?

Cơ cấu sở hữu tại Saigonbank đã ít nhiều thay đổi theo thời gian. Cổ đông lớn tuy đã giảm tỷ lệ sở hữu nhưng hầu hết vẫn đang thuộc Top đầu. Cổ đông lớn nhất là Văn phòng Thành ủy Tp.HCM nắm hơn 18% vốn với đại diện là ông Nguyễn Phước Minh. Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa cùng nắm hơn 16%, kế đến là Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp.HCM (Saigon Petro) với tỷ lệ sở hữu hơn 14%. Bốn đơn vị này đang nắm giữ chi phối hơn 65% vốn của Saigonbank.

Đi cùng với những thay đổi trong cơ cấu cổ đông, dàn lãnh đạo cốt cán của Saigonbank cũng có sự luân chuyển mới. Bắt đầu từ tháng 6/2017 sau ĐHĐCĐ thường niên, ông Trần Quốc Hải chính thức rời ghế Chủ tịch HĐQT Saigonbank vì lý do sức khỏe, ông Nguyễn Ngọc Điểu rút khỏi HĐQT bà Trần Thị Việt Ánh cũng thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng.

Hiện, HĐQT Saigonbank nhiệm kỳ 2013-2017 gồm ông Phạm Văn Thông (Chủ tịch, vẫn thuộc Văn phòng Thành ủy TPHCM) và 5 thành viên: Vũ Quang Lãm (thuộc Nhà Phú Nhuận), Trần Thế Truyền (thuộc Vietnam Petro), Nguyễn Minh Trí (thuộc Du lịch Thương mại Kỳ Hòa), Trần Thị Việt Ánh, Trần Sỹ Đồng (Thành viên độc lập). Ông Vũ Quang Lãm đồng thời được bầu làm Tổng giám đốc kể từ ngày 12/06/2017 thay cho bà Ánh.

Cơ cấu cổ đông hiện tại của Saigonbank

 

 

Việt Nam hiện có 4 ngân hàng gắn liền với thương hiệu “Sài Gòn”, bao gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Cả Sacombank, SHB và SCB đều có vốn điều lệ trên 10,000 tỷ đồng, bỏ lại rất xa so với con số hơn 3,000 tỷ đồng của Saigonbank.

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   TPBank đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HOSE (02/01/2018)

>   Những hệ sinh thái ẩn sau hiện tượng HDBank (02/01/2018)

>   OceanBank đã hoàn thành giai đoạn 1 đàm phán với đối tác nước ngoài (02/01/2018)

>   Moody’s lần đầu xếp hạng LienVietPostBank (02/01/2018)

>   Năm mới an khang – Xe sang chờ đón cùng NCB (02/01/2018)

>   Hoãn xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (01/01/2018)

>   Mất hút đầu cơ tỷ giá trong năm 2017 (31/12/2017)

>   Thẻ HDBank Visa thêm bước xác thực đảm bảo độ an toàn tuyệt đối (31/12/2017)

>   MBB sắp chi hơn 1,000 tỷ đồng tạm ứng cổ tức 2017 (31/12/2017)

>   Ngân hàng lãi lớn nhưng không được chi thưởng phóng tay (31/12/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật