Đằng sau kết quả "không lỗ" năm 2017 của PVD
Theo công bố tại buổi tổng kết năm 2017, Ban lãnh đạo Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HOSE: PVD) chỉ chia sẻ con số hoạt động kinh doanh của năm 2017 là không lỗ nhưng không cho biết con số lãi cụ thể. Và đến nay theo báo cáo tài chính hợp nhất thì con số cuối cùng được đưa ra là lãi ròng cả năm hơn 26 tỷ đồng nhưng lại không nhờ hoạt động kinh doanh chính.
"Điểm nhấn" hoàn nhập Quỹ phát triển Khoa học công nghệ của các năm 2013, 2014 và 2015
Trong quý 4/2017, PVD ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 1,188 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên, giá vốn cũng tăng mạnh khi chiếm tới 1,163 tỷ đồng nên lãi gộp lui về mức gần 25 tỷ đồng, giảm 64% so cùng kỳ.
Thêm vào đó, hoạt động tài chính âm gần 15 tỷ đồng (cùng kỳ âm 48 tỷ đồng). Liên doanh liên kết cũng âm hơn 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 58 tỷ đồng. Trong khi chi phí bán hàng giảm nhẹ về gần 10 tỷ đồng thì chi phí quản lý lại tăng 47%, lên mức 128 tỷ đồng.
Theo đó, PVD lỗ thuần gần 140 tỷ đồng trong quý 4. Tuy nhiên nhờ ghi nhận hơn 476 tỷ đồng lợi nhuận khác, đột biến so mức gần 75 tỷ đồng của cùng kỳ (khoản thu nhập khác này không được thuyết minh cụ thể mà chỉ ghi chung chung là Các khoản khác). Đồng thời được hoàn nhập hơn 54 tỷ đồng tiền thuế hoãn lại. Sau cùng, PVD lãi ròng gần 254 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 4/2017 của PVD
|
Lũy kế cho cả năm 2017, doanh thu thuần giảm mạnh từ mức 5,360 tỷ đồng xuống còn 3,902 tỷ đồng. Lãi gộp vỏn vẹn 182 tỷ đồng, lao dốc so mức 832 tỷ của năm 2016. Theo đó, PVD lỗ thuần gần 477 tỷ đồng nhưng nhờ lợi nhuận khác cứu cánh (632 tỷ đồng) nên cả năm ghi nhận lãi ròng 26 tỷ đồng, giảm 80% so năm 2016, tương ứng EPS chỉ 22 đồng.
Theo PVD, sở dĩ lợi nhuận kỳ này tăng vọt nhờ số lượng giàn khoan tự nâng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm trước (quý 4/2017 là 3.6 giàn so với 2.1 giàn của quý 4/2016). Thêm vào đó, PVD tiếp tục thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí và tinh gọn bộ máy.
Trong quý 4/2017, PVD đã thực hiện hoàn nhập Quỹ phát triển Khoa học công nghệ của các năm 2013, 2014 và 2015 chưa sử dụng hết theo quy định.
Được biết, tại thời điểm cuối năm 2017, quỹ đầu tư phát triển của PVD ở mức 1,568 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2017, tiền và các khoản tương đương của PVD giảm từ mức 2,782 tỷ đồng xuống 1,803 tỷ đồng. Dự phòng phải thu khó đòi tăng 78% lên mức gần 322 tỷ đồng. Vay nợ tài chính ngắn hạn cũng tăng gần gấp đôi lên 1,342 tỷ đồng, còn dài hạn giảm khá xuống mức 3,329 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh kỳ này dương 118 tỷ đồng, còn hoạt động tài chính âm tới 753 tỷ đồng do trả nợ gốc vay.
Cổ phiếu vẫn trên đà tăng, PVD tiếp tục đưa ra kỳ vọng cho 2018!
Trước đó, vào đầu tháng 1/2018, PVD công bố thông tin trên trang web về buổi tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 vào ngày 28/12. Theo đó, Tổng giám đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, năm 2017 tuy PVD tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng giá dầu, thế nhưng PVD đã đạt được những kết quả khả quan. PVD đã thành công trong công tác phát triển dịch vụ ra nước ngoài với 4 giàn khoan đang có việc làm tại Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Algeria. Bên cạnh đó, một số các đơn vị thành viên của PVD đã thành công đưa các dịch vụ kỹ thuật khác cung cấp tại thị trường nước ngoài như PVD Offshore, PVD Tech, PVD Training, đóng góp đáng kể vào doanh thu của Tổng Công ty.
Ban lãnh đạo PVD cho biết, cùng với việc thị trường dầu khí đang có những tín hiệu tích cực khi giá dầu đã tăng trên 70 USD/thùng và đơn giá cho thuê giàn khoan trong khu vực đang dần được cải thiện, PVD kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn trong thời gian tới.
Về giá cổ phiếu, PVD đang có mức tăng khá trong vòng 1 quý vừa qua khi leo tới gần 99%, nhưng phiên ngày 30/01 đã quay đầu đỏ điểm về mức 29,500 đồng/cp. Khối lượng giao dịch bình quân rất cao với hơn 4 triệu cp/phiên.
Biến động cổ phiếu PVD trong vòng 12 tháng qua
|
Hoàng Nguyên
Fili
|