Công chức Chính phủ Hàn Quốc kiếm lợi từ cơn sốt tiền ảo?
Câu chuyện xoay quanh việc Hàn Quốc có khả năng cấm hoạt động giao dịch tiền ảo đã làm tình hình trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Trong lúc đó, lại có thêm thông tin cho biết ít nhất là một nhân viên thuộc cơ quan quản lý tài chính bị cáo buộc đã hưởng lợi từ cơn sốt tiền ảo nhờ giao dịch nội gián và các ngân hàng lớn đã tạo ra được hàng triệu USD từ tiền hoa hồng trong năm 2017.
* Hình ảnh trader Hàn Quốc giận cá chém thớt sau đề xuất cấm tiền ảo
* Hàn Quốc có thể đưa ra dự luật cấm giao dịch tiền ảo, Bitcoin rớt 12%
Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Giám sát Tài chính (FSS) của Hàn Quốc, Choi Heung-sik, nói với các nhà làm luật rằng Cơ quan này đang điều tra cáo buộc cho rằng một trong ba nhân viên thuộc lực lượng đặc nhiệm (task force) về quản lý tiền ảo của Chính phủ đang sử dụng thông tin nội bộ để kiếm lợi nhuận. Nhân viên này đã có lời 50% khi bán tiền kỹ thuật số trong tháng vừa qua, 2 ngày trước khi có tuyên bố của Chính phủ trong ngày 13/12/2017 về đề xuất cấm trẻ vị thành niên và người nước ngoài không cư trú ở Hàn Quốc giao dịch tiền ảo.
Nhân viên trên đã kiếm được 7 triệu Won (tương đương 6,500 USD), nhưng người này cho biết rõ ràng là ông đang đi nghỉ mát tại thời điểm đó và không biết gì về các biện pháp sắp được công bố.
Cơn sốt tiền ảo trong giới công chức quá mạnh. Ngày 18/01 vừa qua, ông Hong Nam-ki, Bộ trưởng Văn phòng Hợp tác Chính sách Chính phủ (OPC), đã phải nói với các cơ quan Chính phủ rằng, việc công chức Chính phủ đầu tư vào tiền ảo là không phù hợp và phải đảm bảo rằng tiền ảo không được giao dịch trong giờ làm việc. Theo ông Hong, có ít nhất 1 hoặc 2 trường hợp giao dịch nội gián đang được điều tra.
Kể từ khi Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc, Park Sang-ki, tiết lộ về kế hoạch đóng các sàn giao dịch tiền ảo nhằm dập tắt hoạt động đầu cơ, Chính phủ đã cố tranh luận để làm rõ lập trường của họ. Phía Nhà Xanh nhanh chóng từ chối xác nhận, nhưng hôm nay, cơ quan quản lý tài chính cho biết Chính phủ đang cân nhắc nhiều phương án lựa chọn, bao gồm đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo, hoặc chỉ đóng cửa những sàn có hoạt động bất hợp pháp.
Với sự bất ổn trên, những chuyên viên giao dịch tiền ảo trong nước đành phải “ở ẩn”. Theo đó, đồng Won, từng là đồng tiền pháp định được sử dụng để đổi lấy đồng Bitcoin và Ethereum nhiều thứ hai, nay đã rơi xuống hạng tư trong giao dịch Bitcoin và hạng năm trong giao dịch Ethereum, dựa theo trang CryptoCompare.
Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc có thể gặp phải sự phản kháng từ các ngân hàng lớn – vốn kiếm được 2.2 tỷ Won (tương ứng 2 triệu USD) từ tiền hoa hồng giao dịch tiền ảo trong năm 2017. 6 ngân hàng lớn, bao gồm Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc, Nonghyup Bank và ngay cả Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (do Chính phủ kiểm soát) kiếm được tổng cộng 2 tỷ USD từ các tài khoản tiền ảo, mỗi ngân hàng thu về tới 630,000 USD từ tiền hoa hồng giao dịch trong năm 2017. Đây cũng chính là những ngân hàng mà các nhà chức trách điều tra trong tuần trước nhằm kiểm tra hoạt động kiểm soát nội bộ về việc ngăn ngừa nạn rửa tiền và việc xác thực danh tính.
Các báo cáo gần đây về hoạt động giao dịch nội gián của công chức Chính phủ như đổ “thêm dầu vào lửa” vào sự bực tức của người dân Hàn Quốc – hơn 200,000 người đã ký đơn kiến nghị yêu cầu Nhà Xanh phải trả lời về tình trạng hỗn loạn trên và làm rõ lập trường của mình. Những người phản đối lệnh cấm ở Hàn Quốc lo sợ rằng lệnh cấm bao quát (blanket ban) sẽ dẫn tới sự tháo chạy khổng lồ của dòng vốn khi các chuyên viên giao dịch chuyển tiền kỹ thuật số sang các tài khoản nước ngoài. Trong nội bộ Quốc hội Hàn Quốc, những nhà làm luật bảo thủ đang lên tiếng phản đối chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in vì đã đẩy ngành giao dịch tiền ảo trong nước vào tình trạng biến động không ngừng.
Mặc dù Hàn Quốc được xem là một trong những thị trường lớn nhất của Bitcoin, Ethereum và gần đây là Ripple, nhưng hoạt động giao dịch tiền ảo phần lớn không bị kiểm soát. Ngân hàng Trung ương và các cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc từ chối công nhận chúng là tiền tệ hoặc sản phẩm tài chính. Giá tiền ảo tại Hàn Quốc có lúc cao hơn tới 45% so với mức trung bình trên toàn cầu, nhưng chỉ có một số ít có thể tận dụng cơ hội kinh doanh chênh lệch giá vì các quy định kiều hối khắc nghiệt của quốc gia này.
* Bỏ dở tương lai, giới trẻ Hàn Quốc chìm đắm vào cơn sốt tiền ảo
* Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam là động lực chính thúc đẩy đà tăng ấn tượng của Bitcoin!
* Vì sao người Hàn Quốc say mê Bitcoin?
Mặc dù Chính phủ dường như chỉ lặng thinh trong năm ngoái khi Hàn Quốc bỗng trở thành một trong những thị trường giao dịch tiền ảo hàng đầu, nhưng trong tháng 11/2017, họ đã phải xen vào – khoảng thời gian Trung Quốc cấm giao dịch tiền ảo – để tuyên bố về khả năng cấm hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu (ICO) trong bối cảnh phát động các cuộc điều tra về tội phạm tiền ảo.
Kể từ đó, Chính phủ Hàn Quốc đã hứa sẽ thực hiện các động thái chống lại các hành vi bất hợp pháp liên quan đến tiền ảo như thao túng giá thị trường, rửa tiền và trốn thuế. Hôm Chủ nhật (14/01), nhà chức trách cho biết sẽ yêu cầu các chuyên viên giao dịch tiền ảo sử dụng tên thật cho các tài khoản giao dịch của họ, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh phạt. Yêu cầu sử dụng tên thật cho giao dịch tiền ảo có thể được xem là một nỗ lực tích cực trong việc công nhận và hợp thức hóa tiền ảo.
Vẫn chưa có quy định nào của Chính phủ được ban hành nhưng nhiều người trong ngành đang chuẩn bị tinh thần cho một sự kiểm soát vô cùng chặt chẽ. Giữa lúc bất ổn, các start-up về Blockchain Hàn Quốc đã và đang chuyển sang các quốc gia khác như Thụy Sỹ và Estonia để triển khai các đợt ICO của họ.
Mặc dù Chính phủ Hàn Quốc không xác nhận một lịch trình để ban hành các quy định về tiền ảo, nhưng nhà chức trách cho biết họ đang gấp rút đưa ra quy định. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết có thể sẽ mất từ 6 tháng cho tới 1 năm để dự luật được thông qua bởi Quốc hội Hàn Quốc – được dẫn dắt bởi Đảng Cộng hòa của Tổng thống Moon. Quá trình này có thể trở nên hỗn độn hơn vì cuộc bầu cử sắp diễn ra trong tháng 6/2018 có thể thay đổi lại nội bộ của Quốc hội Hàn Quốc.
Vũ Hạo (Theo Forbes)
FiLi
|