Chủ tịch Masan: Kết quả 2017 chỉ mới thể hiện "trái sớm đầu mùa"
“2017 là năm kết thúc thành công hành trình “Chuyển đổi” của Masan. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017 mới chỉ thể hiện những “trái sớm đầu mùa”, nhưng rất rõ ràng và đầy hứa hẹn. Cá nhân tôi vô cùng cảm hứng và tràn đầy tin tưởng vào những bước chuyển lớn và đột phá của mỗi nền tảng kinh doanh của Masan, để biến 2018 thành sự khởi đầu ấn tượng cho hành trình tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững”.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Masan Group (HOSE: MSN).
Kết quả kinh doanh 2017 của MSN
Đvt: Tỷ đồng
|
Tổng kết năm 2017, MSN đạt doanh thu thuần 37,621 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3,103 tỷ đồng, tăng 11% so năm 2016.
Trong đó, Masan Consumer Holdings (MCH), doanh thu thuần năm 2017 giảm 8.8% còn 13,526 tỷ đồng. Ngành hàng gia vị bị ảnh hưởng nhiều nhất do chiến lược giảm hàng tồn kho.
Doanh thu thuần từ ngành hàng gia vị giảm 11% còn 5,159 tỷ đồng. Ban điều hành dự kiến doanh thu năm 2018 sẽ đạt 6,000 tỷ đồng do tăng cường đầu tư vào xây dựng thương hiệu và tung ra các sản phẩm mới. Các đợt tung sản phẩm mới vừa qua bao gồm “Nam Ngư Phú Quốc” (tung ra vào quý 2/2017), “Nam Ngư Nhãn Vàng” (tung ra vào quý 4/2017) và “Chin-su Mặn Mà” (tung ra vào quý 4/2017).
Thực phẩm tiện lợi là ngành hàng có mức tăng trưởng kém nhất của MCH trong năm 2016 nay đã tăng trưởng trở lại dù đã giảm 140 tỷ đồng tồn kho trong năm 2017. Mặc dù doanh thu thuần năm 2017 giữ nguyên ở mức 3,600 tỷ đồng. Doanh thu của các sản phẩm thương hiệu Omachi đang được cải thiện nhờ vào các sản phẩm như mì ăn liền có cây thịt và mì ly Omachi. Ban điều hành dự kiến doanh thu từ thực phẩm tiện lợi sẽ tăng 15% đến 20% với 1/3 doanh thu đến từ các sản phẩm mới.
Thịt chế biến tăng trưởng khoảng 6 lần trong năm 2017. Đây là một ngành hàng mới nhưng nhiều tiềm năng của MCH vì hiện nay MCH chỉ mới bán sản phẩm xúc xích dưới thương hiệu “Heo Cao Bồi”. Vào tháng 12/2017, MCH cho ra mắt sản phẩm thịt viên Heo Cao Bồi 3 phút để mở rộng thương hiệu mẹ “Heo Cao Bồi”. Ban điều hành tin rằng doanh thu của thịt chế biến sẽ đạt mức 500-1,000 tỷ đồng trong năm 2018.
Nhãn hiệu Wake-up là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng của ngành hàng cà phê. Ngành hàng cà phê của MCH (trừ nhãn hiệu Wake-up 247) ghi nhận doanh thu giảm 15/6% xuống mức 1,532 tỷ đồng trong năm. Doanh thu cho tất cả sản phẩm cà phê dự kiến sẽ tăng khoảng 15%.
Doanh thu từ đồ uống tăng nhờ vào nước tăng lực tăng trưởng cao. Doanh thu thuần từ đồ uống năm 2017 đạt 2,045 tỷ đồng, tăng 24.5% so với năm 2016, chủ yếu nhờ doanh thu của nước tăng lực tăng 55% lên 1,225 tỷ đồng. Nước tăng lực sẽ là một trong những trụ cột tăng trưởng hàng đầu của MCH trong năm 2018 và dự tính sẽ đóng góp 1,500 tỷ đồng doanh thu. MCH thông qua công ty con là Masan Beverages đã chào mua công khai và nâng tỷ lệ sở hữu trong Vinacafé Biên Hòa (VCF) từ 68.5% lên 98.5%. Ban điều hành dự kiến doanh thu ngành hàng đồ uống sẽ tăng 20-25% trong năm 2018.
Bia. Việc thực hiện các lễ hội bia và tái tung bia Sư Tử Trắng đã giúp doanh thu sản lượng phục hồi về gần tương đương doanh thu năm 2016. TPHCM chiếm khoảng 19% tổng sản lượng doanh thu vào nửa cuối 2017 so với 13% cùng kỳ năm 2016. Doanh thu từ bia trong năm 2018 ước đạt 1,000 tỷ đồng, phục hồi về mức bằng năm 2016.
Về Masan Nutri-Science (MNS), doanh thu thuần năm 2017 bị ảnh hưởng bởi giá heo hơi giảm mạnh và kéo dài hơn so với dự kiến, với giá trung bình ở mức 30,000 đồng/kg. Do đó, doanh thu thuần của MNS giảm 23.5% trong năm 2017 xuống mức 18,690 tỷ đồng. Không những vậy, thị trường thức ăn chăn nuôi heo còn bị ảnh hưởng bởi hộ chăn nuôi chuyển sang sử dụng thức ăn chăn nuôi tự làm bởi họ ít quan tâm hơn về năng suất chăn nuôi. Trong giai đoạn này, Masan đã đầu tư hỗ trợ hộ chăn nuôi và nhà phân phối, đồng thời ra mắt dòng sản phẩm trung cấp Bio-zeem (Bio-zeem “Xanh”) để chiếm lĩnh lại thị trường sử dụng thức ăn chăn nuôi tự làm. Chính vì vậy, MNS đã đạt được thị phần 35% trong năm.
Ban điều hành dự kiến kết quả kinh doanh sẽ được cải thiện vào năm 2018 do sự phục hồi của giá thịt heo và hộ chăn nuôi đầu tư lớn cho chu kỳ chăn nuôi tiếp theo. Doanh thu thuần của MNS được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 7% lên mức 20,000 tỷ đồng trong năm 2018.
Masan Resources (MSR), giá của tất cả hàng hoá tăng cao cùng với việc tăng hiệu suất sản xuất đã giúp MSR đạt được kết quả kinh doanh kỷ lục. Lợi nhuận thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt mức 206 tỷ đồng. MSR đạt doanh thu thuần 5,405 tỷ đồng, tăng 33.5% trong năm 2017.
Ban điều hành ước tính doanh thu thuần trong năm 2018 sẽ đạt hơn 7,200 tỷ đồng và lợi nhuận đạt từ 25 triệu USD đến 30 triệu USD tuỳ thuộc tình hình giá cả hàng hoá. EBITDA năm 2018 dự kiến đạt từ 140 triệu USD đến 160 triệu USD. Lợi nhuận của Công ty có thể cao hơn nữa nếu giảm lãi suất vay và tối ưu công suất, và chế biến vonfram với nguồn tinh quặng vonfram bổ sung từ các bên thứ ba, điều này sẽ giúp tăng thị phần của MSR trong thị trường toàn cầu.
Triển vọng năm 2018
Ban điều hành MSN ước tính doanh thu thuần hợp nhất tăng trưởng khoảng 20% lên 45,150 tỷ đồng, với lợi nhuận thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số (đã loại trừ các khoản thu nhập/chi phí bất thường) tăng trưởng khoảng 57% lên 3,400 tỷ đồng trong năm 2018 so với năm 2017.
Lĩnh vực thực phẩm và đồ uống của Masan Consumer Holdings dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 20% do không ngừng phát triển các sản phẩm mới, tăng cường đầu tư vào xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối.
Masan Nutri-Science dự kiến tăng trưởng một chữ số khi giá thịt heo hồi phục vào quý 2/2018 và dòng sản phẩm thức ăn chăn nuôi Bio-zeem mở rộng đến tất cả phân khúc khách hàng trên thị trường. Quan trọng hơn, MNS dự kiến sẽ bán thịt mát (fresh chilled meat) có thương hiệu vào quý 4/2018.
Masan Resources dự kiến tăng trưởng hơn 30% do sản lượng các sản phẩm giá trị gia tăng từ vonfram cao hơn và giá vonfram tiếp tục tăng.
Thái Hương
Fili
|