Thứ Hai, 01/01/2018 10:03

Chào 2018: Khí thế mới từ phương châm 10 chữ

“Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” - phương châm mới của chính phủ buộc những người lãnh đạo phải cẩn trọng hơn trong lựa chọn, xem xét toàn diện vấn đề để đưa ra quyết định tốt nhất.

Năm 2017 kết thúc bằng hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, có sự tham gia và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư hôm 28-12-2017. Tại hội nghị có ý nghĩa quan trọng này, Thủ tướng đã đưa ra phương châm 10 chữ của Chính phủ trong năm 2018: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nói: “Đây là sự trăn trở của Thủ tướng về một thông điệp nhất quán, có thể trở thành chủ trương của Chính phủ. Lúc đầu, có tới khoảng 20 chữ được đề nghị nhưng cuối cùng Thủ tướng cân nhắc, xem xét và chọn 10 chữ như trên”.

Hết thời “đúng quy trình”

. Phóng viên: Phương châm 10 chữ lần này liệu có khắc phục được tình trạng “trên nóng dưới lạnh” mà đích thân Thủ tướng nhiều lần đề cập không, thưa ông?

TS Nguyễn Đình Cung.

+ TS Nguyễn Đình Cung: Phương châm này chính là thước đo kết quả hoạt động, trước tiên là của những người đứng đầu. Vì thế mục tiêu đầu tiên là để khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, nâng cao hiệu lực thực thi chính sách. Lựa chọn phương châm để triển khai là một vấn đề. Còn có khắc phục được hay không những tồn tại thì chúng ta phải chờ thời gian.

Nhưng có một điểm cần khẳng định: Quan điểm của Thủ tướng là lựa chọn phương châm càng ngắn càng tốt, càng rõ càng hay để cho mọi người dễ nhớ và hành động.

. Ai sẽ nhớ, ai sẽ hành động, thưa ông?

+ Quan chức, doanh nghiệp, người dân! Đặc biệt là người lãnh đạo. Phương châm này buộc họ phải thay đổi. Khi làm bất cứ điều gì, hành động gì người lãnh đạo cũng đều phải nghĩ tới liêm chính, hiệu quả, sáng tạo để thay đổi hành vi. Từ đó tạo ra một áp lực tự thân ngay trong chính bộ máy hành chính. Xã hội sẽ dựa vào đó để giám sát và đánh giá cả hệ thống theo phương châm đó.

Chúng ta thường nghe tới cụm từ “đúng quy trình” trong cả đầu tư và bổ nhiệm. Nhưng bây giờ lãnh đạo không thể nói “đúng quy trình” mà lại cho ra kết quả xấu. Khi một người đứng đầu thấy “đúng quy trình” mà lại có kết quả xấu thì phải hoài nghi ngay.

Họ chắc chắn phải tìm kiếm những giải pháp, cách thức hành động mới, nhất là ở cấp địa phương.

Phương châm mới của Chính phủ cho phép chúng ta hy vọng các địa phương, nhất là TP.HCM, sẽ sáng tạo hơn, từ đó đạt được hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Ảnh: HTD.

Sáng tạo để vượt lên chính mình

. Hội nghị trực tuyến của Chính phủ vừa rồi, ông thấy ý kiến các địa phương thế nào?

+ Vẫn còn tư duy xin-cho và thiếu những phát biểu về lợi thế, giải pháp của chính địa phương cũng như những đề nghị thẳng thắn về cách làm mới khơi dậy tiềm năng.

Dĩ nhiên, “xin” thì cũng không có gì xấu nhưng phải ý thức rằng tiềm lực của Nhà nước chỉ có thế, nếu Thủ tướng cho thêm một địa phương này thì địa phương khác đương nhiên mất phần. Còn như một nguyên lý chung, Thủ tướng sẽ phân bổ nguồn lực vào nơi có hiệu quả nhất chứ không phải vào nơi kêu ca nhiều nhất.

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng nhấn mạnh chữ “sáng tạo” để khắc phục các điểm yếu, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh của từng ngành, từng địa phương. Bởi chỉ có như thế thì các địa phương mới đạt được mục tiêu cao nhất bằng chi phí thấp nhất.

. Ông có cho rằng phương châm mới của Chính phủ sẽ làm những người lãnh đạo chủ động, sáng tạo và bớt vô cảm hơn không?

+ Phương châm mới buộc những người lãnh đạo phải cẩn trọng hơn trong lựa chọn, xem xét toàn diện vấn đề trong phạm vi thẩm quyền, hiểu biết để đưa ra quyết định tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại. Điều này cũng tránh tình trạng các quyết định được ban hành ào ào, bất chấp nguyên tắc trung thực, cẩn trọng và hiệu quả. Quyền lực công hay quyền lực tư cũng phải hành động theo cách thức này.

Điều này cũng giúp việc tuyển dụng cán bộ, công chức tránh được tình trạng “hậu duệ, quan hệ, đồ đệ, tiền tệ” và những quy tắc đạo đức công vụ không bị phá vỡ, mọi giá trị phổ quát về đạo đức sẽ được bảo toàn, chuẩn mực đạo đức sẽ được giữ gìn.

Có thể lâu nay những người lãnh đạo đã quen làm việc theo những chỉ đạo từ cấp trên. Vì vậy, phương châm “sáng tạo” mà Thủ tướng đặt ra sẽ là một thách thức nhưng cũng là một động lực khuyến khích những ý tưởng mới, cách làm khác.

Chúng ta biết rằng các lãnh đạo ở trung ương và địa phương đều là những người có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản. 10 chữ này chắc chắn sẽ luôn thường trực 24/24 giờ trong tư duy của các lãnh đạo và sẽ thấm dần xuống cấp dưới. Những ai không hòa chung không khí cải cách, thì như Thủ tướng nói, sẽ bị loại ra.

Hãy sáng tạo và sáng tạo hơn nữa

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC.

Nhận trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, chúng ta quyết tâm cùng nhau: Siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ.

Hãy hành động và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ, đã nói là làm và làm ngay. Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực và thiếu nhiệt huyết, thiếu trách nhiệm cần được thay thế.

Hãy sáng tạo và sáng tạo hơn nữa,hiệu quảhơn nữa trong thực thi nhiệm vụ, luôn tìm ra giải pháp tốt, tối ưu để đáp ứng yêu cầu năng động và cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh mới với công nghệ liên tục thay đổi; phải làm sao để sử dụng nguồn lực của dân ít nhất nhưng đem lại hiệu quả phục vụ nhân dân tốt nhất.

Hy vọng có một khí thế mới

. Nhưng để loại một người ra khỏi hệ thống là rất khó khăn?

+ Không phải vậy, quy trình khó khăn hay không là do mình quan niệm. Một bộ trưởng chẳng lẽ không đủ thẩm quyền thay thế một cán bộ không chịu cải cách, không thực hiện chủ trương chung của Đảng, Chính phủ?

Cái gốc là bổ nhiệm. Nếu chúng ta vẫn bổ nhiệm theo kiểu thân tín thì rất khó. Nhưng nếu bổ nhiệm theo hiệu quả công việc thì lại rất dễ. Đây không phải là vấn đề kỷ luật mà là thay thế, tìm một người khác tốt hơn để đạt hiệu quả cao hơn.

. Vậy ông kỳ vọng gì vào năm 2018 sau khi Chính phủ có thông điệp 10 chữ?

+ Hy vọng có một khí thế mới, hệ thống chuyển động nhanh hơn, cải cách quy mô rộng lớn hơn, nhất quán hơn và hành vi ứng xử của những người đứng đầu sẽ thay đổi nhanh chóng hơn.

Các bộ trưởng hiện nay rõ ràng đang thay đổi nhận thức so với đầu nhiệm kỳ theo hướng tích cực hơn. Chúng ta thấy điều đó qua những dự thảo cải cách về thủ tục hành chính, các dự luật chuyên ngành của các bộ. Có những bộ trước đây là “thành trì bất khả xâm phạm” thì nay đang dự thảo cắt giảm điều kiện kinh doanh theo hướng chỉ còn giữ lại 15% điều kiện tối cần thiết.

Chúng ta cũng hy vọng rằng các địa phương sẽ sáng tạo hơn, từ đó đạt được hiệu quả cao hơn và những hành động sẽ bảo đảm được tính liêm chính. Kỷ cương từ đó có nền tảng vững chắc để thực thi.

Tôi rất kỳ vọng năm 2018 có những địa phương không cần “xin” Chính phủ gì cả mà sẽ đề xuất Chính phủ khuyến khích, ủng hộ những sáng kiến của mình để thực hiện tư duy mới, không chỉ là làm theo chỉ đạo.

. Xin cám ơn ông.

CHÂN LUẬN

PLO

Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần 02-05/01/2018: Dòng tiền sẽ hướng về bluechips hoặc đầu ngành (01/01/2018)

>   Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán: 'Đừng mơ thành tỷ phú sau một đêm'   (29/12/2017)

>   Góc nhìn 29/12: Giữ sắc xanh trong phiên cuối năm? (28/12/2017)

>   Góc nhìn 28/12: Hồi phục khá vững chắc (27/12/2017)

>   Góc nhìn 27/12: Tích lũy đi ngang? (26/12/2017)

>   Nên “sắm” cổ phiếu nào cho năm 2018? (25/12/2017)

>   Góc nhìn tuần 25/12-29/12: Mục tiêu là vùng kháng cự mạnh 960-970 (24/12/2017)

>   Góc nhìn 22/12: Hồi phục? (21/12/2017)

>   Góc nhìn 21/12: Dần vượt qua sóng điều chỉnh mạnh (20/12/2017)

>   Góc nhìn 20/12: Nhanh chóng tăng trở lại? (19/12/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật