Thứ Tư, 10/01/2018 22:02

Bong bóng tài sản: lần này sẽ khác?

Lần này sẽ khác là tựa đề cuốn sách nổi tiếng xuất bản năm 2009 về khủng hoảng kinh tế của hai giáo sư kinh tế nổi tiếng Reinhart và Rogoff. Đây có lẽ cũng là cụm từ đắt nhất với các nhà đầu tư trên thế giới và cả Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt không hẳn đã là một tín hiệu hoàn toàn tốt, đặc biệt khi những quốc gia xuất khẩu tư bản lớn vào Việt Nam cũng đang đứng trước những rủi ro đổ vỡ kinh tế. Ảnh: THÀNH HOA

Trong lịch sử của mỗi nền kinh tế, chu kỳ bùng nổ, bong bóng rồi khủng hoảng được diễn ra, lặp lại nhiều lần. “Lần này sẽ khác” đã luôn là lập luận được nhắc lại trước mỗi lần khủng khoảng để tạo niềm tin rằng các bài học kinh nghiệm trong quá khứ sẽ không đúng trong hoàn cảnh hiện tại và thị trường sẽ không suy thoái như đã từng xảy ra.

Bong bóng mọi nơi

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 đã làm thay đổi căn bản cung cách điều hành chính sách tiền tệ tại nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới. Chính sách nới lỏng tiền tệ quá mức để thúc đẩy việc làm và tăng trưởng đã khiến dòng vốn tràn ngập khắp nơi để tìm kiếm lợi nhuận, kể cả những nơi rủi ro nhất là những bong bóng đầu cơ vô tiền khoáng hậu như bitcoin và các đồng tiền số khác. Và khi sự lạc quan trở nên thái quá, một chu kỳ khủng hoảng mới có thể bắt đầu.

Cuộc đấu giá tranh trong tháng 11-2017 về nghệ thuật đương đại tại New York, Mỹ đã gây ngỡ ngàng khi một trong số những bức tranh của Leonardo da Vinci đã được bán với mức giá 450 triệu đô la Mỹ, gấp 4 lần mức giá ước tính và 3,5 lần mức giá chuyển nhượng gần nhất vào năm 2013. Đây cũng là số tiền lớn nhất từ trước đến nay được trả cho một tác phẩm nghệ thuật. Nó gấp 1,5 lần giá trị bức tranh đứng ở vị trí thứ hai cũng mới được giao dịch gần đây, vào năm 2015. Tuy nhiên ở một góc cạnh khác, sự tăng giá của các tác phẩm nghệ thuật khiến giới phân tích lo ngại về sự dễ dãi quá mức của dòng vốn và nguy cơ một bong bóng tài sản rộng khắp mang tính toàn cầu.

Gần hơn với Việt Nam, giá bất động sản ở Trung Quốc tăng nhanh một cách đáng ngạc nhiên và điều thậm chí còn gây ngạc nhiên hơn nữa là vẫn chưa có sự đổ vỡ lớn nào xảy ra cho tới nay. Theo tính toán của một nhóm chuyên gia đến từ Đại học Wharton (Mỹ), Thanh Hoa (Trung Quốc) và Đại học Quốc gia Singapore, giá đất trung bình tại 35 thành phố lớn của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong bốn năm gần đây. Riêng trong nửa đầu năm 2017, giá đất đã tăng 25%.

Là một nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc đặc biệt vào dòng vốn đầu tư từ các nền kinh tế trong khu vực, Việt Nam sẽ là một trong số những nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên và mạnh nhất nếu những nền kinh tế này gặp trục trặc.

Thị trường chứng khoán như mọi lần không nằm ngoài xu hướng tăng giá đang diễn ra. Sự tăng giá nhanh, đặc biệt trong hai năm trở lại đây, có thể quan sát thấy ở hầu hết các thị trường chứng khoán khu vực. Các thị trường chứng khoán Nhật Bản, Hồng Kông hay Hàn Quốc cũng đều đang đạt mức đỉnh trong nhiều năm trở lại đây. Thị trường Trung Quốc là một ngoại lệ khi tăng nóng và đạt đỉnh vào giữa năm 2015 sau đó giảm mạnh do các biện pháp kiểm soát của chính phủ nước này. Dù vậy thị trường này cũng đã lấy lại được đà tăng khoảng 6% trong năm 2017.

Tuy nhiên, điều làm mọi người sửng sốt nhất là sự tăng trưởng dựng đứng về giá của đồng tiền số bitcoin. Giá giao dịch của đồng tiền số này đã tăng khoảng 17 lần trong năm 2017 và 64 lần trong ba năm gần đây, một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử tài chính và vượt xa so với tốc độ tăng giá của bong bóng hoa tulip vào thế kỷ 17. Ăn theo hiện tượng bitcoin, khoảng gần 1.400 đồng tiền số khác đã được ra đời cho tới thời điểm hiện tại và số lượng đang tiếp tục tăng lên. Nếu như các bong bóng đầu cơ trước đây thường chỉ diễn ra trong một phạm vi địa lý nhất định với số lượng người tham gia hạn chế, giao dịch tiền số ở phạm vi toàn cầu với số lượng người tham gia rất lớn. Điều này giúp cho những người tham gia càng tin rằng lần này họ sẽ là người thắng khi không phải là những người cuối cùng rút ra. Chúng ta hãy chờ xem chuyện gì sẽ xảy đến, có thể là chỉ trong thời gian gần, vì trong vòng một tháng qua, giá trị của đồng bitcoin giao động lên, xuống với biên độ cực lớn.

Nếu như đồng tiền số bitcoin vốn được ví như “vàng ảo” tăng giá với tốc độ chóng mặt thì vàng vật chất lại đang ở vùng giá thấp hơn 25% so với bốn năm trước. Vốn được coi là kênh đầu tư phòng ngừa rủi ro truyền thống, vàng xuống giá là một điều dễ hiểu với tâm lý đầy lạc quan hiện nay của các nhà đầu tư.

Bất động sản - điểm nhạy của Việt Nam

Bất động sản luôn là một kênh đầu tư ưa thích đặc biệt ở Việt Nam với niềm tin phổ biến về xu hướng giá trị đi lên trong dài hạn. Đây cũng là một trong những kênh đầu tư an toàn với một khung khổ pháp lý chặt chẽ được Nhà nước bảo vệ. Mặc dù thực tế diễn biến của thị trường trong vài thập kỷ bước sang nền kinh tế thị trường đến nay chứng minh xu hướng giá trị đi lên của bất động sản là đúng trong phần lớn các trường hợp, sự phát triển quá nóng rồi thoái trào cũng để lại không ít các tổn thất cho nhà đầu tư. Sự tăng trưởng phi mã của cặp đôi bất động sản và chứng khoán trước khi lao dốc và tạo ra cuộc khủng hoảng mười năm trước tưởng như vẫn còn nóng hổi.

Thị trường căn hộ tại TPHCM và Hà Nội bắt đầu hồi phục từ năm 2015, sớm hơn hầu hết các dự báo khi đó. Trong khi những lo ngại về nợ xấu ngân hàng, tăng trưởng kinh tế chậm lại hay nợ công tăng cao vẫn là những nét chủ đạo trong hầu hết các phân tích kinh tế, số lượng căn hộ được bán ra không ngừng tăng. Hiện nay TPHCM và Hà Nội là hai thị trường căn hộ lớn nhất khu vực Đông Nam Á nếu tính về số lượng tiêu thụ trong khi chỉ bốn năm trước nó còn ở trong đáy khủng hoảng. Không chỉ việc dự báo về chu kỳ suy thoái, bản thân việc nhận định thời điểm và xu hướng hồi phục của thị trường cũng là một việc đầy bất trắc với các nhà kinh tế.

Số lượng căn hộ tăng đột biến đang đặt ra một dấu hỏi lớn về đối tượng mua nhà thực sự là ai. Những người có nhu cầu thực sự về nhà ở có thể chiếm một tỷ lệ nào đó trong số người mua, tuy nhiên thật khó để giải thích tại sao những đối tượng này lại có nhu cầu tăng vọt trong hai, ba năm trở lại đây. Có lẽ sẽ phải có một tỷ lệ đáng kể những người mua đầu tư để giải thích hợp lý cho sự nhảy vọt về nguồn cầu.

Tuy nhiên, khi lợi suất cho thuê nhà đang tụt lại phía sau so với mặt bằng lãi suất huy động, niềm tin của người mua về xu hướng tăng giá bất động sản trong tương lai sẽ là yếu tố quyết định. Và như mọi bong bóng đầu cơ khác, những người tham gia đều tin rằng sản phẩm mình mua sẽ tăng giá trước và mình sẽ kịp rút khỏi thị trường. Xì căng đan công ty địa ốc có tên Alibaba đã bán nền đất ở ngoại thành TPHCM cho vài trăm nhà đầu tư khi còn chưa làm xong công tác đền bù, giải tỏa là hiện tượng mang tính cảnh báo. Việc mua bán bất động sản với giấy tờ pháp lý không rõ ràng đã từng xuất hiện rất nhiều trong những cơn sốt bất động sản trước đây. Thật ra các nhà đầu tư không dễ bị lừa, dù chỉ là một số tiền nhỏ. Chỉ có niềm tin vào sự tăng giá nhanh chóng của tài sản mới đủ khả năng dẫn dắt họ đến những quyết định đầu tư rủi ro.

Hiện tượng nhà đất tăng giá nhanh chóng ở các địa phương được ghi nhận khá nhiều trong năm 2017. Điều này sẽ hợp lý nếu đi kèm với sự chuyển biến của các yếu tố nền tảng như dân số, thu nhập, kinh tế, hạ tầng giao thông... Tuy nhiên hai điều này lại không ăn nhập với nhau trong hầu hết các trường hợp khiến cho những lo ngại về việc bong bong tài sản rất có thể sẽ trở thành một hiện tượng của cả nền kinh tế, không chỉ giới hạn ở phạm vi các đô thị lớn.

Sự tăng trưởng bùng nổ của tín dụng mua nhà trong giai đoạn này cũng làm ta nhớ lại về nguồn gốc đổ vỡ từ cho vay mua nhà dưới chuẩn ở Mỹ, kích hoạt cho khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng tiêu dùng đã tăng đến 59% chỉ trong 11 tháng của năm 2017 mà phần lớn là phục vụ cho vay mua nhà. Khả năng của các ngân hàng trong việc quản trị rủi ro, mục đích vay vốn và đặc biệt là năng lực trả nợ của người đi vay trong giai đoạn bùng nổ tín dụng cá nhân hiện nay là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Việc sử dụng vốn vay ngân hàng để lướt sóng căn hộ nếu không được kiểm soát tốt sẽ tạo rủi ro rất lớn tiềm ẩn cho cả thị trường bất động sản và hệ thống tín dụng.

Lời kết

Theo Reinhart và Rogoff, hai tác giả của cuốn sách Lần này sẽ khác nói trên đồng thời cũng là những giáo sư kinh tế hàng đầu thế giới, lịch sử các cuộc khủng hoảng trong hai thế kỷ qua thường lặp lại với những tín hiệu giống nhau. Dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt không hẳn đã là một tín hiệu hoàn toàn tốt, đặc biệt khi những quốc gia xuất khẩu tư bản lớn vào Việt Nam cũng đang đứng trước những rủi ro đổ vỡ kinh tế. Chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức để thúc đẩy tăng trưởng đang lặp lại những gì đã diễn ra ở chu kỳ khủng hoảng trước. Sự nới lỏng tín dụng và lãi suất thấp có thể chỉ giúp thổi to bong bóng đầu cơ tài sản.

Ngoại lệ mang tên Trung Quốc liệu có duy trì? Và với Việt Nam, lần này có khác?

Phạm Văn Đại

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Đầu tư công: Không thể lấy tiền chỗ nọ đắp vào chỗ kia (10/01/2018)

>   Khẩn trương hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành du lịch (10/01/2018)

>   Hà Nội cấm đường Uber, Grab như taxi truyền thống (11/01/2018)

>   Lãnh đạo TP.HCM: "Có nhóm lợi ích trong việc chiếm dụng vỉa hè" (10/01/2018)

>   Triệu tập điều tra viên nói ông Trịnh Xuân Thanh 'không thành khẩn' (10/01/2018)

>   Vinafood 1 có vốn điều lệ 4,359 tỷ đồng (10/01/2018)

>   Bí thư Đà Nẵng: Cần giữ chặt đất công, không nóng vội (10/01/2018)

>   Không ít đơn vị chống đối Kiểm toán Nhà nước (10/01/2018)

>   Căng thẳng tăng nhiệt tại BOT Sóc Trăng (10/01/2018)

>   Yêu cầu lập đề án thống kê "kinh tế ngầm" (10/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật