Bãi biển Đà Nẵng: chuyện gì đang xảy ra?
Bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng - một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh theo bình chọn của tạp chí Forbes - đang bị lún, lở xâm thực nghiêm trọng. Hoạt động xây dựng và khai thác nước ngầm ồ ạt các khu vực ven biển đã phải trả giá.
Mất bờ cát, sóng đánh sập bờ kè một cơ sở lưu trú ở biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
|
Lún, lở xâm thực nghiêm trọng. Sóng biển táp vào bờ, gặm nham nhở các khu vực nhà hàng ven biển với tốc độ đáng quan ngại, có nơi lấn sâu đến 15m so với trước đó.
Ăn sâu vào bờ 15m...
Nước thải qua cống cũng gây hại
Theo TS Quách Thị Xuân, từ năm 2016 khu vực bãi biển Mỹ Khê có tỉ lệ bêtông hóa ước tính khoảng 95% nên phần lớn lượng nước không thấm xuống đất mà theo cống thải chảy tràn ra biển.
Lượng nước mưa chảy qua cửa xả đã tăng bất thường trong thời gian ngắn kéo theo một lượng cát bãi biển rất lớn tại khu vực cửa xả và tạo thành các đường cắt dòng vận chuyển cát ven bờ, "kèm theo việc gây mất cân bằng cát cục bộ có thể góp phần gây ra hiện tượng xói lở bãi biển" - TS Xuân nhận định.
|
Hiện tượng nước biển xâm thực nghiêm trọng vào bờ dọc đường Võ Nguyên Giáp bắt đầu xảy ra vào cuối năm 2016. Khu vực bị xâm thực nặng nhất kéo dài từ bãi tắm T20 đến bãi tắm Sao Biển. Đặc biệt từ tháng
11-2017 đến nay sóng biển bắt đầu nuốt bờ cát, ăn vào luôn khu vực nền móng các nhà hàng khiến chính quyền phải căng dây cảnh báo nguy hiểm ở các khu vực này.
Khu vực bờ biển trước khách sạn Holiday Beach trước đây rộng và trải dài. Giờ thay vào đó là hàm ếch do sóng biển gây ra. Những khu nhà tắm nước ngọt trên bãi biển bị sóng đánh trơ cả móng. Nặng nhất là chuỗi nhà hàng ven biển bị sóng đánh sụt móng nền.
Chị Võ Thủy Tiên, quản lý nhà hàng The Village Beach, cho biết từ tháng 11 đến nay nước biển đã ăn sâu vào bờ hơn 15m. Vừa qua chủ đất đã phải đổ hàng trăm mét khối đá lớn giữ lại móng nền tại khu vực này.
"Trước đây từ nhà hàng ra tới mép nước chúng tôi để bàn ghế tổ chức tiệc đêm và đám cưới trên bờ. Giờ thì mất luôn khu vực này. Có những thời điểm sóng lớn đánh vào chân móng nhà hàng, nước bay tung tóe gây hư hỏng đồ điện tử và gây khó khăn cho việc kinh doanh" - chị Thủy Tiên cho biết.
Hiện nay khu vực bị nặng nhất là vệt công trình nằm trong dự án đối diện ngã ba Phan Tứ - Võ Nguyên Giáp. Toàn bộ phần móng dài khoảng 200m bị đánh sập nhiều phần, phải cấm du khách qua lại.
Sơ đồ mặt cắt một tầng chứa nước dưới đất ven biển ở trạng thái chưa (không) bị bơm lên - Đồ họa: TẤN ĐẠT - Nguồn: TS NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG
|
Không phải sạt lở bình thường
Theo TS Nguyễn Thị Minh Phương - trưởng khoa môi trường và công nghệ hóa (ĐH Duy Tân), đây không phải là hiện tượng bình thường theo kiểu "xâm thực theo mùa" mà là sự "lâm nguy thực sự" cho bờ biển khu vực này, do hoạt động của con người.
TS Phương cho biết nhóm nghiên cứu của bà đã tiến hành một số khảo sát về đoạn bờ biển bị xâm thực này. Kết quả cho thấy khu vực sạt lở trùng hoàn toàn với khu vực có sự khai thác nước ngầm ngay dưới nền móng các công trình cao tầng. Lượng nước ngầm bị lấy đi rất lớn, lên tới hàng ngàn mét khối/ngày đêm.
Theo TS Minh Phương, rất có thể có mối liên hệ giữa sự xâm thực của biển với việc rất nhiều công trình xây dựng ven biển đã khai thác quá mức nước ngầm trong thời gian ngắn, dẫn đến yếu tầng nền, sụp lún cục bộ.
Điều này kết hợp đồng thời với các yếu tố tự nhiên như sóng, dòng rip (dòng chảy ngầm cuộn ra khi sóng đánh vào bờ) theo mùa... dẫn đến sạt lở đường bờ.
TS Minh Phương giải thích: Chỉ trong một thời gian ngắn, dọc dải đất ven biển này diễn ra các hoạt động xây dựng rầm rộ.
Khi xây dựng, các khách sạn cao tầng đều lấy đi lượng nước ngầm rất lớn và xả trực tiếp ra cống xả chứ không trả lại cho khu vực. Nước ngầm bị mất kết hợp với bề mặt đất tại khu vực bị bêtông hóa dẫn đến tầng nước ngầm bị cạn kiệt không thể phục hồi.
Theo bà, khi bơm nước ngầm đến một mức độ nào đó, mặt nước ngầm bị hạ xuống, tạo thành các nón trũng. Các hạt vật chất trong tầng chứa nước sẽ có xu hướng dạt về phía giếng bơm, giao diện giữa hai khối nước ngọt và mặn ven biển mỏng đi, tầng nền đồng thời yếu đi và thụt xuống.
Vị trí sụt lún nằm sát biển tạo điều kiện thuận lợi cho tác động của sóng, dòng chảy tăng lên, gây sạt lở (đồ họa).
Hậu quả của việc làm cạn kiệt nguồn nước ngầm ven biển, theo TS Phương, là vô cùng nặng nề. Nó không chỉ là yếu tố khởi động cho quá trình sạt lở diễn ra mà còn gây nên hiện tượng xâm nhập mặn làm hủy hoại tầng nước ngầm của khu vực.
"Theo nguyên lý Gyben - Herzberg, nước biển có thể dâng lên đến 40m cho mỗi mét nước ngọt bị hạ xuống và tạo nên cấu trúc nước mặn hình nón nâng. Các khảo sát của nhóm nghiên cứu tại các điểm xả bỏ nước từ móng xây dựng cho thấy tại nhiều vị trí, nước mặn đã dâng lên thay thế cho nước ngọt chỉ trong một thời gian rất ngắn" - bà nói.
Nếu các hoạt động làm cạn kiệt nước ngầm tại khu vực này vẫn tiếp tục xảy ra một cách tràn lan mà không có biện pháp bù đắp, khôi phục sẽ gây mất trạng thái cân bằng động của tự nhiên.
TS Phương cảnh báo: "Lúc này tự nhiên sẽ tiếp tục điều chỉnh để đạt trạng thái cân bằng mới, vì thế khả năng biển sẽ tiếp tục bị xâm thực do bị sụt lún kết hợp với hoạt động của sóng và dòng chảy theo mùa".
TS Quách Thị Xuân, giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế & xã hội Đà Nẵng, cũng cho rằng việc lở bờ biển "không hoàn toàn là hiện tượng tự nhiên".
Bà cho rằng hiện tượng bất thường này có thể là do chịu sự tác động từ hiện tượng bêtông hóa một cách quá mức tại khu vực này.
Sơ đồ thể hiện sự thay đổi trong mặt cắt một tầng chứa nước khu vực ven biển, nơi nước ngầm bị bơm lênĐồ họa: TẤN ĐẠT - Nguồn: TS NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG
|
20 khách sạn xài nước thủy cục chỉ bằng... 1 hộ dân!
Tình trạng khai thác nước ngầm tại khu vực ven biển Đà Nẵng diễn ra ở hai hình thức: khai thác nước ngầm để sinh hoạt và xả thải nước ngầm trực tiếp ra biển trong quá trình xây dựng công trình.
Cuối năm 2015, Chi nhánh cấp nước Sơn Trà từng phản ánh: hơn 20 khách sạn hạng sang trong khu vực chỉ sử dụng nước thủy cục chỉ bằng... một hộ dân. Tức họ chỉ dùng nước ngầm (!).
Mới đây vào tháng 8-2017, thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng đã xử phạt 6 triệu đồng với Công ty TMS Hotel Đà Nẵng do xả nước thải của công trình xây dựng vào hệ thống thoát nước công cộng ra biển, làm gián đoạn dòng lưu chuyển bùn cát gây sạt lở bờ biển.
|
TRƯỜNG TRUNG
Tuổi trẻ
|