VMC: Hơn 60% vốn được bán ra khi giá lập đỉnh, “con cưng” một thời của Vinaconex có còn hấp dẫn?
Từng là đơn vị đóng góp phần lớn doanh thu cho Vinaconex (VCG), song mới đây ông lớn ngành xây dựng này đã đánh tiếng thoái sạch 51% vốn góp tại đứa “con cưng” CTCP Vimeco (HNX: VMC).
Giá từng bước hồi phục, cổ đông lũ lượt thoái vốn!
Theo chủ trương của Vinaconex, ngày 26/05/2017, Tổng Công ty chính thức công bố sẽ chuyển nhượng toàn bộ 51% vốn tại VMC. Giao dịch dự kiến kết thúc vào ngày 27/06 năm nay, tuy nhiên đến nay Tổng Công ty vẫn chưa hoàn tất thương vụ này do giá bán chưa được xác định hợp lý.
Trên thị trường, cổ phiếu VMC quay đầu tăng trở lại sau đà giảm ngắn hạn, hiện đang giao dịch tại mức đỉnh 2017 là 52,200 đồng/cp, so với mức giá đầu năm 30,367 đồng/cp, cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng xấp xỉ 72%. Như vậy, trải qua nhiều biến động, VMC đang đạt mức đỉnh cao nhất sau gần 12 năm chinh chiến.
Giao dịch cổ phiếu VMC từ lúc niêm yết đến nay
Giá điều chỉnh.
|
Và nắm bắt đà tăng này, nhiều cá nhân nội bộ cùng hai cổ đông lớn bên ngoài là Trần Quang và Trần Quang Huy vội vã chốt lời. Theo thống kê hơn 10 tháng đầu năm, lượng cổ phiếu VMC được đăng ký bán và bán ra đạt hơn 6 triệu đơn vị, tương đương 63.4% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Có thể thấy rằng, đối với những cổ đông lớn, việc bán ra tại thời điểm này mang về những khoản lợi nhuận khá hấp dẫn!
Giao dịch cổ phiếu VMC từ đầu năm 2017 đến nay
Trong đó, đáng chú ý có động thái của hai cổ đông lớn Quang và Huy, hai cá nhân này chỉ vừa mua vào lần lượt 17.96% và 13.48% vốn VMC cuối năm 2016. Thời điểm ông Quang và ông Huy trở thành cổ đông lớn của VMC cũng chính là lúc Công ty An Quý Hưng thoái hết 30.97% vốn. Lúc bấy giờ, giá cổ phiếu VMC đang giao dịch ở mức 33,000 đồng/cp. Như vậy, khả năng ông Quang và ông Huy đã phải chi ra khoảng 59 tỷ và 44 tỷ đồng để nắm giữ lượng cổ phiếu trên.
Và hôm nay, khi cổ phiếu đang trên đà lập đỉnh, thương vụ thoái vốn đã mang về cho hai cá nhân trên một khoản lời tương đối khá khẩm. Đối với ông Huy, thời gian ông Huy giao dịch bán ra cổ phiếu, thị giá VMC dao động từ 36,000-40,000 đồng/cp. Theo ước tính, ông Huy ghi nhận mức lời từ 11-26 tỷ đồng. Hiện ông Huy vẫn còn nắm giữ 760,866 cổ phiếu VMC, tương đương 7.61% vốn. Còn với ông Quang, hai giao dịch bán hết gần 2 triệu cổ phiếu VMC diễn ra trong 2 ngày 15-16/11 ước mang về những 37 tỷ đồng tiền lời.
Chốt lời là câu chuyện của cổ đông, còn đối với VMC ở thời điểm hiện tại, liệu rằng đà tăng giá này là sự phản ánh nội lực doanh nghiệp hay chỉ là một phút thăng hoa chóng vánh? Và hơn 60% vốn được bán ra chỉ sau 10 tháng, liệu rằng VMC có còn hấp dẫn?
Từng là quán quân doanh thu trong họ Vinaconex
Tiền thân là Xí nghiệp thi công cơ giới thuộc Tổng Công ty Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG), VMC được thành lập theo Quyết định số 179/BXD-TCLĐ ngày 24/03/1997 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại các đơn vị thành viên.
Những năm về trước, trong cơ cấu doanh thu công ty con của Vinaconex, VMC luôn là ngôi sao sáng đóng góp phần lớn nguồn thu cho công ty mẹ. Riêng năm 2005, mặc dù vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 35 tỷ đồng, song con số doanh thu ghi nhận tại Vinaconex đạt hơn 303 tỷ đồng, tương đương 27% tổng doanh thu công ty mẹ.
Cùng với đó, biểu đồ kết quả kinh doanh của VMC giai đoạn 2013-2016 khá đẹp mắt, khi mà chỉ tiêu doanh thu tăng dần với tốc độ đi lên tương đối cao, trung bình đạt 25%; lãi ròng tương ứng ghi nhận con số tăng trưởng hơn 48%. Trong cơ cấu doanh thu của VMC, hoạt động xây lắp và kinh doanh vật liệu xây dựng (bê tông và đá xây dựng) chiếm tỷ trọng lớn nhất. Song, cần nói thêm là phần việc do VCG giao thầu đóng vai trò quan trọng cho VMC, (chiếm 48% cơ cấu doanh thu xây lắp năm 2016).
Đối với doanh nghiệp xây lắp, chi phí thường chiếm tỷ trọng tương đối cao trong tổng nguồn thu. Còn với VMC thì chịu thêm áp lực từ chi phí lãi vay, khi mà tổng nợ vay của Công ty ngày càng đột biến. Do đó mà biên lợi nhuận VMC hàng năm không cao, chỉ quanh 2%.
Biến động tổng nợ vay và chi phí lãi vay VMC giai đoạn 2013-9T2017
Tính đến ngày 30/09/2017, VMC ghi nhận tổng nợ 2,114 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên hơn 2,000 tỷ. Đáng chú ý, hai khoản mục trọng yếu trong tổng nợ ngắn hạn Công ty nằm tại người mua trả tiền trước và vay vốn ngân hàng, lần lượt ghi nhận 1,135 tỷ và 442 tỷ đồng. Trong khi tổng vốn hiện tại của Công ty hiện đạt 100 tỷ, tức nợ đã gấp 21 lần vốn.
Cũng cần lưu ý rằng, hiện Công ty đang có hơn 104 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, cùng 348 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, chủ yếu được VMC gửi tại các ngân hàng để nhận lãi.
Dự án CT4 sẽ tạo đột biến cho năm 2018?
Được biết, tổng nợ Công ty đã vượt mốc 1,000 tỷ đồng từ những năm 2014-2015 khi VMC quyết định tái khởi động dự án CT4 sau lần huy động vốn bất thành năm 2011. Đến nay, tổng khoản nợ ngắn hạn trên của VMC vẫn đều ghi nhận xoay quanh dự án CT4, đây là dự án bất động sản duy nhất của Công ty tính đến thời điểm hiện tại.
Trong lĩnh vực bất động sản, trước đó VMC có đầu tư xây dựng dự án ĐTXD và Kinh doanh hạ tầng khu đô thị Cao Xanh-Hà Khánh D, phường Hà Khánh, Tp.Hạ Long. Tuy nhiên, do vi phạm Luật đất đai nên đầu năm 2013, khu đất có diện tích 646,080 m2 được dùng để phát triển dự án đã bị thu hồi theo kết luận thanh tra của Đoàn thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo thông tin từ Báo cáo thường niên 2016, VMC cho biết giá trị đã đầu tư ước tính đạt 31.3 tỷ đồng, dự kiến quý 2/2017 sẽ thu hồi được số tiền trên.
|
Về CT4, dự án có tổng quy mô 5,672 m2, gồm 39 tầng với 342 căn hộ (290 căn hộ thường và 52 căn hộ penthouse), mật độ xây dựng vào khoảng 40%. Dự án được duyệt đầu tư vào năm 2011, theo đó VMC đã lên kế hoạch huy động vốn thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn thêm 130 tỷ đồng, lên mức 195 tỷ đồng. Phần vốn tăng thêm này được dùng làm vốn đối ứng, cùng với việc vay ngân hàng. Thế nhưng, kế hoạch phát hành cổ phiếu đã không thực hiện được, khiến dự án nằm trong tình trạng cỏ mọc hoang dại.
Giữa năm 2013, khi xuất hiện cổ đông lớn là An Quý Hưng thì dự án CT4 có hy vọng được hồi sinh trở lại. Theo thông tin công bố, dự án CT4 vẫn cao 39 tầng, có 400 căn hộ nhưng, quy mô vốn dự án lại giảm một nửa, chỉ còn 1,226 tỷ đồng (tổng vốn ban đầu là 2,169 tỷ đồng). Và để huy động vốn thực hiện dự án này, ĐHĐCĐ 2014 Công ty tiếp tục thông qua phương án phát hành 3.5 triệu cổ phiếu với giá 10,000 đồng, đối tượng chào bán chỉ có hai cổ đông là Vinaconex và An Quý Hưng. Cùng với đó, Công ty cũng sốt sắng vay nợ ngân hàng, đẩy tổng nợ năm 2015 tăng mạnh vượt 1,000 tỷ đồng.
Phối cảnh dự án CT4
Trong tổng giá trị tài sản ngắn hạn của VMC, giá trị hàng tồn kho chiếm tỷ trọng khoảng 50%, trong đó phát sinh từ dự án CT4 khoảng 650 tỷ đồng. Tuy nhiên, có một điểm sáng trên bảng cân đối kế toán VMC tại ngày 30/06/2017, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn ghi nhận hơn 1,090 tỷ đồng, trong đó tiền nhận trước ngắn hạn (thời điểm cuối năm 2016 còn hạch toán ở người mua trả tiền trước dài hạn) đối với căn hộ bán ra thuộc dự án CT4 hơn 960 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc VMC sử dụng nguồn vốn từ người mua trả tiền trước để tài trợ cho dự án CT4.
Theo thông tin từ website VMC, dự án CT4 dự kiến hoàn thành thi công vào tháng 4/2018. Và nếu đúng như kế hoạch này, VMC sẽ phát sinh thêm một khoảng doanh thu lớn từ dự án CT4 ngay trong năm 2018.
Hiếu Nguyễn
FiLi
|