Tỷ lệ nghỉ việc tại TPHCM cao hơn từ trên 10% đến vài chục phần trăm, doanh nghiệp nên làm gì?
Nếu như tỷ lệ nghỉ việc tại một doanh nghiệp (turnover rate) ổn định ở mức 4-6% là phù hợp thì con số này ở nhiều công ty tại TPHCM hiện nay cao hơn từ trên 10% lên đến vài chục phần trăm.
Đây là nội dung khảo sát của Trung tâm Dự báo Nguồn Nhân lực về thông tin thị trường lao động TPHCM được đề cập tại Tọa đàm “Làm sao để bình yên trước biến động nhân sự” tổ chức sáng ngày 14/12/2017.
Theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội, hiện tượng dịch chuyển lao động tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2017 diễn ra chủ yếu ở 3 nhóm ngành kinh tế chính là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng lao động làm việc ở hầu hết các nhóm nghề tăng mạnh nhất là nhóm thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị, nhóm chuyên môn bậc cao, tiếp đến là lao động dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng,… Trong khi đó, tỷ trọng lao động có xu hướng giảm nhiều nhất ở nhóm nghề giản đơn, tiếp đến là nhóm nghề nông, lâm, ngư nghiệp,… Nếu như những năm trước, biến động nhân sự chủ yếu diễn ra tại các doanh nghiệp thâm dụng lao động thì hiện nay, ngay cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) cũng phải đối diện với câu chuyện biến động nhân sự.
Tỷ lệ nghỉ việc tại một doanh nghiệp (turnover rate) ổn định ở mức 4-6% là phù hợp. Song, theo khảo sát của Trung tâm Dự báo Nguồn Nhân lực về thông tin thị trường lao động tại TPHCM, nhiều công ty trong các ngành như tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, hiện tượng biến động nhân sự diễn ra liên tục, tỷ lệ thôi việc ở nhiều công ty lên đến trên 10%. Và khó khăn là việc tuyển được nhu cầu nhân sự chất lượng để thay thế.
Trên quy mô toàn cầu, theo khảo sát Thiếu hụt Nhân tài năm 2016/2017 của Tập đoàn ManpowerGroup có đến 40% trong số 42,000 doanh nghiệp được khảo sát, khi mà thời điểm ngày càng hội nhập, cạnh tranh thị trường lao động tăng cao thì biến động nhân sự là khó tránh khỏi và và năm 2017 là năm mà công tác tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn.
Tọa đàm “Làm sao để bình yên trước biến động nhân sự?” tổ chức sáng ngày 14/12/2017
|
Tai Tọa đàm, ông Trần Bằng Việt, Giám đốc điều hành Công ty DongA Solusions (cựu CEO Mai Linh Taxi) cho biết biến động nhân sự là sự sụt giảm lao động của doanh nghiệp ngoài ý muốn, gây tác động xấu đến doanh nghiệp và là điều tất yếu sẽ xảy ra tại hầu hết các doanh nghiệp. Ông Việt khẳng định biến động nhân sự không là căn bệnh mà chỉ là hiện tượng.
Chia sẻ thêm về câu chuyện sụt giảm nhân sự trong ngành dịch vụ taxi, tổng kết 6 tháng đầu năm thì nhân sự tại hai doanh nghiệp taxi là Vinasun và Mai Linh Taxi đã giảm mạnh khoảng 4,000-6,000 nhân sự lái xe trong 6 tháng đầu năm 2017. Như vậy, mỗi chiếc xe hiện tại không chỉ không đủ người, mà còn sụt giảm thấp hơn mức cho phép, hiệu quả khai thác nhân sự theo đó không đạt chất lượng. Hệ quả tiếp theo là nhà quản lý cũng không kiểm soát được tình hình kỷ luật nhân sự để kiểm soát chất lượt dịch vụ. Với một số đơn vị hiện tại, ông cho biết nếu không có sự thay đổi trong quy trình vận hành, mô hình kinh doanh, cách kiểm soát nhân sự thì doanh nghiệp sẽ chịu những tác động tiêu cực không nhỏ.
Và một số biện pháp được ông Việt đưa ra là dự phòng nhân sự về số lượng và chất lượng, chủ động kế hoạch kế thừa, cố gắng khai thác tốt những mối quan hệ và tăng chất lượng kết nối nội tại doanh nghiệp. Theo đó, nếu đẩy mạnh tăng cường kết nối 18% thì có thể giảm 40% việc ra đi của lao động. Thêm nữa, doanh nghiệp nên linh động thay đổi kinh doanh, khai thác công nghệ, phân tán cơ sở sản xuất và thay đổi chiến lược.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Trưởng phòng nhân sự AEON Việt Nam tại buổi hội thảo có chia sẻ về ngành bán lẻ tại Việt Nam là một ngành còn mới và chỉ mới phát triển khoảng 10-15%, trong khi mục tiêu Nhà nước lên đến 45% và giai đoạn 3 năm tới là 30%. Như vậy, dư địa tăng trưởng của ngành còn rất nhiều và kéo theo đó là nhu cầu nhân sự tăng liên tục trong nhiều năm. Song, mặt trái của câu chuyện này là công tác tuyển dụng cũng gặp nhiều khó khăn khi các ứng viên có nhiều sự lựa chọn và muốn thử sức ở nhiều doanh nghiệp, thay vì tập trung phát triển cá nhân tại một doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khó khăn còn đến từ sự khác biệt về văn hóa trong cung cách phục vụ của người lao động tại địa điểm kinh doanh với văn hóa mua sắm của người Việt hiện nay, dẫn đến nhiều ứng viên chưa có nhiều trải nghiệm và không chịu được áp lực từ khách hàng. Mặt khác, việc huy động được nguồn nhân sự chấp nhận hoạt động trong những ngày lễ tết cũng là một thử thách không nhỏ của ngành bán lẻ nói chung và AEON nói riêng.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động, TPHCM, Manpower Group Việt Nam chia sẻ lao động nhảy việc có nhiều nguyên nhân như trào lưu khởi nghiệp hút nguồn vốn ứng viên muốn khởi nghiệp, hoặc do ứng viên so sánh danh tiếng giữa các công ty, cũng có thể do ứng viên mong đợi sự linh hoạt, được trao quyền quyết định, phát triển và sáng tạo. Ngoài ra, người lao động còn nhảy việc do yếu tố mà học cảm thấy chưa thỏa mãn liên quan đến phúc lợi, văn hóa doanh nghiệp, kế hoạch phát triển sự nghiệp
Ở góc độ là đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự, khoán việc và cho thuê lại lao động, ông Sơn cho rằng đối với lao động phổ thông, doanh nghiệp nên tận dụng nguồn nhân lực tạm thời, ngắn hạn để giải quyết nhu cầu nhân sự trong mùa cao điểm, trong khi duy trì nguồn nhân lực then chốt. Mặt khác đối với nhân viên văn phòng, doanh nghiệp nên tổ chức đào tạo và phát triển kỹ năng, chuyên môn liên tục và phải có các chính sách phúc lợi rõ ràng, phù hợp.
Song, tại hội thảo cũng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng những biện pháp đưa ra thường chỉ áp dụng với những doanh nghiệp lớn và nhóm lao động trung và cao cấp, còn ở một số doanh nghiệp mà mặt bằng nhân sự phần lớn là lao động phổ thông thì việc đột biến nhân sự xảy ra thường xuyên. Theo những doanh nghiệp này thì nhóm lao động phổ thông thường khó gắn bó với công ty vì nhiều lí do không chỉ là chính sách ưu đãi mà còn do khác biệt về văn hóa, phong cách, thái độ làm việc.
Phúc Mai
FILI
|