TRA: Dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch lãi 242 tỷ đồng, tập trung phát triển tân dược
Dự phóng năm 2017, khả năng TRA có thể hoàn thành 100% kế hoạch năm với doanh thu xấp xỉ 2,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 242 tỷ đồng.
Cụ thể theo CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), TRA đang trên đà hiện thực hóa doanh thu thuần xấp xỉ khoảng 2,000 tỷ đồng, tương đương 97% kế hoạch năm. Còn chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến cũng sẽ đạt khoảng 242 tỷ đồng, hoàn thành 100% chỉ tiêu và đạt tăng trưởng 6%. Theo đó, EPS dự phóng sẽ đạt 5,186 đồng.
Được biết trước đó, TRA từng được ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 thông qua kế hoạch dài hạn đến năm 2020 với doanh thu dự kiến 4,000 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 500 tỷ đồng, gấp 2.4 lần năm 2016. Mức tăng trưởng ở hai chỉ tiêu này dao động trong khoảng 20-33%. Theo đó năm 2018, doanh thu dự đạt 2,400 tỷ đồng, tăng 20% so với con số ước đạt năm 2017 (2,000 tỷ đồng) và 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 25%.
Kế hoạch dự phóng đến năm 2020 của Traphaco
|
Nhìn lại kết quả doanh thu thuần 9 tháng năm 2017 của TRA suy giảm 13% khi chỉ đạt 1,311 tỷ đồng, chủ yếu do TRA không còn thực hiện hợp đồng phân phối sản phẩm sữa XO hợp tác với Công ty Sữa Nam Dương. Lãi tiền vay tuy có tăng 150% lên hơn 2 tỷ đồng nhưng nhờ khoản chiết khấu thanh toán cho khách chỉ được cắt giảm mạnh còn 137 triệu đồng (trước đó gần 61 tỷ đồng), giúp TRA tiết giảm được khoản lớn từ chi phí tài chính nên lợi nhuận sau thuế may mắn đạt 178.5 tỷ đồng, so với cùng kỳ vẫn tăng nhẹ 5%.
Vào ngày 01/07/2017, TRA đã khánh thành nhà máy dược Việt Nam với vốn đầu tư ban đầu là 477 tỷ đồng, nhà máy này đã đạt tiêu chí GMP-WHO và đủ điều kiện lưu hành. Song song đó, TRA vẫn tiếp tục đầu tư thực hiện các kiểm định cần thiết để hướng đến các tiêu chuẩn cao hơn như GMP-EU và GMP-PIC. TRA cho biết nhà máy này tập trung chủ yếu vào sản xuất tân dược với định hướng sản xuất công nghệ cao để nâng tỷ trọng doanh thu từ tân dược trên tổng doanh thu của Công ty.
Về kênh phân phối, TRA hiện đang thực hiện phân phối thông qua kênh OTC với tỷ trọng 87% doanh thu và ETC là 13% doanh thu. Trong định hướng dài hạn, TRA sẽ khai thác thêm kênh phân phối ETC để nâng con số tỷ trọng lên 30% tổng doanh thu vì quy mô kệnh này hiện chiếm đến 60-70% thị trường.
Đối với các sản phẩm đông dược, tỷ trọng hiện tại chiếm hơn 80% tổng doanh thu, mà trong đó 2 dòng sản phẩm là bổ gan Boganic và bổ thần kinh hoạt huyết dưỡng não, Cebraton đã hơn 50% tổng doanh thu. TRA cập nhật hiện 2 dòng sản phẩm này vẫn duy trì tăng trưởng khoảng 12%/năm nhưng vị trí cũng như thị phần đã tương đối cao và gần với điểm bão hòa. Do đó, TRA định hướng sẽ duy trì tận dung kênh phân phối đang có và tập trung phát triển mảng tân dược. Công ty định hướng đến năm 2020 thì quy mô doanh thu từ phân phối và tân dược từ 1,000 tỷ đồng trở lên còn sản phẩm đông dược đạt khoảng 2,400-2,800 tỷ đồng trên tổng doanh thu kế hoạch 4,000 tỷ.
Gần đây, cơ cấu cổ đông tại TRA đã có sự biến đổi lớn khi mà Quỹ Vietnam Azalea Fund (VAF) thuộc Mekong Capital vừa hoàn tất thoái hoàn toàn 24.99% vốn sau nhiều năm nắm giữ với giá 141,500 đồng/cp, thu về tổng giá trị hơn 64.5 triệu USD. Trước đó trong khoảng thời gian góp vốn, quỹ này đã có hỗ trợ nhiều cho TRA trong xây dựng mạng lưới phân phối, chuyển đổi mô hình và xây dựng một HĐQT không điều hành và độc lập nhằm tăng cường quản trị doanh nghiệp.
Phúc Mai
FILI
|