Thứ Bảy, 02/12/2017 12:06

Sửa quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Ngày 25/7/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1078/QĐ-TTg ban hành Danh mục văn bản để ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trình Chính phủ trong quý 4/2017.

Trước diễn biến bất thường của thị trường vàng trong nước và thế giới giai đoạn những năm 2008-2011 ảnh hưởng bất lợi đến điều hành chính sách tỷ giá, chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kinh tế xã hội, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai Nghị định 24, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, NHNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các mặt chuyển biến của thị trường vàng.

Cụ thể, sức hấp dẫn của vàng miếng ngày càng suy giảm, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được đẩy lùi. Từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm; cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng. Doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm hơn 50% so với năm 2013. Toàn bộ quan hệ huy động - cho vay vốn bằng vàng đã được chuyển sang quan hệ mua, bán vàng, rủi ro “vàng hóa” trong hệ thống tín dụng đã được loại bỏ, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn.

Thị trường vàng ổn định, không còn tình trạng đổ xô đi mua vàng như trước đây, diễn biến của thị trường vàng đã thoát ly khỏi biến động của tỷ giá, thị trường ngoại hối và không gây ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô: Sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, đồng thời với việc chấm dứt hoạt động của các sàn giao dịch vàng và chấm dứt huy động, cho vay vàng, thị trường vàng miếng từng bước được sắp xếp, tổ chức lại và quản lý chặt chẽ, nhu cầu giao dịch vàng miếng ngày càng suy giảm, thị trường không còn những “cơn sốt vàng” như giai đoạn trước, tác động bất lợi của biến động giá vàng đến thị trường tiền tệ, ngoại hối gần như đã được loại bỏ.

Thị trường vàng miếng được sắp xếp lại một cách căn bản, trật tự, kỷ cương trên thị trường được xác lập, mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng dần thu hẹp. Đối với hoạt động mua, bán vàng miếng, trước đây có khoảng 12,000 doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh vàng kinh doanh mua, bán vàng miếng. Sau khi Nghị định 24 được ban hành, một mạng lưới mua bán vàng miếng mới được thiết lập, có quản lý, đáp ứng được nhu cầu mua, bán của người dân (hiện có khoảng 2,242 điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng trên toàn quốc). Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng trên thị trường diễn ra thông suốt, ổn định, quyền lợi hợp pháp của người dân được đảm bảo.

Thói quen, nhận thức của người dân đối với vàng miếng đã thay đổi, tạo hiệu ứng đồng thuận của người dân đối với chính sách quản lý thị trường vàng của Nhà nước. Nghị định 24 đã có những thay đổi căn bản tác động đến thói quen, nhận thức của người dân đối với vàng miếng, thông qua việc kiểm soát, thu hẹp cả hai chiều cung - cầu trên thị trường vàng miếng. Thị trường vàng diễn biến tương đối ổn định, không còn xuất hiện những cơn “sốt vàng” như trước đây. Thị trường vàng miếng thu hẹp, qua đó một phần nguồn lực vàng đã được chuyển hóa vào sản xuất kinh doanh.

Thị trường vàng nguyên liệu tự cân đối, nền kinh tế đã tiết kiệm được một lượng ngoại tệ đáng kể do không phải nhập khẩu vàng nguyên liệu. Từ năm 2012 đến nay, NHNN chưa cấp phép cho đơn vị nào nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các đơn vị tự cân đối nguồn vàng nguyên liệu trên thị trường. Đồng thời, từ năm 2014 đến nay, NHNN không phải nhập khẩu vàng để can thiệp bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, thị trường vàng trong nước vẫn còn một số tồn tại. Đó là thị trường vàng miếng diễn biến ổn định nhưng chưa thực sự bền vững do chịu tác động từ tình hình kinh tế - xã hội trong nước và cả biến động khó lường trên thị trường tài chính thế giới. Một số sự kiện quốc tế ảnh hưởng mạnh đến giá vàng trong nước, gây bất ổn tâm lý người dân cho thấy một thực tế là thị trường vàng chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn có thể chịu những tác động từ diễn biến khó lường trên thị trường thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong nước.

Trách nhiệm quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu chưa được quy định cụ thể. Hiện nay trách nhiệm quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 24 và các văn bản khác. Việc sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, đặc biệt doanh nghiệp, cá nhân được nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ qua cửa khẩu không cần kiểm soát chất lượng và chỉ nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Nghị định 24 chưa có quy định điều kiện cụ thể về hoạt động Kinh doanh vàng khác theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 Luật Đầu tư.

Do đó Chính phủ quyết định ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Các nội dung chính quy định tại dự thảo Nghị định

Đối với việc cấp, điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng: Hiện nay, thị trường vàng đã có chuyển biến tích cực, vàng miếng không còn hấp dẫn như trước, doanh số giao dịch mua, bán vàng miếng của toàn hệ thống giảm, sức mua vàng trong dân tiếp tục giảm. Với diễn biến tương đối thuận lợi này, việc giảm thiểu các quy định về hồ sơ, thủ tục điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng là hợp lý nhằm giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, xã hội, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Dự thảo Nghị định quy định cụ thể thủ tục, hồ sơ cấp Giấy phép, chấm dứt hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng và không quy định việc điều chỉnh địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng cần xin ý kiến của NHNN.

Đối với quy định về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ: Theo Nghị định 24, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện ban hành tiêu chuẩn chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ; kiểm tra, thanh tra, quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường; kiểm định phương tiện đo lường của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Nghị định 24 không quy định trách nhiệm của Bộ KHCN trong việc quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu.

Do vậy, dự thảo Nghị định bổ sung quy định Bộ KHCN chủ trì, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm xây dựng quy định, quản lý, kiểm tra, thanh tra quy định về đo lường trong kinh doanh vàng, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Dự thảo Nghị định cũng quy định doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng điều kiện được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (không cần cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ); bãi bỏ quy định NHNN hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ để phù hợp với quy định trên; bãi bỏ điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật đối với doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Đối với quy định về hoạt động kinh doanh vàng khác, dự thảo Nghị định đề xuất: Hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động do Nhà nước độc quyền thực hiện.

* Toàn văn dự thảo

Anh Đức

FiLi

Các tin tức khác

>   Phân tích kỹ thuật Hàng hóa tháng 12/2017: Giá dầu vượt đỉnh thành công (06/12/2017)

>   Giá vàng bật tăng phiên cuối tuần (02/12/2017)

>   Vàng thế giới suy yếu trong tuần qua (02/12/2017)

>   Vàng trong nước và thế giới cùng giảm phiên giao dịch đầu tháng 12 (01/12/2017)

>   Vàng thế giới tăng nhẹ trong tháng 11 (01/12/2017)

>   Giảm mạnh, vàng Rồng Thăng Long xuống dưới mốc 36 triệu đồng (30/11/2017)

>   Vàng thế giới xuống đáy 1 tuần sau buổi điều trần của Chủ tịch Fed (30/11/2017)

>   Giá vàng dao động trong biên độ hẹp, tỷ giá trung tâm đi ngang (29/11/2017)

>   Vàng thế giới lên cao nhất trong hơn 1 tuần (29/11/2017)

>   Giá vàng trong nước đứng yên (28/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật