Sửa Nghị định 24: Ngân hàng Nhà nước quản lý hay kinh doanh vàng?
Quản lý là cần nhưng phải làm rõ khái niệm “độc quyền” trong kinh doanh và sản xuất vàng miếng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Ông Nguyễn Thế Hùng, TGĐ Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam, cho rằng, Dự thảo Nghị định phải xét đến những thay đổi của thị trường trong vài năm tới, khi Việt Nam hội nhập vào thị trường tài chính thế giới.
Nguồn ảnh: Quý Hòa
|
Từ độc quyền kinh doanh…
Theo dự thảo, Khoản 3, Điều 4 về “Nguyên tắc quản lý”, được sửa đổi, bổ sung như sau: “3. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản”.
Để đảm bảo không tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động này, dự thảo Nghị định quy định: hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động do Nhà nước độc quyền thực hiện”.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới không trực tiếp kinh doanh, chỉ quản lý và kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, tổ chức. Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng, việc NHNN trở thành “đơn vị kinh doanh” không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước là kiến tạo chính sách.
Dẫn chứng điều kiện cấp phép kinh doanh vàng miếng trong 5 năm qua, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam khẳng định “đã loại bỏ hầu hết doanh nghiệp kinh doanh vàng ra khỏi thị trường vàng miếng”.
Theo ông Bảng, việc cấp giấy phép đi kèm với các quy định cấp phép cho các điểm kinh doanh vàng miếng của các doanh nghiệp đủ điều kiện theo Nghị định 24 lại tạo cơ chế xin – cho, đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về loại bỏ những giấy phép con không cần thiết.
Các NHTM được cấp giấy phép mua, bán vàng miếng không có khả năng triển khai do thiếu cả nghiệp vụ và kinh nghiệm, buộc người dân phải mua vàng tại các điểm không được cấp phép nên gặp rủi ro pháp lý và dễ bị hình sự hóa việc mua bán.
Đưa ra quy định cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, NHNN muốn lựa chọn các đơn vị đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vàng miếng gần như không thể mở thêm các điểm mua, bán trực thuộc của mình.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, khẳng định, việc quy định Nhà nước độc quyền kinh doanh là phù hợp với Luật Thương mại năm 2005, nhưng lại trái với quy định tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Theo phân tích của luật sư Đức, mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh kể từ sau khi Hiến pháp năm 2013 và Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, không còn khái niệm Nhà nước độc quyền. Thay vào đó là được “tự do kinh doanh”, hoặc “đáp ứng các điều kiện kinh doanh” theo quy định tại Điều 7 về “ Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016.
Thêm nữa, hoạt động huy động vốn để kinh doanh vốn mới là hoạt động kinh doanh. Huy động vốn để phục vục sản xuất kinh doanh, không phải là hoạt động kinh doanh để phải chấp hành quy định về điều kiện kinh doanh.
Mặc dù, Dự thảo không chỉ rõ, nhưng nếu “quy định Nhà nước độc quyền” kinh doanh vàng “để đảm bảo không tổ chức, cá nhân nào được thực hiện hoạt động này” như Tờ trình là trái với quy định của Luật Đầu tư.
… đến độc quyền sản xuất vàng
Cũng theo dự thảo Nghị định này, Khoản 6, Điều 4 về “Nguyên tắc quản lý”, được sửa đổi, bổ sung như sau: “6. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng”.
Theo ông Đinh Nho Bảng, quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng ngay từ Nghị định 24 là hoàn toàn "không phù hợp" với thông lệ quốc tế và "đi ngược lại tiến trình phát triển của thị trường".
Thêm nữa, nếu NHNN sản xuất vàng miếng cũng có nghĩa đã sử dụng vàng tiêu chuẩn quốc tế chế tác thành vàng thương hiệu quốc gia. Điều này, vừa tốn kém chi phí, vừa biến vàng tiêu chuẩn quốc tế có khả năng thanh khoản cao trở thành vàng nguyên liệu khi xuất khẩu ra thế giới.
“NHNN cần cân nhắc kỹ hơn để vừa bảo đảm được yêu cầu can thiệp thị trường và để tiết kiệm chi phí cho ngân sách Nhà nước”, Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam khuyến cáo.
“Đã đến lúc xem xét lại quy định này”, luật sư Trương Thanh Đức cho biết. Theo ông, cần chuyển sang "quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn", bỏ quản lý bằng điều kiện kinh doanh, nhất là việc cấp phép, tương tự như với quy định tại khoản 7, Điều 4 về “Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mẽ nghệ và hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ”.
Khoản 2 điều 3 về “ Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 24/2012/NĐ-Cp ngày 3/4/2012 của Chính phủ về “Quản lý hoát động kinh doanh vàng” quy định như sau: “2. Vàng miếng là vàng được dậy thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ”.
Như vậy, khái niệm “vàng miếng chỉ là mô tả về hình thức bên ngoài, chứ không phải là bản chất khác. Trên thực tế, vàng miếng chỉ khác vàng khác ở chỗ là được Ngân hàng nhà nước tổ chức sản xuất hoặc cho phép sản xuất, không có ý nghĩa để phân biệt và quản lý.
Hải Vân
nhịp cầu đầu tư
|