Sau hợp nhất 3 miền, Mai Linh tham vọng niêm yết nước ngoài
“Sáp nhập để Mai Linh lớn lên cạnh tranh lành mạnh, để không thua trên sân nhà” – ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh cho biết.
Tham vọng hơn, “nếu niêm yết ở nước ngoài thì sẽ xem xét tại Hồng Kông hoặc Singapore, xa hơn là New York, căn cứ tính hình thực tế sẽ tiến hành”, ông Huy chia sẻ.
Mai Linh đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho năm 2018 đạt 239 tỷ đồng và dự kiến tăng hơn ba lần vào năm 2020, ước tính khoảng 793 tỷ đồng. Cổ tức từ năm 2019 trở đi sẽ là 5-10%/năm
|
Trong ba ngày 06, 08 và 10/12, 3 công ty đầu mối phụ trách hoạt động kinh doanh taxi của hệ thống Mai Linh tại miền Bắc - Trung - Nam là CTCP Mai Linh miền Bắc (UPCoM: MLN), CTCP Mai Linh miền Trung (HNX: MNC), CTCP Tập đoàn Mai Linh (MLG) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường 2017 và được các cổ đông thông qua toàn văn phương án hợp nhất. Trong đó, bao gồm cả phương án hợp nhất; phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi; phương án kinh doanh sau hợp nhất; dàn lãnh đạo mới và các vấn đề liên quan tới sử dụng và kế thừa tên thương mại, quyền sở hữu nhãn hiệu cũng như các quyền sở hữu trí tuệ khác.
Theo ông Võ Thành Nhân - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MNC, dự kiến từ 1-2 tháng sau khi được cổ đông thông qua phương án hợp nhất, Công ty hợp nhất sẽ ra đời. “Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Mai Linh, Công ty hợp nhất mới sẽ ra đời, tiết kiệm thời gian và chi phí”, ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT Mai Linh tại cả ba miền nhấn mạnh thêm.
Theo dự thảo phương án hợp nhất doanh nghiệp, Công ty hợp nhất sẽ lấy tên và thương hiệu của Mai Linh Group sau khi hoàn thành việc hợp nhất. Công ty hợp nhất sẽ kế thừa toàn bộ và sẽ hoạt động trên nền tảng khách hàng, sản phẩm, công nghệ của các công ty bị hợp nhất hiện nay.
Vốn điều lệ của Công ty hợp nhất dự kiến là 1,729 tỷ đồng. Con số này được xác định dựa trên tổng giá trị tài sản ròng của các công ty bị hợp nhất sau khi thực hiện thẩm định lại giá trị.
Được biết, Công ty hợp nhất sẽ phát hành gần 173 triệu cp để hoán đổi lấy toàn bộ cổ phần các công ty bị hợp nhất sở hữu bởi các cổ đông công ty bị hợp nhất. Trong đó, mỗi cổ phần của MLG, MLN, MNC lần lượt được hoán đổi với 1.2819, 1.2240 và 2.5444 cổ phần Công ty hợp nhất.
Tập đoàn Mai Linh hiện có vốn điều lệ hơn 1,016 tỷ đồng là công ty đại chúng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tập đoàn đang nắm giữ 47.79% vốn tại Mai Linh miền Trung và 47.86% vốn tại Mai Linh miền Bắc.
|
Tại sao phải hợp nhất?
Đề cập trong đại hội của Mai Linh miền Trung (MNC), ông Hồ Huy cho biết mục tiêu tái cấu trúc tập đoàn “Một Mai Linh” đã được đưa ra trong các nghị quyết của Công ty từ năm 2012. Tuy nhiên sau 5 năm nội dung này mới được tiến hành thực hiện trong thực tế. Mục tiêu của việc hợp nhất là đưa taxi trở lại làm hoạt động cốt lõi của Mai Linh, tăng sức cạnh tranh trong tình hình mới nhất là khi sự xuất hiện của Uber, Grab đã gây khó khăn cho các hoạt động của taxi truyền thống.
“Bên cạnh đó, thời gian qua, Mai Linh miền Trung đã niêm yết và không thành công, giá thấp (cổ phiếu MNC giao dịch dưới 5,000 đồng/cp suốt 3 tháng qua), không tạo được giá trị thặng dư cho cổ đông đầu tư. Việc thực hiện sáp nhập hợp nhất 3 công ty sẽ làm giá trị tăng lên khi niêm yết trên sàn chứng khoán, sau khi hợp nhất với giá trị ngàn tỷ sẽ thay đổi bộ mặt cổ phiếu Mai Linh. Sáp nhập, để Mai Linh lớn lên cạnh tranh lành mạnh, để không thua trên sân nhà!”.
Ông Huy cho biết thêm, đối với Công ty hợp nhất, việc hợp nhất sẽ giúp Công ty tăng trưởng mạnh nhờ cộng hưởng về tài chính, về hoạt động, về sức mạnh cạnh tranh. Đối với các cổ đông, thay vì nắm giữ cổ phiếu của nhiều hơn 1 công ty thì sau tái cấu trúc chỉ nắm giữ duy nhất cổ phiếu của công ty hợp nhất. Ngoài ra, cổ đông cũng có thể hưởng lợi ích gia tăng trong dài hạn do những lợi ích cộng hưởng từ việc tái cấu trúc mang lại.
Về vấn đề lên sàn, sau khi Công ty hợp nhất ra đời, Ban lãnh đạo sẽ tiến hành thực hiện đăng ký công ty đại chúng, đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường giao dịch tập trung phù hợp với quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tham vọng hơn, “nếu niêm yết trong nước thì tiến hành bình thường theo quy định của pháp luật Việt Nam; còn ở nước ngoài thì sẽ xem xét tại Hồng Kông hoặc Singapore, xa hơn là New York, căn cứ tính hình thực tế sẽ tiến hành”, ông Huy chia sẻ.
Về mặt nhân sự, Hội đồng quản trị công ty hợp nhất nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên đã được thông qua bao gồm ông Hồ Huy (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) và 6 thành viên: Đỗ Văn Thắng, Ngô Hữu Hùng, Lê Nguyễn Anh Tuấn, Hà Đăng Luyện, Hồ Quốc Phi, Võ Thành Nhân. Nhân sự Ban Kiểm soát gồm ông Phạm Văn Thiết là Trưởng Ban Kiểm soát cũng hai thành viên BKS là bà Trần Thị Bích Thủy và bà Đỗ Kim Anh.
Danh sách Hội đồng quản trị, Người đại diện theo pháp luật của Công ty hợp nhất
Nguồn: Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường 2017 MLG, MNC, MLN
|
“Công ty hợp nhất sẽ không lỗ, Mai Linh có giá trị thương hiệu!”
Tình hình tài chính sau hợp nhất được khá nhiều cổ đông quan tâm tại cả 3 đại hội. Trả lời cho điều này, ông Huy khẳng định “Công ty hợp nhất sẽ không lỗ, Mai Linh có giá trị thương hiệu!”
Ông cho rằng, Công ty sau hợp nhất sẽ hoạt động với nhiều thuận lợi hơn. Dự kiến trong năm đầu, doanh thu của Công ty hợp nhất tương đương với tổng doanh thu của các công ty bị hợp nhất năm 2016. Còn các năm tiếp theo sẽ tăng trưởng 10% mỗi năm. Năm đầu sau hợp nhất có thể chưa trả cổ tức nhưng từ năm thứ hai trở đi, Mai Linh cam kết trả cổ tức 5-10%/năm.
Lợi nhuận sau thuế kế hoạch cho năm 2018 đạt 239 tỷ đồng và dự kiến tăng hơn ba lần vào năm 2020, ước tính khoảng 793 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh 3 năm của Công ty hợp nhất
Nguồn: Dự thảo phương án hợp nhất
|
Về kế hoạch thu hút vốn, Mai Linh đã làm việc với một số quỹ như quỹ đầu tư của Singapore, quỹ đầu tư tại New York,… Willer là công ty liên doanh hiện cũng đang quan tâm về vấn đề đầu tư vào cổ phiếu của Mai Linh.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh chia sẻ, cạnh tranh hiện nay với Uber, Grab là một thử thách rất lớn, doanh thu có giai đoạn mất đi 30%. Nửa đầu năm 2017, các khoản chi phí gia tăng khiến Công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Nhờ lợi nhuận từ thanh lý tài sản, Công ty lãi sau thuế gần 29 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thể bù đắp được kết quả thua lỗ sau giai đoạn dài trước đó.
Tính tới cuối quý 2/2017, Công ty ghi nhận khoản lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng, xấp xỉ 80% vốn điều lệ và vượt 40% vốn chủ sở hữu (571 tỷ đồng). Với khoản lỗ lũy kế và sự chênh lệch hơn 1,300 tỷ đồng giữa tổng nợ ngắn hạn và tổng tài sản ngắn hạn trong báo cáo tài chính bán niên, đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Bộ máy vận hành của Mai Linh cũng đang khá “cồng kềnh”. Theo Dự thảo phương án hợp nhất công bố tháng 11/2017, Tập đoàn Mai Linh đang có 32 chi nhánh và 15 công ty con trực tiếp cùng 41 công ty con gián tiếp (công ty con của các công ty con trực tiếp). Trong đó, Mai Linh Miền Bắc sở hữu 17 công ty con và Mai Linh Miền Nam sở hữu 10 công ty con. Ngoài ra, trong nửa đầu năm 2017, đã có 6,000/30,000 nhân viên, tương đương 20% số lượng nhân sự của Mai Linh nghỉ việc.
Để cạnh tranh với Uber và Grab, nửa cuối tháng 11/2017, Mai Linh đã chính thức triển khai dịch vụ 'xe ôm công nghệ' M.Bike tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM sau hơn 1 tháng thử nghiệm, mức cước đưa ra ngang ngửa với mức cước hiện tại của UberMoto và GrabBike. Cũng tại các đại hội bất thường vừa rồi, Ban lãnh đạo Mai Linh xác định đầu tư phát triển xe công nghệ là định hướng lâu dài và chủ chốt của Công ty trong tương lai.
Thu Phong
FiLi
|