Thứ Bảy, 16/12/2017 15:39

Sắp IPO, Lọc hóa dầu Bình Sơn đang có gì?

Đầu năm 2018, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ tiến hành đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với hơn 241 triệu cp. Rất nhiều thông tin xung quanh hoạt động kinh doanh của BSR đã chính thức được công bố.

Quá trình ra đời và vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất như thế nào?

Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, chính thức được khởi công vào ngày 28/11/2005 tại khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư 2.5 tỷ USD, sau đó được phê duyệt điều chỉnh lên 3 tỷ USD vào năm 2009. Nhà máy có công suất chế biến 6.5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu cả nước.

Dự án NMLD Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia về dầu khí. Việc đầu tư xây dựng nhà máy này cho phép Việt Nam chế biến dầu thô trong nước, giảm bớt phụ thuộc vào nguồn cung xăng dầu từ nước ngoài.

Theo đó, để quản lý và vận hành nhà máy, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn được thành lập năm 2008.

Đến tháng 2/2009, nhà máy sản xuất ra dòng sản phẩm đầu tiên và tính đến tháng 12/2010, BSR đã tiếp nhận 8.3 triệu tấn dầu thô, chế biến và cung cấp cho thị trường 7.2 triệu tấn sản phẩm các loại. Theo đó, trong năm 2010, BSR đạt doanh thu thuần khoảng 58.46 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trên 119 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2012, hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR gặp nhiều khó khăn do phải dừng tổng cộng 68 ngày để bảo dưỡng, xử lý dứt điểm tồn tại kỹ thuật. Dù vậy, nhà máy đã chế biến và xuất bán ra thị trường 5.6 triệu tấn sản phẩm xăng, dầu các loại, mang về doanh thu 127.78 ngàn tỷ đồng.

Bước sang năm 2013, BSR đã hoàn thành vượt mức toàn bộ các mục tiêu đề ra, nhập 7.3 triệu tấn dầu thô (vượt so thiết kế là 6.5 triệu tấn); sản xuất và bán ra thị trường 6.6 triệu tấn sản phẩm các loại. Tổng doanh thu trên 154.27 ngàn tỷ đồng, vượt 41% kế hoạch năm. Trong giai đoạn 2011-2016, tổng sản lượng của nhà máy đạt khoảng 37 triệu tấn sản phẩm.

Tháng 12/2014, PVN phê duyệt dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất với tổng mức đầu tư 1,813 triệu USD. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2022. Theo đó, sau khi hoàn thành, công suất chế biến dầu thô của nhà máy dự kiến sẽ đạt 8.5 triệu tấn/năm và chất lượng sản phẩm đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn EURO V. Bên cạnh đó, mức độ linh động trong việc lựa chọn dầu thô đầu vào của BSR sẽ được nâng cao, không còn phụ thuộc vào nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ đang dần tụt giảm về sản lượng.

Doanh thu chủ yếu từ DO, Ron92, Ron95 và các sản phẩm chính của quá trình lọc dầu

Giá trị thực tế của BSR để cổ phần hóa là gần 72,880 tỷ đồng. Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (31/12/2015), BSR có 2 công ty con là CTCP Nhà và Thương mại Dầu khí (vốn 175 tỷ, BSR năm 96.53%) và CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (vốn 1,120 tỷ, BSR nắm 65.68%). Ngoài ra, BSR còn có 2 đơn vị liên kết là CTCP Bảo dưỡng và Sửa chữa Công trình Dầu khí - PMS (vốn 80 tỷ, BSR nắm 8.75%) và Công ty TNHH Kho ngầm Xăng dầu Dầu khí Việt Nam - PVOS (vốn 55.69 tỷ, BSR nắm 7.99%).

Nhà máy lọc dầu Dung Quất gồm 15 phân xưởng công nghệ, 10 phân xưởng năng lượng phụ trợ, khu bể chứa dầu thô, bể chứa sản phẩm, hệ thống ống dẫn dầu thô và sản phẩm. Ngoài hoạt động chính là chế biến các sản phẩm lọc, hóa dầu, Công ty còn có nguồn thu nhỏ đến từ thu phí dịch vụ các tàu dầu nhập cảng của Công ty.

Nguồn cung dầu thô chính của BSR vẫn là mỏ Bạch Hổ, chiếm khoảng 60% tổng khối lượng dầu thô vào chế biến của Công ty. Hiện tại, mỏ Bạch Hổ và các mỏ dầu trong nước chiếm đến 90% cơ cấu dầu thô của Công ty, còn lại là dầu nhập khẩu. Hiện Công ty đang thực hiện đa dạng hóa nguồn dầu thô bằng các cải hoán nhỏ để tăng cường khả năng phối trộn.

PVOil đang là đơn vị duy nhất đại diện cung cấp dầu thô cho BSR, trong đó bao gồm cả nhận ủy thác nhập khẩu dầu thô nước ngoài cho BSR. Giá dầu thô hiện tại được xây dựng trên cơ sở giá dầu thô Dated Brent của hãng tin Platts.

Trong tổng số hơn 6.5 triệu tấn sản phẩm đầu ra bình quân giai đoạn 2013-2016, BSR duy trì cơ cấu khoảng 40-45% Ron92, Ron95 và 45% DO và 10-15% các sản phẩm khác trong đó đáng kể nhất là Jet A-1/Kerosen và hạt nhựa PP.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, Công ty đã sản xuất được khoảng 4.4 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó có hơn 1.8 triệu tấn xăng nhiên liệu (gồm Ron92, Ron95 và E5 Ron92) và khoảng 1.8 triệu tấn nhiên liệu diezen. Các sản phẩm truyền thống này chiếm đến 80-90% giá vốn bán hàng của Công ty. Tỷ trọng của sản phẩm DO có xu hướng giảm qua các năm do sự thay đôi về sự chênh lệch giữa giá Ron92 và giá nhiên liệu diezen DO.

Tuy sản lượng của Công ty tăng qua các năm, nhưng do giá dầu thô tác động trực tiếp đến giá bán các sản phẩm của Công ty nên doanh thu không diễn biến tuyến tính với sản lượng xuất bán. Doanh thu của BSR chủ yếu vẫn đến từ các sản phẩm truyền thống là DO và Ron92, Ron95, các sản phẩm chính của quá trình lọc dầu, chiếm trên 85%. Mặc dù sản lượng khiêm tốn hơn DO, nhưng các sản phẩm xăng của BSR có giá bán tốt hơn dẫn đến tỷ trọng trong doanh thu của các sản phẩm xăng cũng cao hơn so với cơ cấu sản lượng tiêu thụ. Từ năm 2015, doanh thu của hai sản phẩm xăng truyền thống là Ron92 và Ron95 đã chiếm đến 46% doanh thu, trở thành dòng sản phẩm có doanh thu lớn nhất của Công ty. Các sản phẩm LPG và FO mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế chưa tốt nhưng đây là các sản phẩm không thể tách rời của quá trình lọc - hóa dầu theo đặc thù tự nhiên của thiết kế kỹ thuật của nhà máy lọc dầu.

Mặt khác, Công ty đang thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm, trong đó hạt nhựa PP tuy chỉ chiếm khoảng 4-5% doanh thu nhưng lại đóng góp trên 1,000 tỷ đồng vào lợi nhuận gộp hàng năm của Công ty. Đáng chú ý, năm 2016 dòng sản phẩm hạt nhựa PP đã đem lại trên 1,500 tỷ đồng, chiếm 24% lợi nhuận gộp của Công ty.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu từ các sản phẩm xăng dầu của Công ty giữ ở mức ổn định. Trong đó, xăng nhiên liệu (bao gồm Ron92, Ron95 và E5 Ron92) đạt mức khoảng 24,841 tỷ đồng và doanh thu của sản phẩm DO là 19,536 tỷ đồng. Còn sản phẩm PP xuất bán được gần 100,000 tấn sản phẩm PP, đạt doanh thu khoảng 2,444 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch 2017.

18 đầu mối nhận sản phẩm của BSR

Từ mạng lưới với 8 khách hàng mua dài hạn năm 2008, đến năm 2016 Công ty đã ký hợp đồng dài hạn cung cấp sản phẩm cho 11 khách hàng mua dài hạn là những đầu mối phân phối lớn. Tính đến thời điểm cuối năm 2016, tổng số đầu mối nhận sản phẩm của Công ty là 18 đầu mối. Các khách hàng lớn gồm Petrolimex (41% doanh thu bán xăng dầu), PV Oil (25%), Saigon Petro (6%), Dầu khí Đồng Tháp (5%), Thanh Lễ (4%).

Về quy mô tài sản, tổng tài sản của BSR trung bình giai đoạn 2013-2016 đạt khoảng 72,323 tỷ đồng, có xu hướng giảm dần về quy mô, giảm khoảng 10.52%/năm. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm tổng tài sản của Công ty đến từ việc giảm quy mô vốn lưu động do sự sụt giảm giá dầu thô trong các năm qua. Mặt khác, các tài sản cố định của Công ty chủ yếu là hệ thống máy móc, thiết bị, phân xưởng công nghệ cao, có giá trị, khấu hao hàng năm lớn (khoảng 2,300 tỷ đồng).

Về cơ cấu nguồn vốn, trong cơ cấu nguồn vốn của Công ty, tỷ lệ nợ phải trả và vốn chủ sở hữu thay đổi theo hướng giảm tỷ lệ nợ từ mức 70.18% tại thời điểm 31/12/2013 xuống còn 47.21% tại thời điểm 31/12/2016. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thay đổi này do sự giảm về nhu cầu vốn lưu động dẫn đến Công ty không còn nhu cầu đối với các khoản vay ngắn hạn.

Về khả năng sinh lời, kết quả lợi nhuận sau thuế năm 2013, 2014, 2015 và 2016 lần lượt là 2,932 tỷ đồng, 149 tỷ đồng và 6,170 tỷ đồng và 4,492 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2014 sụt giảm mạnh do biến động về giá dầu thô dẫn tới giá trị trích lập hàng tồn kho tăng và giảm sản lượng sản xuất do tác động của thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 2 trong năm. ROE và ROA trung bình giai đoạn 2013-2016 lần lượt là 11.94% và 5.02%. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm đạt 5,466 tỷ đồng, bằng 122% cả năm 2016 và gấp 4.73 lần cùng kỳ năm 2016.

Với diễn biến thị trường thuận lợi trong năm 2015 khiến cho lợi nhuận biên của Công ty được tăng đáng kể, trong đó chi phí giá vốn chỉ chiếm 89.46% doanh thu, giảm 32% và 41% so mức chi phí giá vốn trong năm 2014 và 2013. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng dạt 5,466 tỷ đồng, bằng 122% cả năm 2016 và gấp 4.73 lần cùng kỳ 2016.

Trong tổng số 3,980,770 m2 diện tích đất của BSR được Nhà nước cho thuê đất, diện tích được miễn tiền thuế sử dụng là 3,974,864 m2. Ngoài ra, diện tích đất được Nhà nước cho thuê, có thu tiền sử dụng đất hàng năm là khu đất trụ sở làm việc tại BSR tại Quảng Ngãi với 5,905 m2.

Hoàng Nguyên

Fili

Các tin tức khác

>   Cổ phần hóa thực chất để "thay máu" doanh nghiệp nhà nước (16/12/2017)

>   PVOil: Cả năm ước 55,500 tỷ doanh thu, đã có 19 nhà đầu tư muốn làm cổ đông chiến lược (15/12/2017)

>   HOSE: Thông báo đăng ký làm đại lý đấu giá Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng (12/12/2017)

>   17/01, IPO Lọc - Hóa dầu Bình Sơn dự kiến thu về hơn 3,500 tỷ đồng (13/12/2017)

>   HOSE: Thông báo về việc đăng ký làm đại lý đấu giá năm 2018 (11/12/2017)

>   PV Power: Sẽ đấu giá công khai 20% vốn với giá khởi điểm 14,400 đồng/cp (09/12/2017)

>   Đấu giá 20% vốn PV Oil khởi điểm 13,400 đồng/cp, bán 44.7% vốn cho nhà đầu tư chiến lược (09/12/2017)

>   Phê duyệt cổ phần hóa Lọc hóa dầu Bình Sơn giá khởi điểm 14,600 đồng/cp (09/12/2017)

>   HOSE: Thông báo đăng ký làm đại lý đấu giá Công ty Cổ phần Mía đường Tây Ninh (08/12/2017)

>   Đấu giá cổ phiếu VCG: 3 nhà đầu tư đăng ký mua 5.35 triệu cp, bằng 5.56% lượng chào bán (08/12/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật