PVX và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2: Đã nóng chuyện lãnh đạo, nay đến điều chỉnh giá hợp đồng
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trong năm 2017 đã đón nhận một loạt những cơn mưa tai tiếng khiến nhiều vị lãnh đạo bị khởi tố bắt giữ. Và mới đây, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, HNX: PVX) dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ về một số điều chỉnh liên quan đến dự án này.
* ĐHĐCĐ PVX: Tái cơ cấu, giảm kế hoạch còn vỏn vẹn 40 tỷ đồng lợi nhuận… nhưng vẫn khó
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn đang trong quá trình xây dựng
|
Về nội dung liên quan đến việc ký kết Phụ lục điều chỉnh Hợp đồng EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, PVX đã phân trần nguyên nhân thực hiện điều chỉnh vì với khối lượng thi công dở dang và công nợ phải trả nhà thầu đến thời điểm hiện tại thì việc điều chỉnh về giá hợp đồng EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là rất cấp thiết để đảm bảo nguồn lực tiếp tục triển khai hoàn thành dự án.
Theo đó, PVX sẽ điều chỉnh loại hợp đồng, từ hình thức hợp đồng trọn gói sang hợp đồng theo giá kết hợp gồm phần trọn gói và phần giá điều chỉnh. Như vậy, giá hợp đồng (trước VAT) tạm xác định là khoảng 949 triệu USD và 10,710 tỷ đồng, với cơ cấu gồm phần trọn gói là 820 triệu USD và 26.6 tỷ đồng; còn phần giá điều chỉnh là 129 triệu USD và 10,683 tỷ đồng.
Mức giá hợp đồng trên trên bao gồm tất cả các chi phí để thực hiện các nội dung công việc của hợp đồng EPC (kể cả chi phí các hạng mục dung chung nhà máy nhiệt điện Thái Bình), ngoại trừ thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, chi phí thu xếp tài chính của chủ đầu tư.
Được biết trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PVX đã ký hợp đồng EPC với giá trị 1.2 tỷ USD theo hình thức trọn gói. Giá trị hợp đồng quy đổi gần 921 triệu USD và 5,874 tỷ đồng.
Nhiều sai phạm
Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất thiết kế 1,200 MW, với tổng mức đầu tư hơn 34,295 tỷ đồng (tương đương 1.7 tỷ USD), mỗi năm dự kiến sản xuất được 6.74 tỷ kWh điện thương phẩm. Đây là dự án được chấp thuận đưa vào danh mục các dự án điện cấp bách giai đoạn 2013-2020.
|
Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trong năm 2017 đã đón nhiều “tai tiếng”. Theo đó, dự án này đã khiến không ít lãnh đạo của cả PVN và PVX rơi vào vòng lao lý và bị Cơ quan An ninh điều tra tạm bắt giữ để làm rõ những sai phạm như tại Tổng Công ty là ông Vũ Đức Thuận - nguyên Ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc PVX, ông Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị PVX và cùng một số cá nhân khác tại PVX.
Được biết Kiểm toán Nhà nước đã từng có báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước hồi tháng 3/2016, trong đó có đề cập đến tiến độ hoàn thành của dự án. Cụ thể, báo cáo cho biết "Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có hợp đồng EPC nhà máy chính quy định cấp chứng chỉ hoàn thành tạm thời tổ máy số 1 vào tháng 1/2015, tổ máy số 2 vào tháng 7/2015, nhưng đến tháng 8/2015 vẫn chưa có tổ máy nào hoàn thành. Đến nay, dự án đã được điều chỉnh tiến độ. Theo đó, các tổ máy vào vận hành trong tháng 9/2017 và tháng 3/2018”.
Và theo điều chỉnh mới nhất sẽ được trình trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 sắp tới thì tiến độ hợp động dự kiến sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1 vào khoảng cuối tháng 12/2018 còn tổ máy số 2 là cuối tháng 3/2019.
Mới đây đầu tháng 8/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã yêu cầu Tổng cục Năng lượng phối hợp với các đơn vị khẩn trương tiến hành rà soát các vấn đề liên quan đến việc tổ chức đấu thầu do PVC làm tổng thầu EPC đối với gói thầu vật liệu bảo ôn cách nhiệt tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Tại dự án này, PVX được giao làm nhà thầu có nhiệm vụ thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hoá, thiết bị vật tư, xây lắp, nghiệm thu, đào tạo và bàn giao vận hành… Liên quan tới dự án, theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, việc chỉ định gói thầu EPC tại nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Khó hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020
Không những bê bối trong dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, PVX còn gặp khó khăn trong việc hoàn thành các kế hoạch đưa ra trước đó, nên Tổng Công ty dự kiến sẽ trình Đại hội về việc ủy quyền cho HĐQT điều chỉnh kế hoạch 5 năm 2016-2020 và chiến lược phát triển đến 2025, định hướng đến năm 2035, HĐQT đã phân trần về những khó khăn từ khi triển khai thực hiện từ năm 2016.
Cụ thể, chủ đầu tư thực hiện dừng/giãn tiến độ đầu tư các công trình, dự án đã làm ảnh hưởng lớn đến nguồn công việc của PVX và các đơn vị thành viên như tại dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, dự án Lô B – Ô Môn, dự án LNG Thị Vải, dự án Nhiệt điện Long Phú 1...; hay việc thay đổi chủ đầu tư tại dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sang Tập đoàn Điện lực, khiến PVX không tiếp tục được thực hiện hợp đồng EPC làm giảm khoảng 40% kế hoạch sản lượng, doanh thu và khoảng 51% kế hoạch lợi nhuận của PVC giai đoạn 2017-2020.
PVX cho biết dù đã tìm kiếm nguồn công việc mới nhằm bù đắp nhưng kết quả kinh doanh của PVX còn nhiều hạn chế trong công tác thanh kiểm tra và đấu thầu dẫn đến khoản lỗ lũy kế tình đến cuối tháng 9/2017 là 2,982 tỷ đồng, kéo theo đó là khả năng không thể hoàn thành kế hoạch 5 năm, mục tiêu, chiến lược và định hướng phát triển đã đề ra.
Cập nhật về tình hình triển khai thực hiện hợp đồng ghi nhận tổng thể thi công dự án đạt 80.7%, trong đó thiết kế đạt 99.5%, mua sắm, lựa chọn nhà thầu phụ đạt 99.6%; gia công chế tạo và vận chuyển đạt 92,.9% và thi công đạt 73.7%.
Được biết trong kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, mục tiêu của giá trị sản xuất kinh doanh trong 5 năm tới dự kiến đạt 63,100 tỷ đồng.
Phúc Mai
FILI
|