Ông Đoàn Hồng Việt: Digiworld gia nhập ngành mới với thái độ nghiêm túc để xây dựng uy tín trong tương lai
Năm 2017 của CTCP Thế Giới Số (HOSE: DGW) đánh dấu sự chuyển mình khi hợp tác phân phối Xiaomi, tiến công phân phối ngành hàng sức khỏe và tiêu dùng danh. Và DGW đã ghi nhận những thành quả nhất định trong những ngành hàng này nhờ việc liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ phân phối, gầy dựng uy tín cho sản phẩm mới và đảm bảo công tác IR hiệu quả.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc DGW Đoàn Hồng Việt đã có những chia sẻ về bước đi mới mà Digiworld trong năm 2017 cũng như chiến lược phát triển sắp tới.
Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Digiworld
|
Xin ông chia sẻ thêm về thị phần tại thị trường phân phối thiết bị PCs và Laptops của Digiworld hiện nay và chiến lược phát triển phân khúc này trong thời gian tới?
Thị phần mảng laptops của Digiworld đang nằm trong nhóm dẫn đầu với 27% thị phần. Hiện tại đây vẫn là mảng đóng góp doanh thu chủ lực cho Digiworld với hơn 50% doanh thu hàng năm. Qua 20 năm phát triển, Digiworld cũng đã là 1 tên tuổi lớn trong ngành bao phủ toàn thị trường, do đó chiến lược phát triển trong mảng kinh doanh này sẽ phụ thuộc vào việc ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ phân phối, liên tục đưa những sản phẩm có chất lượng cao nhất tới tay nhiều người tiêu dùng nhất. Mặt khác, cải thiện và nâng cao hiệu quả trong hoạt động vận hành cũng là những chỉ tiêu mà Digiworld ngắm tới để phát triển năng lực cạnh tranh của mình.
Từ đầu năm 2017, Digiworld đã thực hiện nhiều quyết định lớn như “kết duyên” với Xiaomi, xin ông cho biết là đến nay thì việc hợp tác này đã mang lại cho công ty doanh thu và lợi nhuận như thế nào? Kỳ vọng trong quý còn lại của năm nay sẽ là bao nhiêu?
Quả thực năm 2017 Digiworld đã có quãng thời gian hết sức bận rộn với thành quả được đánh dấu là các hợp đồng phân phối giá trị, các khoản đầu tư mở rộng nâng cao tầm vóc. Điển hình, Digiworld đã trở thành đơn vị duy nhất phân phối và cung cấp dịch vụ phát triển thị trưởng cho Xiaomi từ tháng 3 năm nay. Xiaomi cùng các khách hàng khác đã giúp tăng trưởng doanh thu của mảng điện thoại di động tăng trưởng 22% trong quý 2 và 31% trong quý 3 so với quý liền trước. Kết thúc quý 3, lợi nhuận ròng của công ty đạt 56 tỷ, cũng đã hoàn thành sớm kế hoạch năm (55 tỷ).
Kỳ vọng quý 4, Digiworld một mặt tiếp tục đẩy mạnh doanh thu lợi nhuận của mảng ICT, mặt khác tiếp tục đầu tư mở rộng mảng hàng tiêu dùng (Consumer goods) để tạo tiền đề tăng trưởng cho các năm về sau.
Mới đây, Digiworld đã chính thức lấn san sang mảng phân phối sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Đây là một ngành hàng được kỳ vọng sẽ giúp Công ty thay đổi tích cực trong kết quả kinh doanh. Xin ông cập nhật thêm về những kết quả ban đầu đạt được trong ngành hàng mới này? Công ty có gặp khó khăn thách thức nào đối với việc phân phối sản phẩm mới này không?
Bước sang ngành hàng chăm sóc sức khỏe, nhiều người cho là trái ngành hoặc quá mới đối với Digiworld, tuy nhiên cung cấp dịch vụ phát triển thị trường mới là thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của Digiworld, dù các dịch vụ này có được cung cấp cho các ngành hàng khác nhau thì vẫn dùng chung một nền tảng cơ sở đó là hệ thống kho bãi, hệ thống logistics, hệ thống quản lý nguồn lực ERP và năng lực hoạch định và triển khai marketing. Ví dụ cụ thể trong ngành hàng chăm sóc sức khỏe, dù chỉ mới bắt đầu triển khai từ cuối mùa hè năm 2017, nhờ kinh nghiệm phát triển mạng lưới phân phối 20 năm nay, Digiworld đã nhanh chóng phát triển được 5,000 đại lý nhà thuốc (trên tổng số hơn 40,000 nhà thuốc trên toàn quốc)
Trên con đường dẫn đến thành công thì chắc chắn có rất nhiều thử thách, vì vậy sứ mệnh của sản phẩm đầu tiên trong ngành hàng này, chúng tôi không đặt nặng doanh thu lợi nhuận trong năm nay mà đóng vai trò mở kênh dẫn đường cho nhiều sản phẩm tiếp theo. Thách thức lớn nhất đối với Digiworld trong ngành này là tạo được niềm tin và uy tín trong ngành, không thể có trong ngày một ngày hai. Digiworld gia nhập ngành với thái độ nghiêm túc và có chuẩn bị là cách để xây dựng uy tín trong đường dài, tương tự như đã làm với ICT.
Có thể nói, Digiworld mạnh dạn bước chân vào nhiều lĩnh vực mới là nhờ tận dụng thế mạnh phát triển thị trường xây dựng thương hiệu (MES). Ông có thể chia sẻ thêm về thế mạnh này không và sắp tới Digiworld sẽ tiếp tục tham gia phân phối cho ngành hàng nào?
Ở Việt Nam có rất nhiều nhà phân phối nhưng chưa có nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường chuyên nghiệp nào như Digiworld, cung cấp các dịch vụ từ A đến Z liên quan tương hỗ với nhau tạo nên 1 giải pháp tổng thể cho 1 nhãn hiệu hoặc nhãn hàng lan tỏa thành công trên thị trường. Nói chung, ngoài việc tạo ra 1 sản phẩm tốt chất lượng cao, nhà sản xuất không cần bận tâm quá nhiều đến việc xây dựng thương hiệu đến người tiêu dùng.
Trong quý 3 vừa rồi, Digiworld đã mua lại cổ phẩn chi phối CTCP CL, là công ty hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), là đơn vị phân phối độc quyền cho Tập đoàn Lion (Nhật Bản). Như vậy, trong ngành hàng tiêu dùng, ngoài chăm sóc sức khỏe, Digiworld sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ phát triển thị trường cho các nhãn hàng tiêu dùng nhanh qua mạng lưới gần 900 siêu thị và 22,000 điểm bán lẻ.
Việc chuyển đổi từ một nhà phân phối thiết bị ICT để trở thành nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường đa ngành yêu cầu chi phí đầu tư ban đầu cao. Vậy, Digiworld đang và sẽ giải quyết bài toán này như thế nào?
Đầu tiên phải khẳng định Digiworld không chuyển đổi từ ICT sang các ngành khác, mà là tiếp tục phát huy năng lực lõi là cung cấp MES cho cả ICT và ngành hàng tiêu dùng. Do dùng chung hệ thống quản lý bao gồm cả quản lý con người, quản lý kho, quản lý hàng hóa, hệ thống logistics và hệ thống ERP, việc đầu tư cơ sở hạ tầng là không đáng kể. Hầu như chi phí ban đầu sẽ nằm ở chỗ đầu tư đội ngũ bán hàng và chi phí marketing cho ngành hàng mới, tất cả chi phí này công ty đã dự trù từ đầu năm tất cả đều theo đúng kế hoạch đó.
Chất lượng quản trị được cải thiện nhờ có hoạt động IR
Mới đây, Digiworld đã xuất sắc được vinh danh là doanh nghiệp có hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) tốt nhất năm 2017 do các định chế tài chính lần cộng đồng nhà đầu tư bình chọn. Xin ông chia sẻ thêm là công tác IR đang thực hiện tại công ty hiện nay?
Chúng tôi rất vinh dự khi được sự tin tưởng và bình chọn từ cộng đồng đầu tư, chúng tôi tin rằng đây sẽ là động lực để Digiworld liên tục hoàn thiện và phát triển cùng các cổ đông của mình. IR ở Digiworld được tổ chức chuyên nghiệp ngay từ khi mới niêm yết với đội ngũ chuyên biệt phụ trách công bố thông tin và quan hệ nhà đầu tư. Bộ phận này không chỉ làm nhiệm vụ truyền tải thông tin đơn thuần mà là bộ lọc thích hợp để đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin của nhà đầu tư trong khi vẫn đảm bảm được nhu cầu bảo mật cho khách hàng, đối tác cũng như tránh tình trạng bị cạnh tranh không lành mạnh từ các đơn vị ngoài thị trường.
Hơn nữa, hệ thống và quy trình của IR với các phòng ban khác được đặt ra ngay từ đầu để giảm thiểu tối đa các rủi ro sai sót công bố thông tin dù là nhỏ nhất; và để thông tin đươc tổng hợp một cách rõ ràng, đầy đủ và dễ hiểu nhất tới các nhà đầu tư.
Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng công tác IR đối với một doanh nghiệp niêm yết? Đâu là những khó khăn và thách thức lớn nhất trong công tác IR mà Digiworld đang đối mặt?
Tôi cho rằng công tác IR đối với một doanh nghiệp niêm yết là quan trọng vì 1 số lý do. Thứ nhất, với thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung, điểm quản trị công ty trong hệ thống chấm điểm Asean Balance Scorecard hiện nay còn thấp hơn các nước trong khu vực rất nhiều, mà lý do đầu tiên, theo các nhà quản lý thị trường, là các doanh nghiệp chưa biết và chưa ý thức được thông tin đưa ra công chúng phải như thế nào. Ví dụ đơn giản như cũng là các thông tin như vậy, nhưng có bản tiếng Anh là chỉ số Scorecard của Việt Nam sẽ được tăng lên rất nhiều. Do đó, nếu có bộ phận IR, từng doanh nghiệp sẽ cải thiện được chất lượng quản trị và từ đó nâng cao vị thế các doanh nghiệp Việt Nam trong tiêu chí lựa chọn điểm đến của các nhà đầu tư Quốc tế.
Thứ hai, nhu cầu phát triển của doanh nghiệp là vô hạn, dù có là công ty 1 tỷ đô hay là công ty thành lập 100 năm thì nhu cầu phát triển, nhu cầu vốn là luôn luôn hiện hữu. Về dài hạn, huy động vốn và tối đa chi phí vốn sẽ cần một định hướng IR thống nhất và lâu dài chứ không phải lúc nào cần mới làm.
Do đặc thù của Digiworld là đơn vị B2B (Business to Business) với khách hàng trực tiếp là các doanh nghiệp khác, do đó không phải đa số các nhà đầu tư đều biết đến Digiworld, thậm chí rất nhiều người còn nhầm Digiworld Corporation là cửa hàng bán lẻ đồ điện tử nào đó ngoài Hà Nội. Và một đặc thù khác là Digiworld chuyên biệt cung cấp các dịch vụ back-end, chuyên môn cao và không thực sự dễ hiểu nếu không làm trong ngành, do đó thách thức đối với IR của Digiworld là phải mô hình hóa, chắt lọc thông tin hữu ích, dễ nắm bắt phục vụ việc phân tích và dự báo cho cộng đồng đầu tư và đảm bảo tính minh bạch, kịp thời và chính xác ở mức cao nhất.
Trí Nhiên
FILI
|