Những yếu tố nào sẽ chi phối TTCK Mỹ trong tuần này?
Sau đây, CNNMoney dẫn ra những yếu tố có thể chi phối thị trường trong tuần này.
1. Nỗi lo sợ bỏ lỡ đà tăng trên thị trường
Nỗi lo sợ có thể ảnh hưởng rất mạnh đến thị trường chứng khoán – trong suốt thời kỳ bùng nổ cũng như thời kỳ sụp đổ.
Còn nhớ, tình trạng hoảng loạn của năm 2008-2009 đã đẩy S&P 500 xuống còn 666 điểm, khiến hàng ngàn tỷ USD “bốc hơi” trên thị trường.
Nỗi lo sợ đóng vai trò không quá rõ ràng trong việc thúc đẩy thị trường tăng trưởng nóng hiện nay. Trong trường hợp tăng trưởng nóng, thì nỗi lo sợ bỏ lỡ đà tăng (FOMO) đóng vai trò chi phối, khi người Mỹ chứng kiến thị trường chứng khoán liên tục phá kỷ lục mới.
Ed Yardeni, Chủ tịch của Yardeni Research, cho hay: “Bạn sẽ thấy ngày càng nhiều người nhảy vào thị trường vì họ lo rằng họ đang lỡ mất đà tăng trên thị trường”.
Dĩ nhiên, đó chưa bao giờ là lý do hợp lý để mua một thứ gì đó – cổ phiếu, trái phiếu hoặc ngay cả là Bitcoin – chỉ vì mọi người khác đang làm thế. Hoạt động đầu tư nên được thực hiện dựa trên những yếu tố cơ bản vững chắc, chứ không phải cảm xúc phi lý (irrational emotion).
Ở mức cực đại, FOMO có thể tạo ra vấn đề thật sự. Yếu tố nay đã dẫn dắt người Mỹ tăng giá căn hộ ở Florida trong thập kỷ vừa qua, làm dấy lên một hiện tượng bong bóng nhà ở đáng sợ – và rồi cuối cùng cũng nổ tung. Ngoài ra, FOMC cũng dẫn tới hiện tượng bong bóng dot-com vào cuối thập niên 90, và xa xưa hơn là bong bóng hoa tulip trong thập niên 70.
Dĩ nhiên, thị trường chứng khoán hiện nay trông có vẻ “khỏe mạnh” hơn những vụ nổ bong bóng khét tiếng trước đây. Lợi nhuận doanh nghiệp ở mức kỷ lục, lạm phát thấp, hoạt động tuyển dụng vẫn ổn định, tăng trưởng kinh tế Mỹ và cả nước ngoài được dự báo sẽ được đẩy nhanh hơn. Tất cả lý do trên đã thúc đẩy giá trên thị trường chứng khoán.
Sam Stovall, Trưởng Bộ phận Chiến lược đầu tư tại CFRA Research, không nghĩ FOMO sẽ chi phối thị trường, mặc dù ông vẫn xem xét kỹ lưỡng để nhận thấy các dấu hiệu. “Thị trường con bò cứ như bóng đèn sợi đốt. Chúng chỉ có thể sáng nhất ngay trước khi tắt ngõm”.
Mặt khác, ông Yardeni nhận thấy các bằng chứng về FOMO đang thúc đẩy dòng tiền đổ vào các quỹ ETF. Ông lo ngại rằng đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang trong giai đoạn đầu của một hiện tượng tăng trưởng quá nhiệt – một đà tăng đáng sợ trên thị trường và thường kết thúc với nỗi đau khôn nguôi.
Ông Yardeni đã thiết lập một mục tiêu vô cùng tham vọng dành cho S&P 500 tại thời điểm cuối năm 2018 là 3,100 điểm (tức tăng 17% so với mức hiện nay). Nếu phải lo lắng điều gì, thì ông lo lắng rằng thị trường chứng khoán ngày càng tăng có thể vượt qua cả mức 3,100 điểm trước cuối năm 2018.
Ông Yardeni cho hay: “Nếu S&P 500 có thể chạm tới ngưỡng này trong vòng 3-6 tháng tới, thì có thể thị trường chứng khoán đang trong tình trạng tăng trưởng quá nhiệt”.
2. Tạm biệt bà Janet Yellen
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tổ chức cuộc họp báo có vẻ là cuối cùng của bà ở Cơ quan này vào ngày thứ Tư (13/12), sau khi các nhà hoạch định chính sách kết thúc cuộc họp 2 ngày cuối cùng của năm 2017. Mọi thứ gần như chắc chắn rằng Fed sẽ quyết định nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 12 tới.
Dưới thời bà Yellen, Fed đã thực hiện biện pháp nâng lãi suất từ từ, vì phải để mắt đến lạm phát – vốn đã ở mức thấp trong thời gian dài. Fed đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay, lần đầu là tháng 3 và lần hai là tháng 6. Mức lãi suất hiện tại (1-1.25%) là thấp so với các thập kỷ trước đây.
Phố Wall không nhận thấy rằng ông Jerome Powell, ứng cử viên được lựa chọn cho chức Chủ tịch Fed, sẽ làm khác với đường lối của bà Yellen về việc thiết lập chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nếu kế hoạch thuế mới chính thức được thi hành, ông Powell có thể hướng Fed đến lộ trình nâng lãi suất nhanh hơn để bắt kịp với nhịp độ của lạm phát.
3. Các hợp đồng tương lai về Bitcoin ra đời trên sàn CBOE
Sàn giao dịch Quyền chọn Chicago (CBOE) đã khởi xướng hoạt động giao dịch hợp đồng tương lai về Bitcoin vào lúc 18h (giờ ET) ngày chủ Nhật. Còn CME Group – sàn giao dịch hợp đồng tương lai lớn nhất trên thế giới – cho biết họ sẽ bắt đầu giao dịch hợp đồng tương lai về Bitcoin vào chủ Nhật tới.
Tuần trước là giai đoạn cực kỳ biến động đối với đồng Bitcoin. Bitcoin đã vượ ngưỡng 17,000 USD lần đầu tiên vào ngày thứ Năm và sau đó sụt hơn 3,000 USD trong ngày thứ Sáu.
Sự điên cuồng Bitcoin ngày càng tăng lên, một phần là vì kỳ vọng về hoạt động giao dịch hợp đồng tương lai trên CBOE, CME và các sàn giao dịch khác. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn đã lên tiếng cảnh báo hoạt động giao dịch hợp đồng tương lai Bitcoin có thể rất nguy hiểm.
4. Quyết định tính bình đẳng về Internet
Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) chuẩn bị bỏ phiếu để loại bỏ sự bảo vệ tính bình đẳng về Internet (net neutrality) đã tồn tại trong kỷ nguyên của cựu Tổng thống Barack Obama, bất chấp các lời kêu gọi trì hoãn cuộc bỏ phiếu từ phía Đảng Dân chủ.
Được biết, tính bình đẳng về Internet buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải đối xử với dữ liệu một cách bình đẳng, không ưu tiên cho bất kỳ loại dữ liệu nào.
5. Kết quả từ ngày Black Friday
Cục Thống kê Dân số Mỹ (Census Bureau) sẽ tiết lộ ước tính về doanh số bán lẻ trong tháng 11 vào ngày thứ Năm (14/12).
Các con số thống kê sẽ cho thấy thành quả của các nhà bán lẻ trong suốt lễ hội mua sắm Black Friday. Các ước tính ban đầu từ ShopperTrak – một công ty phân tích dữ liệu tính toán các con số tại các cửa hàng, cho thấy lưu lượng khách vào cửa hàng khá tương tự với năm ngoái. Dữ liệu vào ngày thứ Sáu (14/12) sẽ cho thấy liệu những người đi mua sắm có chi nhiều như năm 2016 hay không.
6. Những sự kiện quan trọng trong tuần này
Ngày thứ Hai (11/12): Số liệu từ JOLTS về số việc làm đang sẵn có và số người đã từ bỏ việc làm.
Ngày thứ Ba (12/12): Cuộc họp của Fed bắt đầu
Ngày thứ Tư (13/12): Fed công bố quyết định chính sách và cuộc họp báo của Yellen.
Ngày thứ Năm (14/12): Số liệu về doanh số bán lẻ Mỹ, quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE); báo cáo tài chính từ Costco và Oracle
Vũ Hạo (Theo CNNMoney)
FiLi
|