Năm 2018, lo chi phí tăng
Năm 2018, nhiều chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng do một số thay đổi của quy định pháp luật về tiền lương tối thiểu vùng, mức lương cơ sở và bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2018.
Tăng thuế giá trị gia tăng không chỉ ảnh hưởng đến người mua hàng mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, bán ra các mặt hàng đó. Nếu người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Thành Hoa
|
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng có Tờ trình số 10958/BTC-CST ngày 17-8-2017 với Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên. Nếu các đề xuất này được thông qua và có hiệu lực trong năm 2018, thì ít nhiều có thể tăng hơn nỗi lo cho doanh nghiệp về khoản chi phí kinh doanh.
Mức lương tối thiểu vùng tăng có thể làm quỹ lương, kinh phí công đoàn và chi phí tham gia bảo hiểm tăng
Quỹ tiền lương của doanh nghiệp bao gồm tất cả các khoản tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương của những người lao động (NLĐ) thuộc đối tượng đóng BHXH. Trong khi đó, tiền lương tháng dùng làm cơ sở để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc như BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTN BNN) là tiền lương trả cho NLĐ và dĩ nhiên là không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt phương án tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2018 và đang trình lên Chính phủ phê duyệt, với tỷ lệ tăng 6,5% so với năm 2017. Cụ thể, Vùng 1: tăng từ 3.750.000 đồng/tháng lên 3.980.000 đồng/tháng. Vùng 2: tăng từ 3.320.000 đồng/tháng lên 3.530.000 đồng/tháng. Vùng 3: tăng từ 2.900.000 đồng/tháng lên 3.090.000 đồng/tháng. Vùng 4: tăng từ 2.580.000 đồng/tháng lên 2.760.000 đồng/tháng.
Bên cạnh đó, theo nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 13-11-2017 thì mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng từ ngày 1-7-2018.
Như vậy, việc tăng hai mức lương này ngoài việc tăng chi phí lương đối với doanh nghiệp, còn làm tăng chi phí BHXH, BHYT và BHTN, vì mức lương tối đa đóng các loại bảo hiểm này cũng sẽ tăng lên (tối đa 20 tháng lương cơ sở cho BHXH, BHYT và tối đa 20 tháng lương tối thiểu vùng cho BHTN).
Tăng chi phí đóng BHXH và BHTN BNN
Ngoài lý do tiền lương tối thiểu vùng có thể tăng vào đầu năm 2018 như nói trên, chi phí doanh nghiệp phải đóng BHXH và BHTN BNN cho NLĐ cũng tăng vì pháp luật có bổ sung đối tượng NLĐ tham gia BHXH và BHTN BNN và định nghĩa tiền lương tháng dùng làm cơ sở để tính đóng BHXH và BHTN BNN hàng tháng cũng được giải thích rộng hơn.
Việc phân bổ, cơ cấu lương trả cho NLĐ thành các khoản bổ sung khác không phải là mức lương hay phụ cấp lương để giảm thiểu số tiền đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc cho NLĐ như hiện tại đang trở nên khó khả thi hơn.
Một là, nếu trước đây các nhóm lao động này không thuộc diện phải tham gia BHXH thì từ ngày 1-1-2018, họ phải tham gia. Đó là những người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Đặc biệt là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động, hoặc chứng chỉ, giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, đều bắt buộc tham gia BHXH. Bên cạnh đó, nhóm NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng cũng bắt buộc tham gia BHTN BNN từ ngày 1-1-2018.
Hai là, tiền lương tháng dùng làm cơ sở để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc hiện tại chỉ gồm hai khoản là mức lương và phụ cấp lương thì từ ngày đầu năm 2018, tiền lương tháng làm căn cứ đóng các loại bảo hiểm bao gồm cả “các khoản bổ sung khác”.
Tuy nhiên, một số khoản dưới đây được loại trừ khỏi các khoản bổ sung khác, đó là tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ, hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.
Chi phí trả lãi tiền vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu là chi phí không được trừ thuế thu nhập doanh nghiệp
Như Bộ Tài chính đã từng đề xuất với Chính phủ vấn đề này vào năm 2015 nhưng không được thông qua, nay Bộ Tài chính một lần nữa đưa vấn đề này vào dự thảo sửa đổi các luật về thuế, theo đó chi phí trả lãi tiền vay vốn của doanh nghiệp vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu sẽ không được xem là khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Nếu chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1) đối với các lĩnh vực còn lại thì được xem là khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Thuế suất thuế GTGT đối với từng nhóm đối tượng hàng hóa, dịch vụ có thể điều chỉnh tăng, cao nhất lên mức 12%
Theo dự thảo sửa đổi các luật về thuế, các hàng hóa và dịch vụ tương ứng với mức thuế suất thuế GTGT 5% được đề xuất tăng lên 6%, như nước sạch phục vụ sản xuất, sinh hoạt, đường, thiết bị, dụng cụ y tế, giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập, đồ chơi trẻ em... và một số hàng hóa, dịch vụ đang ở mức 10% thì tăng lên 12%.
Thuế GTGT là loại thuế gián thu đánh vào hàng hóa, dịch vụ phát sinh giá trị tăng thêm nên khi thuế suất thuế GTGT tăng thì tổng số tiền mà người mua các mặt hàng trên cũng tăng theo. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người mua hàng mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, bán ra các mặt hàng đó. Nếu người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Bổ sung thêm đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số hàng hóa và dịch vụ
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm đối tượng chịu thuế TTĐB là nước ngọt với thuế suất là 10%, bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, trừ: nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm sữa. Như vậy, nếu áp dụng thuế TTĐB cho nước ngọt là 10%, đồng thời tăng thuế GTGT từ 10% lên 12%, đặc biệt là nguyên liệu đường cũng tăng thuế GTGT từ 5% lên 6%, chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại nước giải khát nêu trên.
Ngoài ra, thuế suất thuế TTĐB của một số hàng hóa, dịch vụ cũng điều chỉnh tăng trong thời gian tới như thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá tăng lên 75% từ ngày 1-1-2019, rượu tăng lên 65% đối với rượu từ 20 độ trở lên và tăng lên 35% đối với rượu dưới 20 độ từ ngày 1-1-2018, bia tăng lên 65% từ ngày 1-1-2018, xe ô tô dưới 24 chỗ tăng lên mức từ 35-75% tùy từng loại kể từ ngày 1-1-2018.
Điểm sáng về thuế
Không kể các chính sách đã và có thể sẽ thay đổi khiến các chi phí kinh doanh của doanh nghiệp bị tăng, Bộ Tài chính cũng có đề xuất chính sách thuế TNDN có ảnh hưởng tích cực cho doanh nghiệp, đó là giảm thuế suất thuế TNDN từ 20% xuống còn 17% đối với doanh nghiệp có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 200 người, đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3-50 tỉ đồng, và xuống 15% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỉ đồng.
|
LS. Cao Xuân Huyền Trang, LS. Cao Thị Hoàng Oanh và LS. Nguyễn Hữu Phước
THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN
|