Moody’s nâng bậc xếp hạng Tín dụng Cơ sở của BIDV
Hôm thứ Sáu (15/12), Moody's Investors Service đã công bố giữ nguyên xếp hạng tiền gửi bằng đồng nội tệ cũng như xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành bằng đồng nội tệ và đồng ngoại tệ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) ở mức B1/Không trọng yếu.
Ngoài ra, BIDV cũng được Moody’s giữ nguyên xếp hạng tiền gửi bằng đồng ngoại tệ ở mức B2/Không trọng yếu.
Đáng chú ý là hãng xếp hạng tín nhiệm này đã nâng bậc BCA (Xếp hạng Tín dụng Cơ sở) và BCA điều chỉnh từ caa1 lên b3.
Về xếp hạng Đánh giá Rủi ro Đối tác (CRA) của BIDV, Moody’s vẫn giữ nguyên bậc B1(cr)/Không trọng yếu.
Moody’s đánh giá triển vọng về tiền gửi bằng đồng nội tệ và xếp hạng nhà phát hành bằng nội tệ và ngoại tê của BIDV vẫn là tích cực, trùng khớp với triển vọng tích cực của Việt Nam. Ngoài ra, Moody’s vẫn giữ triển vọng của BIDV về xếp hạng tiền gửi ngoại tệ ở mức “ổn định”.
* Moody’s giữ nguyên bậc tín nhiệm của MaritimeBank
Việc Moody’s giữ nguyên xếp hạng tiền gửi nội tệ cũng như xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành bằng cả đồng nội tệ và ngoại tệ, đồng thời nâng bậc BCA và BCA điều chỉnh phản ánh một giả định của Moody’s rằng BIDV sẽ nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam (B1, tích cực) lúc cần thiết.
* Moody’s nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam lên “tích cực”
* Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên “tích cực”
Mức đánh giá “B1” đối với xếp hạng tiền gửi bằng nội tệ và ngoại tệ của BIDV cũng tượng tự với bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Ngoài ra, Moody’s còn đánh giá có khả năng “rất cao” là Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ BIDV, qua đó có thể củng cố thêm cho vị thế Ngân hàng lớn thứ 2 ở Việt Nam của BIDV với thị phần lớn về tiền gửi và cho vay trong nước; và 95% cổ phần của Chính phủ Việt Nam (thông qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN)) ở BIDV.
Việc nâng xếp hạng BCA của BIDV xuất phát từ tính ổn định của chất lượng tài sản cũng như sự cải thiện trong tình hình tài chính của Ngân hàng này.
Tỷ lệ khoản vay có vấn đề của BIDV giảm từ 8.4% (tại thời điểm cuối năm 2016) xuống 7.9% (tính tới thời điểm cuối tháng 9/2017), chủ yếu là nhờ tăng trưởng tín dụng cũng như việc giữ ổn định phát sinh nợ có vấn đề tại các khoản vay mới (theo định nghĩa của Moody’s, khoản vay có vấn đề là tổng dư nợ nằm ở nhóm 2-5 theo tiêu chuẩn kế toán Việt Nam và trái phiếu do VAMC (Công ty Quản lý Tài sản của Các tổ chức Tín dụng Việt Nam) phát hành ra.
Moody’s kỳ vọng xu hướng ổn định của chất lượng tài sản ở BIDV sẽ tiếp tục trong vòng 12-18 tháng tới nhờ sự cải thiện trong môi trường hoạt động – và chính điều này cũng sẽ hỗ trợ khả năng trả nợ cho những khách hàng vay của BIDV.
Lượng tiền gửi của khách hàng chiếm tới 73% tài sản hữu hình của BIDV tính tới cuối tháng 9/2017. Sự phụ thuộc vào thị trường vốn của BIDV đã giảm xuống trong những năm gần đây và chỉ chiếm 15% tài sản hữu hình, khi Ngân hàng này đã phát triển cơ sở tiền gửi. Tại thời điểm cuối tháng 9/2017, nguồn thị trường vốn của BIDV chủ yếu bao gồm khoản vay mượn từ NHNN và các ngân hàng khác (chiếm 14% tài sản) và trái phiếu thứ cấp (1% tài sản).
Bên cạnh đó, với tư cách là ngân hàng quốc doanh lớn thứ 2 ở Việt Nam về phương diện tiền gửi và tổng khoản cho vay tại cuối năm 2015 và với tỷ lệ sở hữu cao của Chính phủ Việt Nam, Moody’s kỳ vọng BIDV sẽ hưởng lợi từ việc nhà đầu tư chuyển sang các tài sản an toàn hơn trong trường hợp xuất hiện bất kỳ cú sốc nào ở môi trường trong nước lẫn nước ngoài.
Vũ Hạo (Theo Moody's)
FiLi
|