Làm homestay ở Hội An: Chỉ dân sở tại hay bất cứ ai?
Nhiều ý kiến cho rằng việc chính quyền Hội An (Quảng Nam) đưa ra hàng loạt quy định về làm du lịch homestay của Hội An là một cách thức bảo hộ dân địa phương không đúng cách. Bởi lẽ, đối với dịch vụ nghỉ dưỡng, một phần của ngành dịch vụ không khói, việc dung nạp nhiều ý tưởng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh mới có thể giúp thúc đẩy sự phát triển.
Du khách được phát miễn phí bản đồ du lịch Hội An. Ảnh Trương Chi.
|
Mới đây, thành phố Hội An vừa có quy định liên quan đến đầu tư homestay. Theo đó, chủ kinh doanh homestay (lưu trú tại nhà dân) phải là người dân Hội An, không có vợ, chồng là người nước ngoài, có hộ khẩu tại căn nhà làm dịch vụ thì mới được kinh doanh.
Quy định này, theo chính quyền địa phương là nhằm bảo tồn, phát huy và giới thiệu truyền thống văn hóa, lịch sử, đời sống sinh hoạt của người dân địa phương với du khách.
Đồng thời, thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư làm homestay phải tuân thủ nhiều quy định khác như đảm bảo ít nhất hai thế hệ đang sinh sống tại ngôi nhà đó, và hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa tại thời điểm xin chủ trương đầu tư.
Các quy định về kiến trúc xây dựng, diện tích tối thiểu của thửa đất... cũng được đưa ra, nhằm để bảo tồn các làng quê, làng nghề truyền thống, xây dựng Hội An thành thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch.
Tuy nhiên, quy định nói trên đã tạo ra những cuộc tranh luận trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông trong những ngày qua. Nhiều người cho rằng quy định của Hội An mang nặng tư duy cục bộ, bảo hộ dân địa phương một cách không hợp lý. Bởi vì những người không phải dân Hội An khi kinh doanh homestay ở đây có thể mang đến cho địa phương này nhiều thứ như ý tưởng, kinh nghiệm về thiết kế kiến trúc, xây dựng công trình; kinh nghiệm làm dịch vụ và cung cách phục vụ, du khách; tư duy làm kinh doanh du lịch… và nhiều lợi ích vô hình cùng hữu hình khác.
Người dân bản địa lại cho rằng người từ nơi khác đến có thể làm du lịch theo dạng khách sạn, khu nghỉ dưỡng... nhưng nếu không có gia đình người dân ở đó, thì đó không phải là hình thức homestay. Việc để người địa phương làm du lịch homestay cũng là mở ra và giải quyết bài toán du lịch mang tính cộng đồng; cũng là một cách giúp người dân vừa tăng thu nhập, vừa giữ được văn hóa, đất đai, tài sản của mình; vừa duy trì được nghề chính, truyền thống của mình mà không phải bán đất, không phải làm thuê trên đất của mình.
T.S
TBKTSG
|