Là doanh nghiệp sản xuất bao cao su đầu tiên lên sàn, Merufa có “quyến rũ” với mức giá 18,600 đồng?
Ngày 12/12/2017 tới, sàn UPCoM sẽ đón một doanh nghiệp sản xuất bao cao su có tên CTCP Merufa với gần 3.7 triệu cp lên giao dịch. Với mức giá 18,600 đồng/cp, liệu Merufa có đủ sức quyến rũ nhà đầu tư?
Merufa được thành lập và bắt đầu hoạt động vào năm 1987, tiền thân là Xí nghiệp Cao su Y tế (thuộc Bộ Y tế - Việt Nam), được xây dựng với sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA). Bắt đầu từ năm 2003, Xí nghiệp bắt đầu hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Sau 4 lần thay đổi điều chỉnh vố thì đến năm 2017, vốn điều lệ hiện tại gần 37 tỷ đồng. |
Cơ cấu cổ đông của Merufa có sự góp mặt của những cái tên lớn như Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP nắm giữ 16.1%, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) và Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) lần lượt sở hữu 6.59% và 6.06%. Ngoài ra còn có hai cổ đông cá nhân là bà Trần Nguyễn Thanh Mai đang sở hữu 10.03% và ông Phạm Xuân Mai – Thành viên HĐQT không điều hành cũng là cổ đông lớn với tỷ lệ 5.05%.
Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là sản xuất và mua bán các sản phẩm từ bao cao su, nhựa và kim loại phục vụ cho lĩnh vực y tế, công tác dân số, dụng cụ cho ngành thú ý, chăn nuôi; nghiên cứu khoa học, thiết kế các loại máy móc, thiết bị. Một số sản phẩm bao cao su do Merufa sản xuất là bao cao su Yes, Hello, Trust, Happy,… Các sản phẩm chủ yếu của công ty có thể kể đến như găng tay y tế, bao cao su, các loại nút chai kháng sinh, chai truyền dịch và ống thông, là những mặt hàng tạo nguồn thu chủ lực cho Merufa khi luôn chiếm hơn 99% tổng doanh thu của hai năm 2015 và 2016.
Song song đó, Merufa còn đang mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, quyền sử dụng đất và mỹ phẩm.
Vỏn vẹn 2 tỷ đồng lợi nhuận kế hoạch, nhưng khó hoàn thành
Trong năm 2016, tổng doanh thu của Merufa đã giảm 11% so với cùng kỳ ghi nhận 80 tỷ đồng vì tình hình cạnh tranh của nhiều đơn vị vật tư y tế khác khiến giá bán giảm mạnh. Song Merufa đã thực hiện cải tiến công nghệ, đàm phán giảm giá thành với nhà cung cấp đồng thời lợi nhuận khác cao hơn gấp đôi đạt gần 31.5 tỷ đồng nên lợi nhuận ròng đạt được lại tăng hơn 160% lên gần 26 tỷ đồng, trong khi trước đó chưa tới 10 tỷ đồng. Theo đó, cổ đông của Merufa trong hai năm 2015 và 2016 vẫn đều đặn nhận được cổ tức bằng tiền mặt lần lượt 12% và 13%.
Tuy nhiên, sau năm 2016 bùng nổ lợi nhuận thì dự báo cho năm 2017, Merufa khá khiêm tốn khi tăng doanh thu chưa tới 5%, dự kiến đạt 84.3 tỷ đồng; còn lợi nhuận sau thuế bất ngờ chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng, giảm 92% so với kết quả đạt được trong năm 2016. Tiếp nối năm 2018, doanh thu thuần dự kiến khoảng 97 tỷ đồng, tăng 15% và lợi nhuận sau thuế khoảng 4.4 tỷ đồng. Cổ tức theo đó cũng “teo” lại khi lần lượt có tỷ lệ 5% và 10%.
Kết quả kinh doanh năm và kế hoạch năm 2017-2018 (Đvt: tỷ đồng)
|
Theo số liệu kế toán tính đến 30/09/2017, doanh thu thuần của Merufa thực hiện 68.6% kế hoạch cả năm với 58 tỷ đồng và hơn hết là khoản lỗ ròng gần 2 tỷ đồng. Merufa giải trình nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ giá vốn đầu vào công ty tăng mạnh làm giảm lợi nhuận gộp, dẫn đến không thể gánh nổi các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Đầu tư thiếu hiệu quả và công suất kém
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2017 trước đó có đưa ra 3 công trình với tổng vốn đầu tư 21.5 tỷ đồng gồm có dự án xây khu nhà 3 tầng sản xuất bao cao su và găng phẫu thuật (NSX-VL) với mức vốn dự kiến 11 tỷ đồng, dự án xây nhà văn phòng 6 tầng ở 138 Nguyễn Văn Trỗi (VP138-NVT) khoảng 3.5 tỷ đồng và dự án xây dựng kho ở Đông Thạnh Hóc Môn (KHO-HM) là 7 tỷ đồng.
Nhưng đến khoảng tháng 5/2017, Ban lãnh đạo của Merufa vì nhận thấy việc xây dựng khu nhà sản xuất (NSX-VL) hiện chưa cần thiết vì hiệu quả sử dụng không cao mà vốn xây dựng lại chưa đủ nên quyết định tạm thời dừng dự án này. Đồng thời, dự án KHO-HM cũng chung số phận dù Công ty đã ký hợp đồng thuê tư vấn thiết kế. Duy chỉ có dự án VP138-NVT vẫn được tiến hành.
Về khoản đầu tư liên kết, hiện Merufa đang rót 3.6 tỷ đồng, tương đương 43% vốn vào CTCP Mỹ Bích đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh. Được biết, cổ đông tại ĐHĐCĐ năm 2017 cũng đã chất vấn Ban lãnh đạo về Mỹ Bích khi liên tục lỗ trong những năm vừa qua. Ngoài ra, Công ty còn có khoảng 386 triệu đồng đầu tư vào CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (tính đến cuối năm 2016).
Về tình hình đất đai, bên cạnh văn phòng Công ty đặt tại Quận Phú Nhuận, TPHCM, Merufa còn có thêm một khu đất khác để xây dựng văn phòng diện tích gần 118 m2, nhà máy có tổng diện tích 15,670 m2, khu nhà kho khoảng 4,531 m2.
Hiện nay, Merufa đang sở hữu các dây chuyền sản xuất bao cao su, nút chai và nhúng găng tự động, tuy nhiên, những dây chuyền này vẫn chưa được khai thác hết công suất. Cụ thể, dây chuyền sản xuất bao cao su có công suất 120 triệu bao/năm, nhưng trong hai năm 2014 và 2015 thì chỉ mới sản xuất vỏn vẹn 20% công suất. Còn 5 dây chuyền nhúng găng tự động với sản lượng 30 triệu đôi/năm và trong năm 2014-2015 thì chỉ sử dụng khoảng 55% công suất. Tương tự với dây chuyền sản xuất nút chai các loại có thể tạo ra trên dưới 40 triệu cái/năm nhưng công suất thực chất chỉ 75%.
Hai cổ đông ngân hàng có dự định thâu tóm?
Trong lần ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, cả hai đại diện của MBB và STB đã có chung quan điểm không đồng tình với một số quy định tại Merufa như giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với cổ đông là cá nhân và pháp nhân, giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài và quy định hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần đối với HĐQT và BKS.
Theo đó, MBB đề nghị bỏ các quy định trên và điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 49%. Ngoài ra, còn có đề nghị Công ty cần tập trung vào năng lực cốt lõi khi nhiều năm gần đây kết quả kinh doanh liên tục sụt giảm và mức chia cổ tức năm 2016 ở mức 18-20%.
Phía STB còn có thêm những chất vấn xoay quanh về kế hoạch cũng như cổ tức năm 2017 quá thấp, về hiệu quả của việc đầu tư khi giữ lại khoảng 11 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2016 và đề nghị Ban lãnh đạo của Merufa cần có kế hoạch đầu tư cụ thể để tránh thất thoát.
Theo đó, ông Phạm Xuân Mai – cựu Chủ tịch HĐQT có phân trần việc đưa ra các quy định giới hạn như hai cổ đông ngân hàng đề cập nhằm mục đích bảo vệ Công ty tránh tình trạng thâu tóm trước một hoặc hai tư nhân và đảm bảo các Thành viên HĐQT không thể tự do bán cổ phần gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của cổ đông khác.
Phúc Mai
FILI