Thứ Năm, 14/12/2017 21:21

Không lấy tiền nhà nước bồi thường thay nhà thầu

Chính phủ đề nghị dùng nguồn trái phiếu Chính phủ đề bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng do quá trình thi công nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, nhưng không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình.

Thừa uỷ quyền Chính phủ, bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ để bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên - Ảnh: Quochoi.vn.

Theo bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, trong tổng số 31 dự án thành phần thuộc các công trình nêu trên, ước tính có khoảng hơn 35.800 hộ dân bị ảnh hưởng với dự kiến kinh phí đền bù nằm ngoài trách nhiệm bảo hiểm do chủ đầu tư mua khoảng gần 167 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc bồi thường cho các hộ dân có nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng tại một số dự án lại chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để xem xét, giải quyết dứt điểm, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

"Chính phủ kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, cho phép Bộ GTVT sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của các dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để chi trả bồi thường thiệt hại nêu trên", bộ trưởng nói.

Thẩm tra đề xuất này, Uỷ ban Tài chính - ngân sách Quốc hội cho rằng việc tháo gỡ vướng mắc, xử lý dứt điểm, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân là cần thiết. Tuy vậy, xử lý vấn đề này phải được cân nhắc, xem xét, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm bồi thường và nguồn vốn để chi trả bồi thường.

Theo phân tích, việc bồi thường trong trường hợp này phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật dân sự.

Đồng tình với quan điểm này, chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình phân tích: "Chúng ta phải làm rõ trách nhiệm đó thuộc về ai? Thuộc Chính phủ, Bộ Xây dựng hay trách nhiệm thuộc nhà thầu? Nếu không thì đưa vấn đề này ra toà xử lý trách nhiệm hành chính, dân sự, trách nhiệm thuộc về ai người đó trả chứ Nhà nước không trả".

"Vấn đề này thuộc về dân sự, luật quy định rõ ràng có hai loại bồi thường là bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Lỗi ở đây là do thi công thì nhà thầu phải bồi thường", chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ.

"Nếu Chính phủ cam kết cứ để cho nhà thầu làm, ảnh hưởng đến nhà dân thì Chính phủ chịu trách nhiệm. Nếu không có thoả thuận ấy thì nhà thầu phải chịu, không thoả thuận được thì ra toà".

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng khẳng định không có căn cứ để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải quyết vấn đề này như đề xuất của Chính phủ.

LÊ KIÊN

TTO

Các tin tức khác

>   Thủy đài 'khủng' ở Sài Gòn bị đập bỏ sau hàng chục năm bỏ hoang (14/12/2017)

>   "Quy hoạch treo làm khổ doanh nghiệp lẫn người dân" (14/12/2017)

>   Rủi ro tín dụng BOT (13/12/2017)

>   BOT: Địa vị pháp lý thấp và những nguy cơ tiềm ẩn (10/12/2017)

>   Khánh Hòa thông qua nghị quyết thành lập đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong (08/12/2017)

>   Thành phố Thủ Dầu Một là đô thị loại I (06/12/2017)

>   'Đày' dân trong khu tái định cư (06/12/2017)

>   Lập ban chỉ đạo cấp nhà nước, thúc sân bay Long Thành sớm về đích (30/11/2017)

>   Nghiên cứu đề án quy hoạch khu Đông Bắc TPHCM (30/11/2017)

>   Chuyển đầu tư cao tốc nối với Trung Quốc: Từ ngân sách sang BOT (30/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật