Thứ Sáu, 29/12/2017 21:05

Giữa ghế nóng ngân hàng và doanh nghiệp, nhiều sếp lớn chọn làm banker

Dù lựa chọn ngân hàng và không còn là lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp, nhưng thực chất chủ sở hữu hay thương hiệu doanh nghiệp vẫn “thuộc về” các sếp lớn này. Nhiều người trong số họ cho biết sẽ vẫn là những người cố vấn, là người giám sát từ xa của doanh nghiệp.

Rất khó có thể thay đổi những tên tuổi gắn với doanh nghiệp suốt hàng chục năm qua như “Minh Him Lam”, “Thắng Đồng Tâm”, “Tiền Geleximco”, “Nga BRG”, “Hiển T&T”, “Phú Doji”, “Thái Hương TH”,…

Cách đây hơn 1 tháng, chiều 20/11, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) đã chính thức được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh nội dung quan trọng là cho phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt như 1 trong 5 phương án để tái cơ cấu với nhóm này, thì vấn đề về chức danh đối với các lãnh đạo ngân hàng cũng nhận được nhiều sự quan tâm.

Cụ thể, theo quy định mới, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, các lãnh đạo trong Ban điều hành nắm giữ vị trí Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng cũng không được đồng thời là thành viên HĐQT, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng. Bản thân Phó Tổng giám đốc và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng cũng không được đồng thời là Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Theo đó, từ ngày 15/01/2018 khi Luật này chính thức có hiệu lực, nhiều sếp lớn sẽ phải “cân não” chọn một trong hai, hoặc tiếp tục làm lãnh đạo cấp cao tại các doanh nghiệp của mình hoặc ”ghế nóng” Chủ tịch/Tổng giám đốc của nhà băng.

Quyết chọn làm ngân hàng

Người đầu tiên nhanh chóng đưa ra quyết định là tân Chủ tịch Dương Công Minh của Sacombank. Trả lời báo chí, ông Minh cho biết sẽ từ chức Chủ tịch HĐQT tại Him Lam để tập trung vào quá trình tái cơ cấu Sacombank. Theo ông, việc thôi chức ở Him Lam sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty.

Hiện tại, ông Minh đang sở hữu 99% cổ phần của Him Lam. Khi ông rời khỏi vị trí Chủ tịch, Công ty sẽ thực hiện bầu lại cơ cấu của ban quản trị và dự kiến ông Trần Văn Tĩnh sẽ đảm nhiệm chức vụ này thay ông.

Hai tháng gần đây, Chủ tịch Dương Công Minh liên tục gom vào cổ phiếu STB của Sacombank. Tổng số lượng cổ phiếu ông Minh đã mua trước đó là hơn 21.2 triệu cp STB, trị giá hơn 220 tỷ đồng và tiếp tục đăng ký mua thêm 1 triệu cp trong nửa đầu tháng 1/2018. Ông Minh hiện đang nắm giữ hơn 62.5 triệu cp STB, chiếm 3.32% vốn điều lệ và tương ứng 3.47% vốn Sacombank. Được biết, ông có ý định nâng sở hữu tại Sacombank lên 5% vốn điều lệ trong thời gian tới.

Ông Dương Công Minh: “Tôi sẽ từ chức Chủ tịch Công ty Him Lam”.

Ông Đỗ Minh Phú: "Con người ta có thể thay nhiều bộ trang phục khác nhau nhưng chiếc áo lót thì luôn luôn ở bên họ”.

Bà Thái Hương: “Tôi đã hoàn thành sứ mệnh tại TH True Milk”.

Những ngày cuối năm gần đây, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc Đá quý DOJI kiêm Chủ tịch HĐQT TPBank và bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT TH True Milk kiêm Tổng Giám đốc BacABank cũng đã cho biết quyết định của mình.

Tương tự ông Dương Công Minh, ông Đỗ Minh Phú lựa chọn tiếp tục làm Chủ tịch TPBank, đồng thời thôi vị trí này tại DOJI. Ông Phú cho rằng TPBank có thể cần mình hơn trong thời gian tới, còn DOJI đã có một quá trình chuẩn bị đủ dài và các thế hệ kế cận có thể đảm trách thay ông.

Trước cán bộ nhân viên của cả TPBank lẫn DOJI, ông Phú chia sẻ DOJI là nơi đã gắn bó với tên tuổi của ông trong một phần tư thế kỷ, nhưng 5 năm đảm nhận TPBank là thời gian ông được trải nghiệm nhiều thách thức nhất và ông vẫn còn nhiều việc phải làm. Đầu tháng 12/2017, ĐHĐCĐ TPBank đã thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu trên HOSE.

Với nữ tướng của TH True Milk, bà Thái Hương cũng lựa chọn sẽ rời ghế Chủ tịch HĐQT Công ty sau 10 năm gắn bó để tiếp tục lãnh đạo, điều hành BacABank trên vai trò Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Chia sẻ với báo giới trong ngày chào sàn UPCoM của BacABank (28/12), Bà Hương cho biết đã hoàn thành sứ mệnh tại TH True Milk và nhường lại cho lớp trẻ gánh vác dưới sự giám sát của bà. Mặc dù rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT TH True Milk nhưng bà Hương vẫn sẽ nắm giữ vai trò là người sáng lập và là nhà tư vấn đầu tư.

Trong một buổi trả lời báo chí, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), Chủ tịch HĐQT SHB và Tập đoàn T&T cũng quyết định đảm nhiệm trọng trách tại ngân hàng, đồng thời từ nhiệm tại T&T.

Trước đó, ông Võ Quốc Thắng, người đang giữ 3 ghế chủ tịch gồm KienLongBank, Công ty VPF và Công ty Đồng Tâm cũng cho biết vấn đề chức danh sẽ được bàn bạc, trao đổi trong HĐQT cũng như trong các ĐHĐCĐ tới đây.

Những ngày cuối cùng của năm cũ 2017 đã qua đi, khoảng thời gian đầu năm 2018 dự báo sẽ có biến lớn liên quan đến nhân sự cấp cao của các ngân hàng. Thực tế hiện nay còn rất nhiều trường hợp lãnh đạo kiêm nhiệm các chức vụ quan trọng tại cả ngân hàng và doanh nghiệp, chẳng hạn như ông Vũ Văn Tiền (Chủ tịch HĐQT ABBank và Geleximco), ông Đặng Khắc Vỹ (Chủ tịch HĐQT VIB kiêm Chủ tịch Công ty Mareven Food Holdings), bà Nguyễn Thị Nga (Chủ tịch HĐQT SeABank và Chủ tịch Tập đoàn BRG cùng nhiều công ty khác), bà Lê Thị Băng Tâm (Chủ tịch HĐTQ HDBank và Vinamilk), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank và Masan),…

Thu Phong

FiLi

Các tin tức khác

>   Nhà băng thiệt hại gần 4.800 tỷ, sếp cũ ở GPBank lĩnh 5 năm tù (29/12/2017)

>   VinaCapital đã rót 22 triệu USD vào HDBank (29/12/2017)

>   BacABank sẽ phát hành 46.2 triệu cp trả cổ tức và chào bán riêng lẻ 3.79 triệu cp (29/12/2017)

>   NHNN sửa đổi Thông tư 36 về giới hạn và tỷ lệ đảm bảo an toàn của TCTD (29/12/2017)

>   Một ngân hàng TPHCM thưởng Tết dương lịch tới 1,5 tỷ đồng (29/12/2017)

>   Ngân hàng SCB hợp tác toàn diện với Hong Kong Huarong Financial (29/12/2017)

>   Eximbank tiếp tục "rải rác" thoái vốn Sacombank, giảm sở hữu xuống 7.94% vốn (29/12/2017)

>   DATC đấu giá bất thành khoản nợ phải thu hơn 320 tỷ tại CTCP Du lịch Tân Phú (29/12/2017)

>   Nhiều dự án khủng siết nợ xong bán không được (29/12/2017)

>   Sẽ xử lý dịch vụ đổi tiền lẻ không đúng quy định (28/12/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật