Thứ Tư, 13/12/2017 17:14

Gần 142 triệu cp lên sàn, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp vẫn còn nặng gánh nhiều vấn đề

Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 15/12/2017, gần 142 triệu cp của Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp sẽ chính thức lên UPCoM với mã chứng khoán MIE. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10,100 đồng/cp.

Trong đó, số lượng chứng khoán bị hạn chế chuyển nhượng là 76,700 cp. Toàn bộ số cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng này thuộc sở hữu của người lao động Công ty do thực hiện việc mua cổ phần ưu đãi theo diện cam kết làm việc lâu dài.

Được biết, MIE được thành lập từ năm 1990 trên cơ sở tập hợp 11 đơn vị sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực chế tạo máy và thiết bị công nghiệp do Bộ Công nghiệp nặng quản lý và các đơn vị thuộc ngành do Bộ khác chuyển sang.

Tổng công ty chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế tạo sản phẩm cơ khí, lắp đặt máy móc thiết bị và kinh doanh thương mại; khai thác hoạt động thiết kế, chế tạo và cung cấp thiết bị cơ khí thủy công, thiết bị toàn bộ, thiết bị lẻ và phụ tùng cho các ngành thủy điện, nhiệt điện, rượu bia, hóa chất, xi măng... Các sản phẩm chủ yếu của Tổng công ty là dây chuyền thiết bị toàn bộ, thiết bị cơ khí thủy công, sản phẩm cơ khí truyền thống.

Hiện MIE có 7 công ty con với tỷ lệ sở hữu từ 51% đến 100% và 1 công ty liên kết là CTCP Đầu tư Thương Mại Sài Gòn - Hà Nội (sở hữu 20% vốn).

Đẩy mạnh tái cơ cấu sau cổ phần hóa

Ngày 21/11/2016, Công ty mẹ - Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp đã tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 140.8 triệu cp. Tuy nhiên, phiên IPO diễn ra khá "chóng vánh" với lượng chào bán thành công chỉ đạt 140,900 cp (chiếm 0.1% lượng cổ phiếu đấu giá), được phân phối cho 11 nhà đầu tư với giá trúng bình quân 10,021 đồng/cp, thu về vỏn vẹn 1.4 tỷ đồng.

Theo Bản cáo bạch, Ban lãnh đạo MIE cho biết, sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020. Cụ thể, thoái hết phần vốn đầu tư ngoài ngành, thoái hết phần vốn đầu tư tại các công ty liên kết và thoái tiếp phần vốn tại Tổng công ty trong trường hợp vẫn còn vốn Nhà nước sau khi chào bán cổ phần lần đầu.

Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng xây dựng lộ trình cổ phần hóa 4 công ty con (Công ty TNHH MTV Cơ khí Hà Nội, Công ty TNHH MTV Cơ khí Quang Trung, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu sản phẩm cơ khí, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật) và bán hết phần vốn tại các đơn vị này.

Được biết, kể từ thời điểm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ tháng 1/2017, vốn điều lệ của MIE đạt gần 1,420 tỷ đồng và chưa tiến hành tăng vốn điều lệ cho đến nay. Bộ Công Thương hiện đang nắm tới 99.6% vốn, tương đương 141.4 triệu cp và là cổ đông lớn duy nhất của Tổng công ty. MIE không có cổ đông sáng lập.

Hàng loạt cơ sở cho ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên BCTC

Với BCTC hợp nhất năm 2016, kiểm toán đã phát hành Báo cáo kiểm toán của Tổng Công ty (Công ty mẹ) với ý kiến chấp nhận từng phần. Vì vậy, BCTC hợp nhất cũng bị ảnh hưởng bởi giới hạn của báo cáo kiểm toán trên.

Trong đó, kiểm toán không thể đưa ra đánh giá đầy đủ về mức độ ảnh hưởng của các ý kiến kiểm toán chấp nhận từng phần trên các Báo cáo kiểm toán BCTC năm 2016 của các Công ty con đến BCTC hợp nhất năm 2016. Đồng thời không thể xác định là loại trừ được lãi chưa thực hiện trong kết quả kinh doanh của Tổng công ty vì Công ty mẹ và các Công ty con không theo dõi riêng các hàng hóa mua trong nội bộ Tổng công ty để xác định được hàng hóa đó đã bán ra ngoài Tổng công ty hay còn đang tồn kho tại ngày 31/12/2016 nên chưa đưa ra ý kiến về vấn đề này.

Kiểm toán cũng không đưa ra ý kiến về một số vấn đề liên quan đến việc ước tính số quỹ khen thưởng phúc lợi của các công ty con (CTCP Cơ khí Duyên Hải, CTCP Dụng cụ số 1); khoản đầu tư vào CTCP Thương mại Sài Gòn Hà Nội (công ty liên kết); việc hạch toán một số khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết; việc hạch toán lợi nhuận sau khi Công ty TNHH MTV Cơ khí Duyên Hải chính thức chuyển thành công ty cổ phần,...

Với BCTC công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2017, Kiểm toán cho biết MIE đang tiến hành công tác quyết toán cổ phần hóa nên chưa có Biên bản bàn giao số liệu kế toán từ Công ty TNHH NN MTV sang Công ty cổ phần. Kiểm toán chưa có tài liệu cần thiết để có thể đánh giá được tổn thất (nếu có) của các khoản đầu tư vào công ty liên kết, ngoại trừ khoản đầu tư vào CTCP Cơ khí Chế tạo Hải Phòng.

Kiểm toán cũng không đưa ra ý kiến về một số phần trong các khoản mục trình bày tại thuyết minh như "Đầu tư vào công ty con", "Phải thu khách hàng", "Phải thu khác" cũng như khoản tiền "Trả trước cho người bán ngắn hạn" của chi nhánh Tổng Công ty với số tiền hơn 1.27 tỷ đồng (đã tồn tại hơn 3 năm và trong 3 năm đó không có bất cứ khoản giao dịch gì liên quan đến khoản trả).

Với BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2017, bên cạnh các vấn đề liên quan đến công ty mẹ như đã đề cập bên trên, Kiểm toán còn cho biết chưa thể đánh giá đầy đủ và xác định việc xử lý các khoản công nợ phải thu của Công ty TNHH NN MTV cơ khí Quang trung bao gồm phải thu CTCP Thép Hà Nội, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thế Anh; khoản phải thu khác đối với ông Nguyễn Duy Xuyên,... Các khoản công nợ phải thu này bản chất là các khoản công nợ phải thu khách hàng và phải thu khác của Xí nghiệp kinh doanh Xuất nhập khẩu Tổng hợp (đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập của Công ty TNHH NN MTV Cơ khí Quang Trung) từ trước ngày 31/12/2014. Tuy nhiên, Xí nghiệp này hiện nay đã ngừng hoạt động, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH NN MTV Cơ khí Quang Trung kiêm Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh Tổng hợp đang bị tạm giam để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu. Hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra.

Bên cạnh đó, Báo cáo kiểm toán về Báo cáo tài chính bán niên của Công ty TNHH NN MTV Cơ khí Quang Trung chưa thể có đánh giá đầy đủ và xác định việc xử lý các khoản vay mà Xí nghiệp không có khả năng thanh toán và không có biên bản xác nhận bao gồm: Khoản vay ngắn hạn Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội với (24.99 tỷ đồng) do Xí nghiệp Kinh doanh Xuất nhập khẩu Tổng hợp trực tiếp vay; khoản vay VietinBank – Chi nhánh Đông Hà Nội (24.26 tỷ đồng) do Công ty TNHH NN MTV Cơ khí Quang Trung vay hộ Xí Nghiệp; khoản vay Công đoàn Công ty TNHH NN MTV Cơ khí Quang Trung (267 triệu đồng), vay cá nhân Bà Trần Thị Thược (78 triệu đồng) và CTCP Thép Mitsu Vina (1.33 tỷ đồng).

Kiểm toán cũng không đưa ra ý kiến về việc hạch toán kết quả kinh doanh liên quan đến các khoản mục phí quản lý doanh nghiệp, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trên Bảng báo cáo kết quả kinh doanh. Kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về giá thuần có thể thực hiện được của số hàng tồn kho chậm luân chuyển của công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Thiết bị Toàn bộ.

Các chỉ tiêu “Khấu hao trong kỳ” của CTCP Cơ khí Duyên Hải, khoản đầu tư vào Công ty CP Thương mại Sài Gòn - Hà Nội, khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Địa ốc Hoàng Gia Kiểm toán cũng chưa đưa ra ý kiến. Ngoài ra, số liệu tại ngày 20/01/2017 được sử dụng để lập báo cáo tài chính hợp nhất này của CTCP Cơ khí Cửu Long và CTCP Cơ khí Duyên Hải chưa được soát xét.

Kết quả kinh doanh hợp nhất

Lợi nhuận sau thuế 2017 "rất khó có thể đạt chỉ tiêu đề ra", năm 2018 ước đạt 6.7 tỷ đồng

Nửa đầu năm 2017, doanh thu thuần hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 447 tỷ đồng, tương đương 41.5% kế hoạch cả năm và tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016. Doanh thu chủ yếu có được từ nhóm sản phẩm thiết bị cơ khí thủy công, phụ tùng công nghiệp và dịch vụ công nghiệp

Doanh thu sản xuất công nghiệp ghi nhận 411 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch cả năm 2017 và tăng 76% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1.27 tỷ đồng, mới thực hiện được 21% kế hoạch.

Ban lãnh đạo MIE đánh giá chỉ tiêu về doanh thu Tổng công ty sẽ đạt kế hoạch đề ra. Còn doanh thu sản xuất công nghiệp có hoàn thành hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc bàn giao hàng hóa cho đối tác cuối năm, tuy nhiên tối thiểu sẽ đạt khoảng 90 -92% kế hoạch năm. Riêng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế "rất khó có thể đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra", Tổng công ty cho biết.

Năm 2018, MIE đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 1,151 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.7 tỷ đồng; tăng lần lượt 7% và 12% so với kế hoạch đặt ra cho năm 2017. Tổng Công ty dự kiến không chia cổ tức cho cả hai năm này.

Kế hoạch doanh thu, lợi nhuận hợp nhất 2 năm tiếp theo (Đvt: Triệu đồng)

Thu Phong

FiLI

Các tin tức khác

>   Vàng Agribank có lỡ hẹn với sàn UPCoM? (13/12/2017)

>   E1VFVN30: Thông báo niêm yết và giao dịch chứng chỉ quỹ ETF thay đổi niêm yết (13/12/2017)

>   Cao su Đồng Nai bất ngờ hủy kế hoạch bán đấu giá cổ phần HDBank (12/12/2017)

>   IBC: Bài giới thiệu niêm yết (12/12/2017)

>   18/12, hơn 13.5 triệu cp May Hưng Yên lên UPCoM với giá tham chiếu 28,000 đồng/cp (13/12/2017)

>   TBN: CBTT Thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (12/12/2017)

>   VIT: Ngày 18/12/2017, ngày giao dịch đầu tiên 4,500,000 cổ phiếu niêm yết bổ sung (12/12/2017)

>   DHC: Thông báo niêm yết và giao dịch cổ phiếu thay đổi niêm yết (12/12/2017)

>   SFI: Quyết định thay đổi niêm yết (12/12/2017)

>   DHC: Quyết định thay đổi niêm yết (12/12/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật