Thứ Ba, 05/12/2017 08:50

Đối thoại doanh nghiệp: Nhiều rào cản còn xếp hàng chờ tháo gỡ

Với chương trình Hội thoại với doanh nghiệp trong chiều ngày 04/12/2017, hàng loạt vấn đề khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, đầu tư tài chính, kinh tế số và khởi nghiệp sáng tạo đã được đề cập, song song đó là giải pháp đề xuất lên các Bộ, Ngành cấp quản lý.

Thực hiện theo Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hoạt động của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính mà đại diện là Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân tổ chức Hội nghị đối thoại lần thứ hai với doanh nghiệp ngày 04/12.

Ông Mai Tiến Dũng - Bộ Trưởng kiêm Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ đồng thời cũng là Chủ tịch HĐTV của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho biết mục đích của những buổi hội nghị đối thoái doanh nghiệp nhằm tổng hợp, xử lý các phản ánh, kiến nghị và cải cách các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản, khó khăn vướng mắc trong  đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cắt giảm chi phí, gia tăng hiệu quả hoạt động.

Ông Mai Tiến Dũng chia sẻ tại hội nghị Hội thoại với doanh nghiệp trong chiều ngày 04/12/2017

Chính sách cho nông nghiệp còn nhiều vướng mắc

Về ngành nông nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2017, nhìn chung các lĩnh vực chủ chốt của ngành như trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp cũng như tình hình xuất nông sản đều khởi sắc, giúp toàn ngành vực dậy đà tăng trưởng ở mức 2.8%, trong đó thủy sản là lĩnh vực có những tín hiệu tích cực sẽ bứt phá trong thời gian tới mà nhất là hoạt động nuôi tôm nước lợ. Cùng với những khả quan, ngành Nông nghiệp vẫn tồn tại những rào cản về mặt chính sách và thực thi chính sách, pháp luật gây vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng đầu năm

Cụ thể, vấn đề đầu tiên được đề cập là chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn chưa hiệu quả khi thiếu tính ổn định, chưa thiết thực, độ hấp dẫn của các chính sách thấp. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục rườm ra, phức tạp tốn nhiều thời gian và hạn chế khả năng tiếp cận các cơ hội ưu đãi của doanh nghiệp hay chính sách thuế vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng giữa các chủ thể trong cùng một lĩnh vực sản xuất.

Theo đó, một số đề nghị được đưa ra cho những vấn đề trên là việc nghiên cứu chính sách thuế thấu đáo cho ngành nông nghiệp, bỏ thuế xuất khẩu hàng nông sản và thuế nhập khẩu công nghệ ứng dụng cho nông nghiệp, xem xét miễn giảm thuế các loại cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành.

Bên cạnh đó, một số vấn đề khác là các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa phù hợp, doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các cơ chế ưu đãi; chưa có sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa; cơ chế hợp tác công ty trong xúc tiến thương mại ngành nông nghiệp còn hạn chế và kém hiệu quả.

Riêng với ngành nuôi tôm giống với đánh giá là ngành có lợi thế trong tiếp cận, dễ dàng mở rộng thị trường quốc tế thì cần thêm các chính sách hỗ trợ đặc thù và kịp thời cho ngành tôm giống để tăng cường sản lượng ngành tôm.

Nhiều vấn đề bất bình đẳng với kinh tế số

Kinh tế số dần phát triển mạnh và nắm vai trò quan trọng trên nền kinh tế toàn cầu. Sự chuyển đổi kinh tế là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia, và là nền tảng cho các nền kinh tế khác. Chính phủ đã thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc nhận biết cơ hội, giá trị và thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, hình thành các Smartcity tại Việt Nam, tạo ra các cơ hội nắm bắt cách mạng công nghiệp 4.0

Song, con đường hình thành kinh tế số còn đối diện nhiều thách thức như chưa có chiến lược chuyển đổi số quốc gia nên các chính sách triển khai còn thiếu vắng hoặc không đồng nhất với chủ trương lớn. Cụ thể, các doanh nghiệp công nghệ thông tin vẫn gặp sự phân biệt giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân; gặp khó khăn về quy trình, thủ tục và cách thức định giá sản phẩm hay rào cản về đầu tư đo quy định về phí viễn thông công ích.

Do đó, các doanh nghiệp thuộc ngành công nghệ thông tin đưa ra đề nghị Chính phủ đảm bảo sự bình đẳng các thành phần kinh tế khi tiếp cận các dự án công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách để thu hút nguồn lực khu vực tư nhân vào đầu tư phát triển kinh tế số cùng với việc ban hành, rà soát các chính sách, quy định pháp luật.

Chính sách cho các doanh nghiệp vận hành mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là các doanh nghiệp phát triển kinh tế số cần tiếp tục hoàn thiện cụ thể hơn. Hiện tại, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế số. Còn khung pháp lý của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ lại chưa hình thành để tạo thuận lợi cho hoạt động, mà chủ yếu là vấn đề thương mại hóa các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo từ ứng dụng công nghệ thông tin còn gặp nhiều khó khăn. Do đó đề xuất được đề cập là xây dựng chính sách thương mại hóa một cách rõ ràng, đồng thời hạn chế trì hoãn, lãng phí thời gian trong công tác cấp phép giấy tờ và cần xác định các nhóm sản phẩm chiến lược nhằm cụ thể hóa các quy định ưu tiên phù hợp và phát huy lợi thế của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.

Hiện nay trong quá trình để phát triển Smartcity thì vẫn chưa thống nhất được nhận thức, còn thiếu nguồn lực mà cụ thể là việc thiếu các bộ tiêu chí chuẩn và kế hoạch tổng thể hay việc triển khai còn lúng túng, rời rạc, không kết nối giữa các bên, chưa huy động nguồn lực tư nhân, chưa thể huy động nguồn lực tư nhân khiến chi phí vốn gia tăng gây khó khăn cho chính quyền đô thị.

Môi trường chính sách và khung pháp lý hiện hành còn nhiều điểm gây khó khăn cho doanh nghiệp mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh. Một vấn đề được đề cập là mặt bằng thuế chưa ngang bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, không đảm bảo được tính cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng. Mà cụ thể là hiện chính sách thuế với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ số vẫn còn bất cập với việc chi trả thuế VAT, thuế người dùng mà còn phải trả 25% thuế thu nhập doanh nghiệp; trong khi đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ qua biên giới lại chỉ phải trả thuế nhà thầu là 5%. Mặt khác, hiện tượng độc quyền trong ngành viễn thông, truyền hình theo các doanh nghiệp cho rằng vẫn còn tồn tại do chính sách, quy định của Nhà nước.

Thêm nữa, việc phát triển các hình thức thanh toán điện tử tại Việt Nam còn chưa đồng bộ giữa chủ trương và thực hiện nên việc đầu tư hạ tầng số chưa mạnh mẽ hoặc chưa thể phát huy hiệu quả

Du lịch - câu chuyện ngân sách và thị thực

Với sự tăng trưởng trong ba quý đầu năm 2017, ngành du lịch Việt Nam đã có những động thái đáng kể từ chính sách như miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu, đẩy mạnh cấp thị thực điện tử và một số hoạt động khác như quảng bá, ứng dụng công nghệ trong ngành du lịch đã giúp số khách quốc tế đến Việt Nam dự kiến không chỉ đạt mục tiêu đặt ra cho năm 2017 mà còn chạm mức kỷ lục. Dẫu vậy, mặt trái của ngành vẫn còn tồn đọng khá nhiều cản trở.

Điều đầu tiên được đề cập là ngân sách phục vụ đầu tư quảng bá xúc tiến du lịch chưa tương xứng với mục tiêu phát triển và tiềm năng du lịch quốc gia. Đề cập về vấn đề này, đại diện cho ngành du lịch cho biết ở một số quốc gia khác ngân sách có thể từ 50-100 triệu USD, nhưng hiện tại Việt Nam chỉ ghi nhận được 2 triệu USD là quá thấp so với tiềm năng và mục tiêu đột phá của ngành. Hơn nữa, việc chi ngân sách lại còn dàn trải, không gắn với phát triển các thị trường trọng tâm.

Chính sách thị thực tuy đã cởi mở nhưng vẫn còn nhiều bất cập cho khách quốc tế đến Việt Nam. Cụ thể tập hợp ý kiến các doanh nghiệp cho rằng, chính sách thị thực của Việt Nam không có sức cạnh tranh và hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực, thời gian áp dụng thị thực còn quá ngắn chỉ 15 ngày, ít hơn so với độ dài ngày trung bình khách quốc tế đến Việt Nam và cũng ít hơn nhiều so với chính sách một số quốc gia khác; hay thời gian công bố danh sách các nước được miễn thị thực theo từng năm một khiến các doanh nghiệp du lịch và lữ hành khó khăn trong việc lên kế hoạch thu hút khách du lịch và song song đó là chương trình cấp thị thực điện tử theo ý kiến doanh nghiệp là còn nhiều bất cập.

Thời gian thị thực của Việt Nam và một số quốc gia láng giềng

Hiện nay, số lượng du khách muốn quay lại Việt Nam giảm đáng kể trong thời gian gần đây và một trong những nguyên nhân được cho là môi trường điểm đến du lịch chưa được quản lý đúng mức và chuyên nghiệp. Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh ngành Du lịch và Lữ hành năm 2017 của WEF đánh giá về mức độ an ninh và an toàn, Việt Nam chỉ đứng ở mức trên trung bình với thứ hạng 57. Theo đó, đề nghị được đưa ra là sử dụng Bộ chỉ số quản lý chất lượng điểm đến do khu vực tư nhân xây dựng, đánh giá dựa trên du khách thay vì chủ quan của nhà quản lý, minh bạch kết quả đánh giá định kỳ kèm bảng xếp hạng điểm đến. Và đề nghị trên được đề xuất thí điểm tại các điểm đến phát triển nóng về du lịch như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Huế, Hội An.

Cổ phần hóa thiếu lộ trình rõ ràng

Với việc thu hút đầu tư và phân bổ các nguồn lực đầu tư thì có hai vấn đề lớn được đề cập cần tháo gỡ để giải phóng các nguồn lực đầu tư.

Đầu tiên đó là việc cổ phần hóa các doanh nghiệp được cho rằng còn khá chậm. Trong tình hình hiện tại, lượng chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp nhà nước phổ biến ở mức chỉ 5-15%. Theo nghiên cứu của phía VinaCapital, các trường hợp cổ phần hóa thường thành công hơn khi có lộ trình rõ ràng trong việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước với thời gian cụ thể. Trước đó với lộ trình không công bố thời hạn rõ ràng, sự tham gia của những nhà đầu tư lớn thường hạn chế.

Còn vấn đề thiếu nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế, giải pháp được đề xuất là phát triển quỹ hưu trí tự nguyện để tạo vốn dài hạn cho các ngành kinh tế mũi nhọn. Quỹ hưu trí giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, người lao động và doanh nghiệp có nhiều lựa chọn thích hợp để tích lũy cho hưu trí, đồng thời thị trường vốn sẽ có thêm các nhà đầu tư tổ chức trong nước tham gia lâu dài, nâng cao tính ổn định của thị trường. Với phương án hình thành quỹ hưu trí tự nguyện, một số đề xuất đã được đưa ra liên quan đến việc tăng mức đóng quỹ được miễn thuế, thuế rút tiền từ quỹ hưu trí và việc rút tiền trước kỳ hạn.

Một số vấn đề khác trong nhóm ngành đầu tư tài chính là việc đăng ký vốn cho nhà đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn; kê khai và nộp thuế thu nhập bản quyền với các nội dung số đang chưa hợp lý về quy định và bất cập giữa chính sách thu hút đầu tư với doanh nghiệp quốc tế và doanh nghiệp trong nước.

Và cuối cùng một vấn đề chung của hầu hết các ngành đề cập là thái độ ứng xử của cơ quan công quyền với doanh nghiệp, lạm dụng việc thực thi chính sách, pháp luật gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Phúc Mai

FILI

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu điện thoại thu về 41 tỷ USD trong 11 tháng (04/12/2017)

>   Trường ĐH được thành lập doanh nghiệp (04/12/2017)

>   Bắt Chánh văn phòng Cục Thi hành án dân sự Bình Định (04/12/2017)

>   Ưu đãi đến 1 tỉ USD tiền điện cho một dự án luyện kim? (04/12/2017)

>   Những bước chuyển mình của ngành hàng không Việt Nam (04/12/2017)

>   Tháng 1-2018 đưa Trịnh Xuân Thanh ra xét xử (04/12/2017)

>   Thành viên Vicem xin tái cơ cấu nợ hàng triệu USD (04/12/2017)

>   Doanh nghiệp du lịch, nông nghiệp, kinh tế số chưa hết "khổ" vì rào cản chính sách (04/12/2017)

>   Doanh nghiệp du lịch, nông nghiệp, kinh tế số chưa hết "khổ" vì rào cản chính sách (04/12/2017)

>   Ngành mía đường lại muốn bảo hộ để ‘đuổi’ đường ngoại (04/12/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật