Doanh nghiệp nào đã rục rịch lên kế hoạch kinh doanh 2018?
Mặc dù chưa kết thúc năm 2017, nhưng nhiều đơn vị đã đặt chỉ tiêu cho năm hoạt động mới với gam màu sáng cho chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp đã hé lộ chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2018 phải kể tên đến là: SAB, HAG, AAA, HAX, LSS, STK, JVC và VCP. Hầu hết những đơn vị này đều là những tên tuổi lớn trên thị trường, ngành bia – nước giải khát có SAB, nông nghiệp có Hoàng Anh Gia Lai (HAG), đường có Mía đường Lam Sơn (LSS)…
(*) LSS và HAG là ước lợi nhuận trước thuế.
Đặc biệt, cả 8 kế hoạch kinh doanh nói trên đều ghi nhận mức lợi nhuận dương và tăng trưởng so với chỉ tiêu năm 2017. Động lực hỗ trợ cho điều này trước hết đến từ chính nội lực của doanh nghiệp, khi mà nhiều đơn vị đưa ra lý giải cho chỉ tiêu kinh doanh dựa trên cơ sở những định hướng hoạt động thời gian đến như tái cơ cấu, các hợp đồng ký kết mới…
Nguyên nhân thứ hai có lẽ xuất phát từ thị trường ngành nói riêng, cũng như toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung, được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018. Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam triển vọng 2018”, các chuyên gia nhận định, với những kết quả đạt được trong năm 2017, kinh tế Việt Nam 2018 có nhiều tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển.
Song song với đó, dù vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn, song đánh giá của WB cũng cho thấy về trung hạn, tăng trưởng được dự báo sẽ ổn định ở mức khoảng 6.5%. Đồng thời, lạm phát ở Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp, khoảng 4%, trong các năm 2018 và 2019.
Cả 8 đơn vị đều đặt kế hoạch tăng lãi
Đáng nói nhất là ông lớn ngành bia Sabeco (SAB), kế hoạch năm 2018, Sabeco đặt mục tiêu tổng doanh thu 35,981 tỷ đồng, tăng 4.38% so kế hoạch năm 2017. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 6,008 tỷ đồng và 4,806 tỷ đồng, tăng 5% và hơn 2% so kế hoạch 2017. Cùng với đó, năm 2018 SAB sẽ tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, thay đổi cơ cấu bán hàng, tấn công trực diện vào đối thủ cũng như sẽ tung ra thêm sản phẩm mới nhắm vào phân khúc trẻ. Với những bước đi đó, SAB đặt mục tiêu tăng lên 42-43% thị phần ở phân khúc bình dân, còn phân khúc cao cấp lấn thêm vài %.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thành Nam cho biết, cuộc chiến thị phần bia rất khốc liệt, cạnh tranh từng tháng, từng vùng. Mặt khác, sản phẩm của Sabeco hiện tập trung ở phân khúc bình dân khoảng 40%, còn 20% ở tầm trung. Thị phần 9 tháng đầu năm 2017 của Sabeco cũng quanh mức 40-41% như năm 2016. Dự kiến đến cuối năm nay sản lượng bia tăng khoảng 4.5% và Sabeco phấn đấu doanh thu sẽ tăng 7-8%.
|
Chia sẻ về những con số trên, SAB cho biết dựa trên cơ sở triển vọng tăng trưởng tích cực của ngành bia, “thị trường bia Việt Nam có thể tăng tới 2021-2022 và sau đó mới đi xuống", đại diện Công ty khẳng định.
Tương tự, với dự báo cầu thị trường toàn ngành tiếp tục tăng mà Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đặt mục tiêu 2018 sẽ là năm tăng trưởng mạnh mẽ về cả doanh thu lẫn lợi nhuận, với diện tích và sản lượng cây ăn trái đồng thuận gia tăng.
Theo chia sẻ của ông Võ Trường Sơn – Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Công ty: “Diện tích khai thác dự kiến khoảng 9,000 ha trong tổng số 18,000 ha đã trồng. Một số mặt hàng dự kiến tiêu thụ như chanh dây hơn 57,000 tấn (doanh thu 1,455 tỷ đồng), thanh long hơn 40,700 tấn, gần 189,000 tấn chuối, xoài hơn 10,000 tấn, ớt 27,000 tấn và mít khoảng 7,300 tấn…”
Theo đó, tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến cây ăn trái và gia vị trong năm 2018 của HAG gần 334,000 tấn, tương ứng doanh thu 7,534 tỷ đồng và lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) dự kiến 4,096 tỷ đồng.
Nhựa & Môi trường xanh An Phát (AAA) cũng vừa hé lộ kế hoạch kinh doanh năm 2018 với doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 5,500 tỷ và 330 tỷ đồng, tăng 67% và 50% so với kế hoạch của năm 2017.
Hay Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HAX) với kỳ vọng sản lượng xe dự kiến bán ra là 2,592 chiếc xe, Công ty đã mạnh dạn đề ra chỉ tiêu tổng doanh thu kế hoạch (bao gồm bán xe và dịch vụ) là 5,184 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế và sau thuế dự kiến tương ứng ở mức 145 tỷ và 116 tỷ đồng. So với kế hoạch 4,300 tỷ đồng doanh thu và 96 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của năm 2017, cả hai chỉ tiêu năm 2018 đều tăng trưởng khoảng 20-21%.
Dự báo tăng trưởng còn có Đầu tư Xây dựng & Phát triển Năng lượng Vinaconex (UPCoM: VCP), dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2017 vào ngày 26/12 tới để kế hoạch năm 2018 với tổng doanh thu và lãi sau thuế duy trì tăng trưởng 5-7%, lần lượt đạt 464 tỷ và 130.5 tỷ đồng. Mức tăng trưởng dự báo tại Sợi Thế Kỷ (STK) đối với hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 23% và 32%, ở mức 2,354 tỷ và 119 tỷ đồng.
Riêng Mía đường Lam Sơn (LSS), mặc dù đặt chỉ tiêu niên độ 2017-2018 với doanh thu thuần đạt 2,380 tỷ, tăng hơn 17%; tuy nhiên lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ tương đương con số niên độ 2016-2017, đạt 125 tỷ đồng.
Mặt khác, mặc dù chưa có công bố chính thức, song nhiều đơn vị cũng đánh tiếng chỉ tiêu hoạt động trong năm 2018 như Tập đoàn Kido (KDC), chia sẻ tại buổi ký kết hợp tác với CTCP Đầu tư Thành Thành Công (TTC), ông Trần Lệ Nguyên – Tổng Giám đốc Tập đoàn khẳng định: “Hợp tác với Thành Thành Công, Kido kỳ vọng doanh thu bán đường năm 2018 sẽ đạt 1,100 tỷ đồng”.
Hay Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII) cũng đã đưa ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2018 là 1,200 tỷ đồng, đến năm 2020 dự đạt 1,800 tỷ đồng.
Vẫn đặt kế hoạch tăng lãi dù còn nhiều chật vật
Sau nhiều tai tiếng, lỗ lũy kế của đơn vị đình đám một thời Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) tính đến thời điểm 30/09/2017 vẫn ghi nhận lớn hơn 1,000 tỷ đồng. Chưa kể, tại báo cáo soát xét hợp nhất giữa niên độ, phía kiểm toán đã có ý kiến ngoại trừ trên khoản mục phải thu ngắn hạn của khách hàng bao gồm 338 tỷ đồng và các khoản công nợ ứng trước cho nhà cung cấp với tổng số dư khoảng 14.9 tỷ đồng (số dư này đã không biến động từ thời điểm 31/03/2016). Đồng thời, kiểm toán cũng có ý kiến ngoại trừ đối với khoản mục phải thu khác bao gồm số dư các khoản mục tạm ứng mà Công ty không thu thập được xác nhận công nợ đối với các nhân viên với giá trị khoảng 20.3 tỷ đồng cũng tồn đọng lâu ngày (không có biến động cũng từ thời điểm 31/03/2016).
Dẫu vậy, kế hoạch cho niên độ 2017-2018, JVC vẫn tự tin đề ra chỉ tiêu doanh thu 630 tỷ đồng, tăng 26% so với niên độ 2016-2017; còn lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 23 tỷ và 19 tỷ đồng. Trong khi đó, mặc dù đã đẩy mạnh một số công tác cuối năm 2016 giúp Công ty đạt được một số dự án và hợp đồng tiềm năng trong năm 2017, nhưng kết quả đạt được vẫn còn khá xa vời so với con số kế hoạch đặt ra. Cụ thể, doanh thu nửa đầu năm 2017 thực hiện được 40.6%, nhưng lãi ròng chỉ mới đạt 23% kế hoạch.
|
Tri Túc
FiLi
|